Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Chuyện dài hát nhép

Tạp Chí Giáo Dục

Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) vừa có công văn gửi các sở VH-TT&DL địa phương yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc hành vi hát nhép. Thêm một lần nữa cơ quan chức năng tuyên chiến với vấn nạn này.

Tiết mục của nhóm Credo trong đêm diễn Màu tình yêu gây tranh cãi trong giới chuyên môn giữa cái gọi là hát nhép và cái gọi là kỹ thuật, thủ pháp biểu diễn. Vì vậy, từ việc phát hiện đến xử lý hát nhép vẫn còn là câu chuyện dài – Ảnh: Phạm Thành Nhân

Nghị định 56 (2006) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin đưa ra mức phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với hành vi “dùng băng, đĩa hoặc các phương tiện âm thanh khác đã thu sẵn để thể hiện thay cho giọng của người biểu diễn”. Mức xử phạt này, theo nhiều người, hoàn toàn không đủ sức răn đe bởi tương ứng với mỗi tiết mục, ca sĩ nhận thù lao từ vài trăm ngàn đến cả chục triệu đồng.

Ca sĩ Mỹ Tâm: Tôi không quá nặng nề vấn đề này vì trên thế giới cũng có không ít ca sĩ hát nhép mà vẫn cứ được ủng hộ, tất nhiên là sự ủng hộ đó còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Ở đây tôi chỉ muốn đặt câu hỏi là thật ra chúng ta đi hát vì cái gì?

Theo như những câu trả lời thường thấy trên báo thì ta hát là để phục vụ khán giả, để thỏa đam mê… Vậy tại sao chúng ta không hát mà lại nhép?

Cá nhân tôi cho rằng được hát đã là hạnh phúc và mỗi lần hát là một lần ta tự rèn luyện. Nếu không rèn luyện, không muốn mở miệng hát mà vẫn muốn là ca sĩ thì tôi (nhún vai)… chịu!

Ông Phạm Đình Thắng – trưởng phòng quản lý biểu diễn ca nhạc và băng đĩa sân khấu của Cục Nghệ thuật biểu diễn – nói: “Những hành vi hát nhép mà báo chí nêu đều đã xảy ra, biết tìm bằng chứng ở đâu để xử lý. Nhiều ca sĩ, đơn vị tổ chức còn đối phó với cơ quan quản lý bằng cách khi duyệt phúc khảo thì hát thật, đến khi biểu diễn thật thì lại nhép. Ngay cả khi kiểm tra, phát hiện hát nhép thì mình cũng không thể ngừng một chương trình biểu diễn nghệ thuật để xử lý mà chỉ có thể xử lý sau đó”.

Đến nay việc xử lý hát nhép mới chỉ là loại bỏ tiết mục bị phát hiện ra khỏi chương trình trong khi duyệt phúc khảo chứ chưa có ca sĩ nào bị phạt tiền vì hát nhép.

Một vấn đề cũng khiến nhiều người bức xúc là ở các chương trình ca nhạc truyền hình thường xuyên diễn ra chuyện hát nhép với lý do “để đảm bảo chất lượng âm thanh”. Nhiều ca sĩ cho biết họ được đề nghị thẳng thừng là hãy hát nhép. Thế mới có chuyện ca sĩ làm rơi micro, đưa tay nhận hoa, miệng không nhép nhưng tiếng hát vẫn cứ vang vọng.

Về điểm này, ông Thắng cho biết: “Đài truyền hình là cơ quan báo chí, hoạt động theo Luật báo chí nên chúng tôi không duyệt nội dung các chương trình ca nhạc trên sóng truyền hình. Nếu để xảy ra tình trạng hát nhép thì (tổng) giám đốc đài phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi chỉ duyệt nội dung khi đó là một chương trình do bên ngoài xin giấy phép thực hiện, phối hợp với đài để phát sóng”.

Về phía ca sĩ, trước đây ông bầu Hoàng Tuấn từng tuyên bố sẽ thưởng cả chục triệu đồng cho ai phát hiện Đan Trường hát nhép. Trước những live show, không ít ca sĩ cam kết sẽ hát thật với khán giả như một bảo chứng cho chất lượng buổi diễn của mình.

Lời khen của giới phê bình sau một chương trình cũng thường xem xét đến việc âm thanh trên sân khấu có thật hay không. Rõ ràng trước nạn hát nhép tràn lan, việc đương nhiên phải hát phục vụ khán giả bỗng chốc trở thành “đặc sản” đáng khen ngợi!

Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa – thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) ban hành năm 2004, nghiêm cấm hành vi “dùng các phương tiện kỹ thuật để thay thế giọng hát thật của mình” (được hiểu là hát nhép).

Qua trao đổi với các nhà quản lý, bầu sô, các nhạc sĩ, ca sĩ, hầu hết đều đồng thuận rằng cứ tiếng hát được thu sẵn trong đĩa thì dù cho trên sân khấu ca sĩ có hát hay không vẫn phải bị xem là hát nhép và phải bị xử lý.

Theo ông Lê Văn Lộc – chuyên viên Sở VH-TT&DL TP.HCM, trong một chương trình ca nhạc, ông đã rất ngạc nhiên khi thấy vị khán giả nam bên cạnh lúc thì vỗ tay rất hăng say, lúc thì thản nhiên như không sau khi bài hát kết thúc. Anh cho biết: “Hát thật mới vỗ tay. Nhép thì không vỗ!”. Và ông kết luận: “Thái độ của công chúng đối với hát nhép đã rất rõ ràng”.

PHẠM THÀNH NHÂN (Theo TTO)

Ông Nguyễn Văn Trực (trưởng phòng quản lý nghệ thuật, Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Hà Nội):

Trông chờ vào đạo đức của ca sĩ

Sau khi nhận được công văn của Cục Nghệ thuật biểu diễn, phòng quản lý nghệ thuật đã có công văn gửi các đơn vị nghệ thuật trực thuộc sở đề nghị tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra theo tinh thần nghị định 11 của Chính phủ. Trong nghị định 11 đã quy định rất rõ trong việc cấp phép biểu diễn với những quy định chặt chẽ, ví dụ như đơn vị xin cấp phép biểu diễn phải cam kết không có ca sĩ hát nhép và thực hiện nghiêm túc các điều khoản của nghị định.

Trên thực tế vẫn có những chương trình ở đâu đó, ca sĩ nào đó hát nhép. Thậm chí kể cả những buổi duyệt có hội đồng nghệ thuật nhưng người ta vẫn hát nhép. Ở những trường hợp này, nếu ca sĩ bị phát hiện thì bị phạt cảnh cáo tại chỗ. Còn nếu phát hiện hát nhép khi biểu diễn trước khán giả thì sẽ có thanh tra văn hóa xử phạt với những mức phạt bằng tiền và phòng quản lý nghệ thuật sẽ dựa vào những bằng chứng và kiến nghị của thanh tra văn hóa mà có những biện pháp áp dụng cụ thể với từng ca sĩ như cấm biểu diễn.

Dù biết là vẫn có các trường hợp hát nhép diễn ra, kể cả những chương trình lớn nhưng từ khi có nghị định 11 đến nay, Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Hà Nội chưa phát hiện, xử lý trường hợp nào vi phạm trong hát nhép. Phòng quản lý nghệ thuật cũng chưa cấm hành nghề với ca sĩ nào cũng như chưa từng nhận một kiến nghị nào từ thanh tra văn hóa về các trường hợp hát nhép của ca sĩ. Trên thực tế, chúng ta chỉ trông chờ vào đạo đức nghề nghiệp của các ca sĩ mà thôi.

HOÀNG ĐIỆP ghi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)