Bác sĩ Daniel Trương trong những ngày ở Việt Nam |
Lặng lẽ đóng góp cho việc phát triển kiến thức và kỹ thuật điều trị các bệnh thần kinh ở Việt Nam trong nhiều năm qua, bác sĩ Daniel Trương vừa được Trường ĐH Y dược TP.HCM trao bằng giáo sư danh dự, tổ chức tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM.
Bền bỉ với ước mơ
Năm 1967, bác sĩ Daniel Trương rời Việt Nam để sang Đức du học, mang theo bao ước mơ, hoài bão về con đường tươi sáng phía trước dẫu ông biết khó khăn đón đợi nơi xứ người. Vốn say mê kỹ thuật nhưng khi tình cờ đọc một cuốn sách viết về người bác sĩ kỳ diệu của tác giả Cronin, ông Daniel Trương lại mơ ước trở thành một bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Sau một thời gian học ở Đức, ông quyết định sang Mỹ để học thêm chuyên ngành thần kinh học tại Trường ĐH South Carolina.
Đam mê học hỏi, nghiên cứu, bác sĩ Daniel đã tự khẳng định được tài năng, tâm huyết của mình. Những năm 1990, tên tuổi của bác sĩ Daniel Trương được nhiều người biết đến khi một bài báo trên tờ Los Angeles Times ngợi ca ông là “bác sĩ có phép lạ”. Ông là một trong những người đầu tiên có khả năng chữa bệnh tắt tiếng lâu năm cho các bệnh nhân ở Mỹ. Khi chứng kiến sự hồi phục của bệnh nhân lại càng thôi thúc ông phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để đem lại cuộc sống sinh hoạt bình thường cho những người không may bị tắt tiếng. Ông thành lập Hội quốc gia của những người tắt tiếng và nhận được sự ủng hộ của đông đảo mọi người. Khi hội phát triển, ông xin từ chức trong sự tiếc nuối của đồng nghiệp, bệnh nhân. “Tôi vui mừng khi thấy hội phát triển, giúp được nhiều bệnh nhân ở các nước. Tôi từ chức vì muốn thấy hội duy trì, vững mạnh hơn nữa. Những người bác sĩ trẻ cần có cơ hội được cống hiến. Sự ra đi của tôi cũng là cơ hội để cho họ trưởng thành”, bác sĩ Daniel Trương cho biết.
Được biết, bác sĩ Daniel Trương đã được nhiều nước như Nga, Ấn Độ, Pakistan… phong giáo sư danh dự. |
Bác sĩ Daniel Trương còn được biết đến với bảng phân loại về các bệnh cử động học. Nhiều hội nghị ngành thần kinh ở quốc tế do ông làm chủ tọa đã gây tiếng vang lớn, nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học. Đến nay, ông đã có 150 bài báo cáo đăng trên các tạp chí nghiên cứu y khoa thế giới. Bác sĩ Daniel Trương còn là đồng chủ biên 4 tờ báo y khoa hàng đầu thế giới. 7 cuốn sách quan trọng cho các bác sĩ chuyên môn ngành thần kinh và tâm thần do ông viết đã giúp ích rất nhiều người theo học ngành y. Có cuốn sách đã được dịch ra 7 thứ tiếng. Hiện nay, ông còn là Chủ tịch của Hội Quốc tế về hội chứng Parkinson và các bệnh có liên quan (International Association of Parkinsonism and Related Disorders). Ông Rick Warren (người được Tổng thống Mỹ Obama mời cầu nguyện trong lễ nhậm chức năm 2009) từng chia sẻ về bác sĩ Daniel trong một chương trình truyền hình ở Mỹ: “Bác sĩ Daniel Trương là một nhà nghiên cứu có tài trong lĩnh vực y khoa. Ở vị trí nào, dù là sếp hay nhân viên, bác sĩ Daniel Trương cũng hoàn thành tốt vai trò của mình bằng tài năng, lòng nhiệt tình”. Có thể thấy, ước mơ của chàng sinh viên Việt năm nào đã trở thành sự thật bởi những cố gắng bền bỉ.
Chưa khi nào nguôi nỗi nhớ quê nhà
Cuộc đời bác sĩ Daniel Trương dành trọn vẹn cho y học. 55 năm sống nơi đất khách quê người nên những cuộc trở về Việt Nam của ông lần nào cũng ý nghĩa. Ông không quá bận tâm về sự nổi tiếng. Ông chỉ lặng lẽ đóng góp những kiến thức của mình cho ngành y học Việt Nam.
Thành danh trên đất Mỹ, bác sĩ Daniel Trương rất giản dị, khiêm tốn. Hình ảnh ông trong những hội thảo ở Việt Nam luôn để lại ấn tượng trong lòng nhiều người. Là diễn giả có mặt ở rất nhiều hội nghị chuyên ngành quốc tế khắp nơi trên thế giới, những lần về Việt Nam để tham gia hội thảo, bác sĩ Daniel Trương đều có những cảm xúc rất riêng. Vừa qua, niềm vui như nhân lên khi ông được Trường ĐH Y dược TP.HCM tổ chức Lễ phong hàm giáo sư danh dự tại Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM. “Đối với tôi, danh hiệu không phải là mục đích. Tôi cảm động vì lòng chân tình của những giáo sư, đội ngũ y, bác sĩ ở Việt Nam đã dành cho tôi. Có lẽ, tôi là người may mắn khi bất kỳ lần nào về Việt Nam, tôi cũng nhận được sự ủng hộ, mọi việc hoàn toàn thuận lợi”. Niềm vui chừng ấy đủ để gọi tên hạnh phúc để ông tiếp tục cống hiến. Được biết, bác sĩ Daniel Trương đã được nhiều nước như Nga, Ấn Độ, Pakistan… phong giáo sư danh dự.
Tháng 4, bác sĩ Daniel Trương trở về Việt Nam trong niềm vui khi được phong giáo sư danh dự. Ít ai biết rằng ông giấu nỗi buồn vào trong khi người con trai mà ông rất mực yêu thương vừa qua đời ở tuổi 33. Với bác sĩ Daniel Trương, dù có sống ở Mỹ bao nhiêu năm thì tâm hồn Việt, sự giản dị trong ông cũng không bao giờ thay đổi. Những chuyến trở về vội vã, bác sĩ Daniel Trương không có nhiều thời gian cho riêng mình bởi lịch làm việc dày đặc. Ông luôn mong muốn nhiều bác sĩ ở Việt Nam được gặp gỡ, học hỏi từ các chuyên gia thần kinh hàng đầu thế giới. Vì vậy, ông về Việt Nam để tổ chức các hội nghị và khóa huấn luyện. Đó là niềm say mê của một bác sĩ khi đã trót yêu và dấn thân với nghề. Niềm say mê không tính toán, không vụ lợi.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)