Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chuyện của 2 cô gái chuyên cấp cứu tâm lý qua… mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ mang đến dịch vụ tư vấn tâm lý miễn phí, nhóm bạn trẻ 'Beautiful Mind Vietnam' còn hướng đến một mục tiêu cao hơn là thay đổi thực trạng và những định kiến về căn bệnh rối loạn tâm lý trong xã hội Việt Nam hiện đại

Thành lập ở thời điểm thông tin về tâm lý học nói chung và sức khoẻ tâm lý còn hiếm, ngay từ những ngày đầu, "Beautiful Mind Vietnam“ (BMVN) đã xác định được con đường mình sẽ theo đuổi.

Lê Đỗ Khả Tú và Nguyễn Khánh Linh, hai thành viên sáng lập của nhóm "Beautiful Mind Vietnam" /// Ảnh: NVCC
Lê Đỗ Khả Tú và Nguyễn Khánh Linh, hai thành viên sáng lập của nhóm "Beautiful Mind Vietnam" – Ảnh: NVCC

Tư vấn tâm lý từ xa
Ngoài những kiến thức, dạng bệnh tâm lý được trình bày dễ hiểu, dịch vụ sơ cứu tâm lý của BMVN trước hết tạo ra một chỗ dựa tinh thần, nơi trao đổi, giãi bày cho những ai có vấn đề tâm lý. Các thành viên chủ yếu là những du học sinh Việt ở nước ngoài, và trụ sở chính nằm ngay… Singapore – cũng là nhà của trưởng nhóm Nguyễn Khánh Linh, thạc sĩ ngành kỹ sư tri thức (Knowlegde Engineering), ĐH Quốc gia Singapore .
Theo Linh, lợi thế lớn của sơ cứu tâm lý qua mạng là người xin tư vấn có thể giấu đi danh tính của mình, làm cho họ cảm thấy thoải mái hơn trong việc kể ra câu chuyện thầm kín. Bên cạnh đó, hình thức này cũng linh hoạt về thời gian và địa điểm hơn cho cả đôi bên.
“Nhóm mình chủ yếu làm qua email và điền đơn trên trang web để đảm bảo tính riêng tư và tránh bỏ sót thông tin. Khi nhận được thư xin tư vấn, các bạn trong nhóm sẽ cùng thảo luận và đưa ra giải pháp. Tất cả câu trả lời đều phải thông qua quá trình xét duyệt từ những bạn khác trước khi gửi đến người xin tư vấn. Và nguyên tắc quan trọng của nhóm là không gây hại, không khiến đối tượng căng thẳng hơn, đồng thời lắng nghe, thấu cảm và không phán xét” Khánh Linh chia sẻ.
Cô bạn cho biết mô hình sơ cứu tâm lý này được phát triển bởi Trung tâm Rối loạn Căng thẳng Hậu chấn thương Tâm lý Quốc gia tại Hoa Kỳ (National Center for Post Traumatic Stress Disorder) và cũng đã áp dụng thành công ở nhiều nơi. Tuy nhiên, BMVN chia sẻ rằng nhóm gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện bước đầu ở nước ta.
Bác sĩ của tâm hồn 2

