HS phải trung thực trong kiểm tra, thi cử (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Hiện nay, các trường phổ thông trên cả nước bước vào thời điểm thi học kỳ I năm học 2012-2013. Bên cạnh những học sinh (HS) chuyên cần, chăm lo ôn tập thì vẫn còn không ít em lười học trông chờ giám thị mất cảnh giác để… quay cóp.
Từ những kiểu “cổ điển”…
Sau kỳ thi học kỳ II năm rồi, tình cờ tôi nghe một nhóm HS bật mí “1.001 kiểu cổ đại” để qua mặt thầy cô mỗi khi kiểm tra hay thi: Giở tập, copy, làm “phao”… Theo các em, từ chỗ “bất đắc dĩ” sau quen dần, nếu không thực hiện thì bài thi sẽ bị điểm xấu. Từ những “tâm sự” này, tôi phát hiện thêm nhiều thủ thuật mà HS đã thực hiện để qua mặt thầy cô. Cách đây không lâu, trong đợt kiểm tra định kỳ môn sinh học ở trường C., giáo viên phát hiện một HS để “phao” trên dép, sau đó lấy chân xỏ vào. Khi muốn viết chỉ cần rút chân ra, cúi đầu xuống ra vẻ suy nghĩ. Đến khi bị phát hiện, gương mặt ấy chuyển sang… ngơ ngác. Phần đông các em HS sử dụng tài liệu thu nhỏ kẹp vào tờ giấy thi, lợi dụng lúc thầy cô không chú ý liền nhanh tay giở ra xem. Những cách quay cóp cổ điển này cũng có lúc bị “tổ trác”. Một lần, trong giờ kiểm tra, cả lớp đang im lặng làm bài, đột nhiên tôi nghe một tiếng “phạch” phát ra từ bàn cuối. Thì ra em K. dùng hai đầu gối ép chặt quyển tập lên hộc bàn, nhưng được một chút chân mỏi làm quyển tập rơi xuống đất.
Nhiều trường hợp, HS khi bị phát hiện liền “đánh trống lảng” bằng cách mượn thước bạn hay nhìn lên… mái nhà.
Đến những “mô đen hiện đại”
Những năm gần đây, vào mùa thi các điểm photocopy luôn sôi động với sự có mặt của những sĩ tử. Họ đến đây để thu nhỏ tài liệu nhằm đối phó với các đề thi. Các “phao” ấy được giấu từ túi áo, túi quần, đến mái tóc, giày dép, ruột viết… Tùy theo bộ môn mà “bộ nhớ” định sẵn: Ở đâu sẽ trả lời phần nào. Qua mỗi môn thi, các giám thị tịch thu hàng nắm “phao”. Nhìn vào đống tài liệu thu nhỏ, tôi thầm “thán phục” những cặp mắt tinh tường của HS, vì trong chớp mắt mà có thể đọc được những chữ viết chi chít như thế. Một anh bạn đồng nghiệp cho tôi biết một cách xem tài liệu rất độc đáo. Lợi dụng mặt bàn có “mắt” nhỏ, lâu ngày bị rớt ra để lộ một lỗ thông xuống hộc bàn, thế là nguyên cuốn tập được mở ra để bên dưới, các em nhìn “xuyên qua bàn” mà an tâm làm bài không sợ sai, khó ai phát hiện. Bây giờ, nếu ai để ý trên mặt bàn HS, ngoài những câu viết nhảm nhí còn có các công thức toán, vật lý, hóa học, thậm chí cả một bài học được “in sẵn” trên đó. Những HS ngồi bàn đầu còn “giở trò”: Lật ngay trang hình vẽ hay bản đồ trong sách, đem nộp lên bục giảng dựng đứng vào tường và cứ thế tha hồ mà vẽ…
Không nên dựa vào quay cóp
Trên đây chỉ là một ít thủ thuật trong “1.001 kiểu” quay cóp của HS. Khi xã hội càng phát triển thì càng có nhiều kiểu quay cóp tinh vi hơn. Những môn khoa học xã hội thường được HS quay cóp nhiều nhất. Liệu các thầy cô có biết không? Những thầy cô đứng lớp khi chúng tôi hỏi đều khẳng định: Học trò làm sao qua mặt được thầy cô đi trước. Có điều chỉ một số em bị bắt để cảnh cáo hoặc nhắc nhở. Bất cứ một hành động nào của học trò bên dưới cũng bị phát hiện. Vi phạm nặng sẽ xử lý.
Đối với giáo viên lâu năm, chỉ cần nhìn qua đôi mắt và gương mặt học trò là biết ngay em đó làm bài trung thực hay gian dối. Vì vậy, những giáo viên dễ tính, mới ra trường hoặc sinh viên thực tập được học trò “quý” hơn cả. Học trò cứ tưởng mình qua mặt được thầy cô. Tuy nhiên có một thực tế mà ai cũng thừa nhận là sĩ số HS đông, khó kiểm soát hết việc quay cóp của các em trong giờ kiểm tra khi mỗi bàn học có từ 3-4 em. Gần đây, do chạy theo thành tích, không ít giáo viên đã “làm lơ” khi coi thi hoặc kiểm tra, mặc cho HS làm gì thì làm. Từ đó, hiện tượng quay cóp có phần “nở rộ”.
Trong mỗi kỳ thi, hầu như trường nào cũng sinh hoạt quy chế thi, trong đó nói rõ mức độ kỷ luật khi HS quay cóp, sử dụng tài liệu. Vậy mà năm nào cũng có HS bị lập biên bản. Giờ kiểm tra trên lớp, HS luôn tìm cách để giở tập, sử dụng tài liệu.
Hiện nay, tình trạng quay cóp tồn tại như một căn bệnh do hậu quả của tính lười biếng, không chịu suy nghĩ trong học tập của HS, và nó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho các em không khắc sâu được kiến thức, nhất là các môn thuộc khoa học xã hội. Cái giá về lâu dài phải trả cho căn bệnh quay cóp ấy – những cái giá không ngờ trên đường đời – mới là điều cần suy nghĩ.
Lê Quang Huy
(Trường THCS Trừ Văn Thố, huyện Cai Lậy, Tiền Giang)
Bình luận (0)