Y tế - Văn hóaThư giãn

Chuyện cổ tích thời nay

Tạp Chí Giáo Dục

Ngay sau khi ông Sư mổ được cái khối u như khối đá trầm tích tụ lại trong người  mà mấy chục năm qua ông lo sợ là u ác, anh Sương liền gọi chúng tôi

tới để uống mừng bố mình tai qua nạn khỏi. Lúc đã ngà ngà say, anh bảo chúng tôi:

– Các cậu phải đi học đi! Các nơi người ta đang học ầm ầm.

Rồi anh nói như ra lệnh:

– Lần này cả năm anh em ta phải vào một lớp! Chúng ta phải lấy lại phong độ của lớp tập thể học sinh lao động xã hội chủ nghĩa chứ !

Cả năm chúng tôi đều đã ngoại ngũ tuần. Không có điều kiện học đại học tại chức, thôi thì đành học “từ xa” vậy. Người đầu tiên phải kể đến là “Quang thịt lợn”. Cậu ta đã đánh mất cái bằng tốt nghiệp sư phạm dạo về chế độ 176 nên lần này tỏ ra hăng hái lắm. Hoa làm hiệu trưởng một trường trọng điểm của huyện, quản lý gần năm mươi giáo viên đã tốt nghiệp đại học nên dĩ nhiên phải hợp lý hoá bằng cấp. Còn tôi và Ngôn lương cũng đã hết bậc mười nhưng còn những sáu năm nữa mới về hưu nên nói như Ngôn: “nể” ông Sương quá phải đi cho có phong trào.

Hôm trước Tết Nguyên đán, nhận được mười cuốn giáo trình, tôi thử mở cuốn Không gian mêtrích đọc một hồi mà hai tai cứ ù ù. Mà cái anh “mêtrích” này có tác dụng gì cho việc dạy toán cấp hai cơ chứ. Thế là tôi cầm tài liệu xuống trường cùng anh Sương nghiên cứu. Anh đọc qua một lượt rồi giảng lại cho tôi như một giảng viên thực thụ. Tôi tròn xoe mắt nhìn anh vì ngày xưa anh học có hơn tôi đâu…

***

Năm chúng tôi là học sinh khóa hai của Trường Sư phạm (10+3) Quảng Bình, anh Sương là bộ đội chuyển ngành về học với tôi một lớp. Ngay từ năm thứ nhất chúng tôi đã bầu anh làm lớp trưởng lớp Toán Lý. Anh to cao, đẹp trai lại nói năng nhỏ nhẹ nên là mẫu người để nhiều cô gái ước ao. Bọn con trai chúng tôi đứa nào cũng thầm ghen với anh. Chúng tôi biết khối đứa con gái chết mê, chết mệt vì anh.

Năm 1975, Trường Sư phạm chuyển địa điểm từ xóm Cà về xóm Dét sát nhà máy Z-171 – một nhà máy của quân đội. Hai đơn vị kết nghĩa. Nhà máy cung cấp điện cho nhà trường và đáp lại trường dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ, chiến sỹ ở các lớp buổi tối. Chúng tôi ở nông thôn đến nên lần đầu tiên thấy điện là mừng lắm. Nhà trường bố trí cho mỗi căn phòng một bóng đèn tròn 45 oát. Cậu Đình  người Lí Ninh lấy dây nóng chôn xuống đất và lấy mấy bóng đèn 12 vôn tháo ra từ xe đạp  mắc cho các bàn. Bàn làm bằng bốn cái cọc chôn xuống đất rồi đặt tấm ván lên. Hôm đó không biết vì lí do gì mà cậu Thủy bị điện giật. Cả dãy lán không có lấy một cầu dao nên chẳng ai biết cắt điện bằng cách nào. Nghe tiếng nhốn nháo, anh Sương chạy sang, anh nắm lấy ống quần của Thủy mà kéo. Không may nắm phải ống chân Thủy, anh Sương bị “dính chùm” luôn. Trong lúc cả lớp đang loay hoay tháo cọc màn thì chị Lan người Lệ Thủy chạy ào vào như một cơn gió. Chị giật phăng chiếc áo đang mặc trên người và quàng vào cổ anh Sương mà kéo. Chị giật mạnh đến nỗi đứt cả dây điện cậu Đình vừa nối vào buổi chiều. Thủy và anh Sương thoát chết, nhưng anh Sương phải nằm viện mất mấy ngày bởi anh là người tiếp đất đằng sau. Nghe tin anh Sương nằm viện, chị em trong lớp và cả các lớp khác kéo đến thăm rất đông, họ thay nhau chăm sóc anh suốt cả tuần lễ. Mấy ngày đó chị Lan khóc sưng húp cả mắt. Bấy giờ chúng tôi mới biết, anh chị đã yêu nhau từ hồi còn ở Tỉnh đội.