Buổi hội thảo đầu tiên của nhóm tại TP.HCM thu về khá nhiều phản hồi tích cực

“Nhất là với các vấn đề liên quan đến xã hội do tính chất ở các nước Mỹ, Âu khác với Việt Nam. Ví dụ như có những trường hợp con cái bị bạo hành bởi cha mẹ mình nhưng lại có rất ít giải pháp khả thi vì ởnước ta vẫn quan niệm chuyện đánh con là điều …bình thường. Trong khi hậu quả lại khá nghiêm trọng như người bị bạo hành dễ mắc các rối loạn tâm lý như trầm cảm, stress sau sang chấn, IQ thấp, có khuynh hướng thu mình và không hòa nhập xã hội…” Linh lý giải.
Còn Nguyễn Đỗ Khả Tú, tốt nghiệp ngành Khoa học sinh học tại Trường đại học Rutgers (New Jersey) – đồng sáng lập BMVN cho biết, dự định lâu dài của nhóm là mong muốn được liên kết với bệnh viện và tổ chức y tế đáng tin cậy để có thể giới thiệu cho những trường hợp cần đến chuyên gia can thiệp.
Chuyện của những người trong cuộc
Có một sự thật khá thú vị là không phải ngẫu nhiên mà Linh và Tú nảy ra sáng kiến thành lập BMVN. Bản thân hai bạn đều từng đối mặt với những căn bệnh tâm lý khác nhau và quan trọng hơn, vượt qua nó bằng kiến thức và sự cố gắng của mình.
“Mình bị rối loạn lo âu và hoảng sợ từ năm 10 tuổi. Hồi đó đi khám thì không ai biết được là bệnh gì, mà chỉ nói là do thiếu chất và một số rối loạn tuổi trước dậy thì. Triệu chứng có lúc lên xuống nhưng thường nặng nhất lúc mình căng thẳng vì thi cử, làm đồ án. Đôi khi mình không thể ở nhà hay ra đường một mình vì sợ” Linh nhớ lại.
Cuối năm 2012, đang buồn bã và tuyệt vọng về bệnh tình thì tình cờ Linh lên mạng các cộng đồng những người bị bệnh tâm lý ở Anh. Sau khi tìm hiểu được căn nguyên và tên của những rối loạn mình trải qua, Linh đã mua sách chuyên ngành về đọc thêm, đi khám, uống thuốc cũng như tình nguyện giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Trong 3 năm gần đây, dù sống xa gia đình và đôi khi vẫn bị những triệu chứng “quấy rầy”, thế nhưng Linh cho biết nó không còn ảnh hưởng nhiều đến cô nữa.
Còn với cô bạn xinh xắn Khả Tú, tình trạng u uất, stress nặng bắt đầu xuất hiện khi cô qua Mỹ từ những năm cấp 3. Gánh nặng học tập, tài chính đã khiến Tú mất ngủ và phải dựa vào café để có thể học và làm.
“Đỉnh điểm là lúc tốt nghiệp trường cao đẳng cộng đồng mình bị vảy nến khắp cả người. Đi khám mới biết là do stress, dẫn đến hệ miễn dịch hoạt động quá mức, gây bệnh. Tốn gần một năm điều trị, thay đổi lối sống, cố gắng thư giãn, bỏ café. Sau này mình cố gắng luyện tập tỉnh thức hằng ngày, điều chỉnh lại suy nghĩ để tránh bản thân rơi vào tình trạng lúc trước” Tú bồi hồi.
Từng trải qua những ngày tháng khó khăn, nên Linh và Tú thấu hiểu tính chất nghiêm trọng của bệnh tâm lý trong xã hội, nhất là tác động đến giới trẻ. Dù các thành viên rất bận rộn với công việc riêng, đôi khi cũng quá tải vì thư gửi về quá nhiều, nhưng họ vẫn duy trì công việc tư vấn hàng ngày. Với cả nhóm, những lời tri ân của đối tượng hay sự công nhận từ các tổ chức uy tín trên thế giới như Tổ chức Mental Health Innovation Network (MHIN) và Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) cũng là nguồn động viênhết sức to lớn.
Theo đúc kết của BMVN, độ tuổi gửi đơn nhờ tư vấn thường là từ 16 đến 25 tuổi, cũng chính là độ tuổi sinh lý và tâm lý có sự thay đổi lớn.Chiếm phần nhiều là các vấn đề như trầm cảm, hoặc rối loạn lo âu, mối quan hệ với gia đình, bạn bè, tình yêu, và những trăn trở về bản thân hay sự nghiệp, tương lai.
Trong tương lai, nhóm dự định sẽ hợp tác cùng các nghệ sĩ trẻ ở Hà Nội tổ chức triển lãm mang tên “Các sắc thái tâm lý” (Shades of mind) với hy vọng truyền tải tới cộng đồng những gánh nặng mà người bệnh tâm lý hằng ngày phải trải qua. Ngoài ra, một cuốn sách về tâm lý học dị thường, hợp tác giữa nhóm BMVN và EZpsychology cũng sẽ được phát hành sớm nhất có thể.
Giải pháp cho bệnh tâm lý
Theo lời khuyên, gợi ý từ nhóm BMVN, những bạn bị stress nên cố gắng tìm hiểu nguyên nhân từ gốc, tham khảo tài liệu, thay đổi thời gian biểu hằng ngày,tham gia những lớp ngoại khóa, cố gắng kết hợp giữa nghỉ ngơi và làm việc. Ngoài ra, có thể thay đổi khẩu phần và các món ăn hằng ngày,bổ sung vitamin, khoáng để giúp hỗ trợ tâm lý và giảm tải căng thẳng.
Có thể viết ra những vấn đề khó khăn ra hoặc viết nhật ký hàng ngày. Giải quyết theo ba bước cơ bản: chấp nhận rằng có khi nhiều thứ không theo ý mình; đừng làm tồi tệ thêm; và nhận ra mình luôn có khả năng giải quyết, vượt qua vấn đề. Mười phút đồng hồ luyện tập hít thở sâu hằng ngày sẽ giúp cho não bộ xử lý thông tin tốt hơn, và lưu trữ lâu hơn.
Nếu sau một thời gian ngắn mà biểu hiện không giảm, thì hãy tìm đến các bệnh viện và trung tâm có chuyên môn để điều trị.

Kim Nga (TNO)

 

Bình luận (0)