Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chuyện của cựu tử tù thoát án tử hình

Tạp Chí Giáo Dục

Xiêng Phênh ngày nay. Ảnh: CAND.
Trước khi ra pháp trường để thi hành bản án tử hình, Xiêng Phênh (quốc tịch Lào, 51 tuổi) bảo anh ta được cán bộ đưa đến một đĩa xôi gà. Tuy nhiên, lúc đó do sợ quá đã không nuốt nổi.
Đã vào trại cải tạo 15 năm, nhưng Xiêng Phênh, một tù nhân người Lào vẫn nhớ như in ngày giờ xảy ra biến cố cuộc đời mình. Đó là ngày bị bắt, ngày đưa ra pháp trường, ngày được ân xá tử hình…
Với tiếng Việt khá sõi, anh ta khoe đã có tên trong danh sách được đề nghị đặc xá dịp Quốc khánh Việt Nam năm nay. Giấc mơ được trở về nước Lào bắt đầu một cuộc sống mới dường như làm Xiêng Phênh thêm phần hào hứng trong những lời tâm sự.
Theo lời kể, sáng sớm một ngày tháng 1/1995 trời rét như cắt thịt, Xiêng Phênh cùng Xiêng Nhông (37 tuổi, em họ của vợ) đang đi trên chiếc Toyota biển số Lào trên đường Giảng Võ – Đê La Thành (Hà Nội) bất ngờ bị cảnh sát giao thông tuýt còi chặn lại. Lực lượng cảnh sát cho rằng chiếc xe đi vào đường cấm ôtô.
Hai người Lào cùng chiếc ôtô được đưa về một bãi xe của cảnh sát để kiểm tra. Tại đây, cơ quan công an phát hiện trên xe có 90 bánh heroin giấu khá kỹ ở các ngóc ngách của xe như tại bầu lọc gió, cánh cửa và sau đệm ghế. Cả hai bị bắt về hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ma túy ngay sau đó.
Sau 7 tháng điều tra, Xiêng Nhông được VKS ra quyết thả tự do vì không đủ căn cứ kết tội vì chỉ là người lái xe. Tuy nhiên, một tháng rưỡi sau, Xiêng Nhông bị công an Lai Châu bắt quả tang buôn ma túy Cửa khẩu PaThơm và bị tuyên án tử hình.
Dù có đơn xin Chủ tịch nước tha tội chết nhưng Chánh án TAND TP Hà Nội vẫn ra quyết định thi hành bản án tử hình đối với Xiêng Phênh. Hội đồng thi hành án tử hình quyết định bản án sẽ được thi hành vào sáng ngày 21/6/1996.
Trước giờ ra pháp trường, Xiêng Phênh được đưa vào một phòng có chữ "Thi hành án". Anh ta bảo, lúc đó vẫn không hiểu thi hành án là gì. Chỉ đến khi một người phiên dịch giải thích "chuẩn bị đưa anh đi bắn đấy!", Xiêng Phênh mới không giữ nổi được nụ cười, sống lưng lạnh toát.
Theo lời kể, lúc đó, các ban bệ thi hành án có mặt đầy đủ. Khi cán bộ mang một đĩa xôi gà đến nhưng anh ta không nuốt nổi vì sợ. "Tôi sợ đến nỗi có cảm giác khuỵu cả người xuống. Thời khắc đó tôi mới lắp bắp xin cán bộ cho khai thêm", Xiêng Phênh nói.
Xiêng Phênh vẫn nhớ như in hình ảnh trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội bây giờ (hồi đó còn là trung tá, trưởng phòng cảnh sát điều tra công an Hà Nội) là thành viên của Hội đồng thi hành án tử hình. Ông có mặt ở trại giam Hà Nội từ lúc mờ sáng.
Khi có lời xin khai, vị trung tá này đã đề nghị Hội đồng thi hành án cho hoãn thi hành bản án tử hình đối với Xiêng Phênh để tiếp tục mở rộng điều tra vụ án. Rồi từ lời khai của Phênh, một đường dây buôn bán may túy lớn từ Lào vào Việt Nam liên quan đến một số sỹ quan công an đã bị phanh phui. Đại úy Vũ Xuân Trường; Thiếu tá Vũ Hữu Chỉnh… và một số người khác lần lượt bị bắt giam trong đường dây buôn ma túy này.
15 năm ở trại, Xiêng Phênh từ lúc chỉ biết tiếng Việt lơ lớ, nay đã nói tiếng Việt khá sõi. Trong số phạm nhân người nước ngoài bị giam giữ, cải tạo tại trại giam Thanh Xuân, có lẽ Xiêng Phênh là người được báo giới và cán bộ quản giáo chú ý nhiều nhất.
Anh ta giờ không còn ù lì, ngại vận động, béo phì như hồi mới vào trại nữa. Chế độ lao động đã dần giúp Phênh lấy lại cân bằng. Được các cán bộ quản giáo phổ biến về các chính sách, luật pháp, học tiếng Việt… Phênh lại thành người hướng dẫn, truyền đạt lại những kiến thức đó cho những "đồng hương" của mình khi bước chân vào trại giam này.
Một công việc theo Phênh khá thú vị tại trại giam đó là khâu bóng. Hồi đầu, lóng ngóng, đôi bàn tay to sụ không thể cầm nổi chiếc kim bé tí. Nhưng kiên trì học, anh ta cũng nhanh chóng "lành nghề", tháng nào cũng khâu bóng vượt định mức, được thưởng thêm tiền. Do cần cù, Phênh còn được cán bộ trại giam giao làm thủ kho đội khâu bóng, công việc hằng ngày là phát dụng cụ, nguyên liệu cho các phạm nhân, cuối ngày kiểm tra, phân loại và nhập kho thành phẩm.
Ngoài khâu bóng, Phênh còn có thêm nghề làm hương khá thành thạo, hay được quản giáo trại giam Thanh Xuân khen là phạm nhân khéo tay, làm công việc gì đều vượt năng suất được giao. Năm nào anh ta cũng được giảm án.
Theo Thượng tá Phan Trọng Hà, Phó Giám thị Trại giam Thanh Xuân, Xiêng Phênh là phạm nhân rất hay cười. 15 năm cải tạo ở Trại giam Thanh Xuân, nhưng năm nào, vợ con và cháu ngoại của Phênh cũng sang thăm anh ta ít nhất một lần. Vợ con người đàn ông 51 tuổi này luôn mong Phênh sớm về để quản lý trang trại gà công nghiệp do gia đình gây dựng.
Tâm sự trước ngày ra trại, Phênh dự tính, khi về sẽ cùng vợ mở mang thêm trại gà, làm ăn chân chính. Ngoài ra: "Nếu có vốn, sẽ mở thêm xưởng khâu bóng, giúp những người nghèo khác ở quê tôi có thêm việc làm, chứ nếu còn nghèo khổ, không có việc làm thì dễ sa vào buôn bán ma túy lắm", Phênh nói.
Theo Công an Nhân dân

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)