Cuối năm đó, chúng tôi ra trường. Chị Lan được phân công vào Huế, anh Sương về dạy ở huyện nhà. Anh nói với tôi:

  Tớ muốn đưa Lan về nhà, nhưng sợ ông cụ khó tính quá!

Anh Sương với tôi là người cùng làng. Anh vốn coi tôi như đứa em ruột, những việc quan trọng, anh vẫn thường tâm sự với tôi. Tôi biết nỗi khổ tâm của anh khi phải giới thiệu người yêu với gia đình. Ông Sư bố của anh là người đàn ông khắc khổ và có cá tính. Hồi ông còn làm ở bưu điện ngoài Nghệ An, ở nhà vợ ông có thai với một cán bộ thương nghiệp về sơ tán ở làng tôi hồi đầu của cuộc chiến tranh. Bà Thảo vợ ông sợ quá đã nạo thai nhưng ông vẫn không tha thứ, mặc cho mấy đứa con van xin và họ hàng khuyên giải. Ông cấm không ai được nhắc đến tên bà khi có mặt ông. Ông về hưu non và lầm lũi nuôi con. Sau một ngày làm việc ông thường bắt các con ngồi lại kiểm điểm công việc mình làm và ông chỉ ra cái này được, cái kia còn chưa được. Ông dạy: “lấy vợ xem tông, lấy chồng chọn họ”. Lấy vợ, lấy chồng là phải lấy ở trong làng để biết cái “dòng giống nhà nó”. Ông ghét nhất là “cái giống đàn bà” cứ ra đường là nói nói, cười cười. Đàn bà nói chuyện mà hay hát, hay nguýt, rồi cứ liếc ngang, liếc dọc là ông “ghét ba đời”. Ngày anh Sương đưa chị Lan về ra mắt gia đình, chị phải ở lại nhà tôi để anh lên thăm dò trước. Hôm tổ chức đám hỏi cho anh, bạn bè ai cũng mừng. Ngày ấy tôi ở xa nên không về kịp. Nghe nói bố của chị Lan không phải là ai khác cái ông cán bộ thương nghiệp đã về sơ tán ở làng tôi. Sự đời có những cái oái oăm bất ngờ mà không ai tưởng tượng nổi. Ông Sư đau hơn cả hoạn. Ông đùng đùng rời khỏi đám hỏi ngay khi nhận ra kẻ đã phá vỡ hạnh phúc gia đình mình chính là “ông sui” tương lai của mình. Ông ra lệnh anh Sương phải bỏ chị Lan ngay lập tức nếu còn muốn thấy mặt ông.

Một bữa ông thấy anh Sương chở chị Lan đi chợ Ba Đồn, về nhà ông lồng lên như một con thú. Ông bắt anh Sương đứng trước mặt ông, bên cạnh ông là cái rựa sắc ngọt và cục đục mục. Ông gầm lên:

  Chừ cho anh chọn đi! Anh chọn tui hay con Lan?

Anh Sương mặt tái mét nhưng vẫn nói cứng:

– Thưa ba! Ba không cho con lấy Lan thì thôi chứ suốt đời con không lấy một người nào khác.

Ông Sư đặt ngón tay trỏ lên cái đục mục rồi nhìn anh trừng trừng. Anh Sương rợn người. Một luồng điện chạy dọc từ sống lưng lên gáy. Bằng một động tác nhanh gọn, lưỡi rựa cắm phập vào cái đục mục, một tiếng “cốc” khô khốc vang lên, ngón tay trỏ bắn ra từ cục đục mục, máu trên tay ông chảy ròng ròng. Ông lạnh lùng:

– Tui sẵn sàng dứt bỏ như đối với mạ anh. Tui mà còn sống là con Lan không được bước vô cái nhà này.

Về sau, anh Sương nhất định không chịu lấy vợ. Giữa năm 1982, có chủ trương tăng cường giáo viên cho vùng kinh tế mới ở miền Nam. Vợ chồng tôi xung phong vào dạy trong Sông Bé. Ngày tôi xin về được trong huyện, anh mừng lắm. Đích thân anh lên phòng giáo dục xin cho tôi về dạy trường làng. Thế là tôi lại “dưới trướng” của anh. Tôi hỏi anh về chị Lan. Anh buồn rầu kể chị Lan vẫn chưa lấy chồng, bố chị vì buồn quá lâm bệnh mà chết. Trước lúc nhắm mắt ông ra hiệu cho chị lại gần rồi thều thào:

– Ba đã làm hại đời con. Con hãy tha thứ cho ba!

