Tôi gặp Cao Văn Đạt vào một ngày đầu năm học, khuôn mặt hớn hở nhưng cũng không che nổi nỗi lo âu ngày thường.
Cao Văn Đạt |
Đạt lớn lên từ một tỉnh miền núi, sống trong gian nhà tập thể chưa đầy 25 mét vuông mà hàng xóm tốt bụng góp tiền tu sửa. Sinh ra chưa một lần được nhìn thấy bố, mẹ Đạt nuôi con nhờ những đồng lương hưu 750.000đồng/tháng của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
Mẹ Đạt tìm đến những bãi rác công cộng, lượm từng cái chai, mảnh nhựa, những thứ có thể bán được, mỗi ngày cũng kiếm được từ 5 – 10 nghìn đồng, để có tiền cho Đạt theo học tại một trường chuyên của tỉnh Hòa Bình.
12 năm liền Đạt luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi, đạt giải nhì kì thi Đường lên đỉnh Olympia của trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ – TP Hòa Bình – Tỉnh Hòa Bình tổ chức. Kì thi vào đại học năm 2007, Đạt lọt vào top 50 thí sinh có điểm thi vào cao nhất của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với tổng điểm ba môn là 28.5.
Đạt vào đại học cũng là lúc mẹ bắt đầu có dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt, đôi lúc không còn minh mẫn nữa và hoàn toàn không còn khả năng lao động. Đạt phải tự lo cho mình, vừa đi học, vừa đi dạy thêm, lại làm cửu vạn tại một cửa hàng điện tử ở trên phố Hai Bà Trưng – Hà Nội.
Tiền kiếm được cộng với số tiền được trợ cấp hàng tháng của địa phương là một triệu đồng/ năm, cùng với sự giúp đỡ của hàng xóm, như cô Bích làm tại UBND phường Tân Thịnh – TP Hòa Bình – Tỉnh Hòa Bình cho Đạt từ 200.000 đến 300.000đồng mỗi lần Đạt về nhà. Tất cả cũng góp thêm phần nào đó để Đạt yên tâm học hành.
Đạt đang nuôi dưỡng ước mơ tại khoa Điện tử viễn thông của trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Và tôi hiểu rằng “Trong tận cùng khó khăn, con người ta vẫn khát khao vươn lên mong thay đổi cuộc sống”.
Phạm Thị Thảo
(K52 Văn học – ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN)
(K52 Văn học – ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN)
Theo TPO
Bình luận (0)