Y tế - Văn hóaThư giãn

Chuyện của “Biền”…

Tạp Chí Giáo Dục

Đoàn Thạch Biền (phải) và thành viên của “Gia đình Áo Trắng”  

Một lần nào đó trong cuộc đời, nếu ta bất ngờ gặp lại “đứa con” của mình sau hơn 25 năm thất lạc thì cảm xúc sẽ ra sao? Đứa con đầu tiên với nhiều nét ngây ngô vụng dại không kém gì… “cha” nó – Đó là câu chuyện của một nhà văn với tác phẩm đầu tay của mình trong lần hội ngộ của hơn 25 năm xa cách: Đoàn Thạch Biền và Ví dụ ta yêu nhau.
Tháng 7-1974, chàng trai văn khoa Sài Gòn ôm ấp một tập truyện ngắn với toàn những… ví dụ, anh lang thang đến các nhà xuất bản như một người cha dắt đứa con đầu lòng của mình tập tễnh những bước đầu tiên trên con đường không êm ả của nghiệp dĩ văn chương. Thế là Ví dụ ta yêu nhau ra đời bên cạnh cái tên tác giả là Nguyễn Thanh Trịnh… và rồi mất hút theo dòng xoáy của cuộc đời. Nhưng 15 năm sau, “nó” được in lần thứ 2 và hơn 25 năm sau nữa, khi “người cha” của nó tóc đã điểm chút hoa râm thì “nó” được NXB Trẻ in lần thứ 3 dưới bút hiệu rất quen thuộc với chúng ta “Đoàn Thạch Biền”.
Hẳn các bạn sẽ hỏi: “Cái “ông” Biền này viết cái gì mà truyện của ổng cuốn nào cũng nằm trong ngăn kéo của bao thế hệ học trò, và được in tới cả mất lần?”. Tôi cũng như các bạn vậy, nhưng đọc gần như toàn bộ các tác phẩm của anh thì câu hỏi ấy không còn hiện diện trong tôi nữa. Từ Ví dụ ta yêu nhau, Tình nhỏ làm sao quên, Những ngày tươi đẹp, Phượng yêu, Đừng đốt cháy bông hồng, Mùa hè khắc nghiệt… nó không chỉ là văn mà nó chính là đời. Những tình cảm thật trong sáng, vô tư của thời mới lớn đan xen với những lo toan của kẻ đã nặng “chuyện áo cơm” nghe nó mới dễ thương mà đôi khi là lạ và ngộ nghĩnh làm sao. Nếu bạn bước sâu vào từng tác phẩm mới thấy cái “gu” xây dựng nhân vật của anh thật… khác người. Với tâm điểm của tác phẩm phải luôn là một chàng trai và một cô gái, mà cô gái ấy luôn gọi chàng trai là “ông” và xưng “em” – đó là nét đặc thù không lẫn với bất cứ nhà văn Việt Nam nào vì có ai nỡ “bắt” các nàng gọi mình là “ông” kia chứ, chỉ có “ông” Đoàn Thạch Biền là thích làm vậy, dù tác phẩm đầu tay của mình viết trong cái tuổi 20 hay những tác phẩm ở tuổi 40 cũng vậy, vẫn “ông – em” như ngày nào. Anh tâm sự: “Năm lớp 12, tôi có cảm tình với bạn gái cùng lớp thì cô ta lại có cảm tình với một cậu sinh viên. Khi là sinh viên, tôi có cảm tình với một cô sinh viên thì cô ta lại yêu một kỹ sư mới ra trường. Hình như người nữ luôn “hướng thượng” nên khi tôi viết truyện thường cho nhân vật nam lớn hơn để khỏi trật ra ngoài tầm “hướng thượng” của cô gái”. Đến đây, có lẽ các bạn đã hiểu tại sao tác phẩm của anh luôn được các bạn trẻ để ý rồi chứ, rõ ràng cái “ông” Đoàn Thạch Biền này sành tâm lý nữ sinh quá rồi còn gì.
Khi tôi hỏi: “Hầu hết những tác phẩm của anh đều được chuyển thể thành phim, vậy anh có sợ tác phẩm của mình bị bóp méo theo ý đồ của đạo diễn không?”. Anh cười: “Phim thì cũng lòng vòng mấy thằng bạn làm thôi, vả lại kịch bản là do tôi chuyển thể luôn mà, ai dám bóp méo chứ?”. Nhắc đến Đoàn Thạch Biền, là nhắc ngay đến một “đàn anh” rất quan tâm và nâng đỡ các cây bút trẻ, tuyển tập thơ văn Áo Trắng đã hình thành từ ý tưởng của anh và tồn tại cho đến bây giờ, dù có lúc cũng lắm thăng trầm… Biết bao cây bút trẻ hiện nay đang được yêu thích trưởng thành từ “Gia đình Áo Trắng” của anh như Gia Bảo, Phan Thị Vàng Anh, Tôn Tấn Tài, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Bình Nguyên, Dương Thụy, Phan Hồn Nhiên…
Một chiều êm ả tại quán cà phê, bất ngờ anh hỏi tôi: “Em có biết vì sao anh có cái tên Đoàn Thạch Biền không?”. Tôi ú ớ lắc đầu: “Cái tên anh nghe nó cứ “thạch thạch biền biền” thế nào ấy, nên xuất xứ của nó khó đoán quá”. Anh cười bí hiểm và lời giải đáp vẫn còn trong vòng bí mật… Mãi đến bây giờ, tôi mới biết là trước đây anh đã từng yêu một người con gái có tên Đoàn Thị Biền, và cô gái này có trái tim cứng rắn như là… đá nên anh đổi chữ “Thị” thành chữ “Thạch” – nhà văn Đoàn Thạch Biền cũng “ra đời” từ đó. Anh Biền cũng có những tình yêu cứ còn “dư hương” mãi mãi trong suốt cuộc đời mình, đôi khi lại lặng thầm âm ỉ… Để hôm nay, trên kệ sách của những người yêu thích văn chương có thêm một bộ truyện mới của anh: Tôi thương mà em đâu có hay. Mới nghe qua thấy cô gái ấy thật vô tình, nhưng khi đọc đến truyện tiếp theo của anh: Tôi hay… mà em đâu có thương thì tôi lại thấy những người con gái ấy có lý vô cùng, tất cả đều chọn cách… ra đi để hiện diện trong tác phẩm của anh mãi mãi. Nhiều lúc “vô tâm”, tôi nghĩ: “Nếu những nhân vật ấy mãi ở lại trong đời anh thì làm gì có một nhà văn Đoàn Thạch Biền với những truyện hay như thế, làm gì có một Đoàn Thạch Biền sống trọn đời với nghiệp dĩ văn chương?”.
Nhạc sĩ NGUYỄN NHẤT HUY

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)