Sự kiện giáo dụcTin tức

Chuyện của người về từ Trường Sa

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều bạn trẻ sau khi nghe câu chuyện của một người về từ Trường Sa chợt nhận ra cuộc sống của mình còn đôi điều ích kỷ.

Anh Cao Văn Giáp (phải) nhận máy tính cho xã đảo Sinh Tồn
Trách nhiệm với Tổ quốc và ý nghĩ về sự cho đi mà không hề tính đến việc nhận lại dấy lên mạnh mẽ trong họ.
Trách nhiệm và tình người
Sáng 15-7, Đoàn khối Bộ Xây dựng đã tổng kết chương trình vận động đóng góp cho Trường Sa với số tiền hơn 75 triệu đồng. 20 triệu đồng đã được đơn vị này đóng góp cho chương trình “Vì Trường Sa thân yêu” do Thành đoàn TP.HCM vận động. Qua phó chủ tịch xã Sinh Tồn Cao Văn Giáp, Đoàn khối Bộ Xây dựng đã tặng nơi đây một máy tính xách tay, 21 triệu đồng cho bảy thanh niên tình nguyện ở đảo đang gặp khó khăn.

Cao Văn Giáp (quê xã Ninh Sim, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), phó chủ tịch xã đảo Sinh Tồn, là nhân vật chính được mọi người chờ đợi mở đầu câu chuyện. Hàng loạt câu hỏi thăm về đời sống quân dân trên đảo cất lên. Chàng trai có dáng người nhỏ thó, nước da ngăm đen bởi nắng gió Trường Sa trả lời rất dí dỏm, dứt khoát và mạnh mẽ.

Anh Cao Văn Giáp tình nguyện ra công tác ở đảo Sinh Tồn từ năm 2008, lúc đó anh mới 24 tuổi. Trước đó, Giáp đã có một năm rưỡi tình nguyện đến công tác tại các vùng sâu của tỉnh Khánh Hòa. Những ngày đầu sống ở đảo Giáp khóc vì nhớ đất liền, nhưng theo thời gian Sinh Tồn lại trở thành mảnh đất thân thương của Giáp. “Ở đây mọi người sống với nhau rất tình cảm, không có sự đố kỵ, ghen ghét. Quen cuộc sống như vậy nên khi về đất liền tôi thấy nhớ đảo vô cùng” – Giáp thổ lộ.
Nhờ sự quan tâm từ đất liền nên hiện nay trên đảo đã có điện mặt trời, điện gió, sóng điện thoại nhưng những khó khăn vẫn còn rất nhiều. Khó khăn nhất hiện nay của người dân là thiếu nước ngọt và rau. Mùa nắng hiếm nước, mỗi người chỉ được tiêu chuẩn 3 lít nước để tắm, và nước tắm được dùng lại cho việc trồng rau, chăn nuôi. Chúng tôi có ghi chú rằng hãy tiết kiệm nước vì nước là máu của mình. Rau thì được trồng trong các khay nhựa cho dễ chuyển vào khi thời tiết xấu. Trồng rau cơ động như vậy nhưng nhiều khi qua đêm, thức dậy thấy rau mình trồng cao gần gang tay bị chết do thời tiết thay đổi, ai cũng đau đứt ruột.
"Dù gian khổ nhưng người dân vẫn quyết sống trên đảo là để khẳng định chủ quyền và phát triển kinh tế biển” – anh Giáp nói.
Nhắn nhủ với Trường Sa
Hơn 50 người yên lặng nghe anh Giáp kể câu chuyện của anh, như trả lời cho nhiều câu hỏi của mọi người. Anh Nguyễn Xuân Ngọc – bí thư Đoàn khối Bộ Xây dựng – cho hay trong lúc nhiều thanh niên đua đòi ăn chơi như một mốt thời thượng thì câu chuyện của chàng trai sinh năm 1984 Cao Văn Giáp thật sự làm người ta phải suy nghĩ, nhìn nhận lại mình.
Bạn Đặng Thị Hy Hòa chia sẻ: “Dự buổi nói chuyện này tôi định không nói gì, nhưng thấy xúc động quá nên phải nói. Nhìn lại thấy mình sống trong điều kiện tốt quá, không thấy được những khó khăn như ở Trường Sa. Câu chuyện của anh Giáp làm tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn với Trường Sa”.
NGUYỄN NAM / TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)