Ông nắm chặt tay chị và tắt thở. Những giọt nước mắt hối lỗi muộn mằn rỉ ra trên khoé mắt ông già. Ngày ông chết, anh Sương vào lo việc cho ông nhưng phải nói dối bố là đi công tác. Chúng tôi ai cũng giục anh đi lấy vợ nhưng anh chỉ lắc đầu:

– Mình già như thế này rồi còn lấy ai được nữa!

Nhiều cuộc mai mối không thành. Anh không quên được chị Lan.

***

Thế là chúng tôi lại cùng nhau vào học một lớp Toán A1. Hôm vào Huế dự khai giảng xong, anh bảo:

– Cậu đi đây với tớ một tí.

Hai anh em thuê xe thồ chạy về phía cầu Tràng Tiền. Khi đến một ngôi nhà ba tầng, anh bảo anh xe thồ dừng lại. Tôi móc túi trả tiền còn anh bấm chuông. Lát sau hai cô bé một lên tám, một lên mười hai trong nhà chạy ùa ra. Chúng rối rít reo to:

– Mẹ ơi! Ba Sương đã vào!

Anh cúi xuống bế xốc đứa nhỏ lên và quay một vòng , con bé cười như nắc nẻ. Anh mở túi du lịch lấy ra một cái gói giơ lên trời và rao:

  Có cô bé lọ lem nào ăn ba hạt dẻ của ông nội gửi cho không ?

Một phụ nữ mặc chiếc váy hoa rất nhã chạy trên tầng hai xuống:

– Ôi cậu Nam! Cậu bây giờ mới biết nhà anh chị đấy nha.

Một thoáng ngỡ ngàng: Có phải chị Lan đó không? Với mái tóc quăn của chị thì ba mươi năm rồi tôi vẫn không thể nào nhầm được. Tôi bàng hoàng với hạnh phúc của anh chị và cũng mừng cho cả hai người. Chị giục anh Sương đưa tôi sang phòng tắm để rửa chân tay còn chị xuống bếp chuẩn bị đồ nhậu cho cuộc hội ngộ hôm nay.

Hai anh em đang ngồi nhâm nhi li cà phê do con bé lớn mang ra thì ngoài cổng lại có tiếng còi. Hai đứa bé lại tranh nhau chạy ra mở cửa cho chiếc xe con chạy vào ga-ra. Con bé lớn đón lấy chiếc cặp da đen trên tay người đàn ông đem vào nhà cất. Anh bế xốc đứa nhỏ lên,  thơm chụt  một cái vào má nó rồi đến ôm lấy anh Sương và trách:

– Sao ba Sương không gọi điện trước để mình lên ga đón? Mà ông cụ khỏe hẳn rồi chứ? Lan đã chuẩn bị cho ông cụ hai lạng cao mèo đen với lít mật ong rồi. Ra về cậu nhớ nhắc kẻo bọn mình lại quên đấy!

Phát hiện sự có mặt của tôi, anh buông anh Sương ra để chào thì anh Sương đã đỡ lời:

– Đây là cậu Nam người làng, học cùng lớp với mình và Lan hồi sư phạm.

Anh quay sang vỗ vỗ trên vai người đàn ông rồi nhìn tôi làm ra vẻ bí mật:

– Đố cậu ai đây?

Rồi chẳng đợi tôi trả lời anh cười to:

– Phó giáo sư – tiến sỹ y học Trần Xuân Chiến – người đã mổ khối u cho ông cụ nhà mình đấy! Anh Chiến là người làng bên, cặp tiền đạo đá cánh trái cùng với mình suốt ba năm học cấp ba cậu ạ! Trong mấy năm anh em ta đánh vật với cái khóa “mười cộng rú” thì ông tiến sĩ đang tu nghiệp ở nước ngoài. Còn cậu, hôm nay có bài nào không hiểu thì cứ lại chị Lan của cậu mà hỏi. Đợt đem ông cụ vào Huế chữa bệnh tớ cũng phải làm học trò của cô giáo Lan mới biết võ vẽ được chút ít. Chị Lan bây giờ cũng có tham gia dạy anh em mình mấy “học phần” đó.

Tôi ngớ người ra. Như là chuyện cổ tích. Quan hệ giữa ba người như thế nào? Đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu một tí tẹo gì về chuyện tình của họ…

HOÀNG MINH ĐỨC

Bình luận (0)