Xe quá tải, quá khổ đang lưu thông trên đường Kha Vạn Cân
|
Xe vận chuyển hàng hóa quá tải, quá khổ gây tai nạn giao thông (TNGT), làm hư hại công trình cầu đường, thậm chí gây thương vong về người là hiện trạng nhức nhối bao lâu nay mà ngành giao thông luôn lưu tâm.
Gây thương vong về người
Anh Phan Văn Hùng đã vào tuổi 45, bồi hồi kể lại, vợ sắp cưới của anh trên đường từ thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) về Tân Hiệp thì bị xe tải hạng nặng chở hàng quá tải tông phải, cán ngang người khiến nạn nhân tử vong. “Cô ấy mới tốt nghiệp cao đẳng sư phạm văn, chỉ còn vài ngày nữa thì sẽ được bước lên bục giảng để nhận lớp học, cũng mùa hè năm ấy chúng tôi tính làm đám cưới. Vậy mà…”, nói đến đây anh Hùng bật khóc. Giọt nước mắt của người đàn ông không phải dễ rơi, khi sự việc đã trôi qua gần 10 năm trời, nhưng có lẽ anh đã quá đau đớn nên nỗi ám ảnh cho đến bây giờ vẫn còn trong anh.
Một vụ TNGT kinh hoàng khác làm 7 người tử vong ở huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng cũng do xe quá tải gây nên xảy ra vào chiều 16-2 tại đèo Bảo Lộc. Lúc đó, một xe tải chở đầy rau xanh xuất phát từ Đà Lạt đang trên đường đi TP.HCM tiêu thụ, khi lưu thông trên đèo Bảo Lộc do lấn trái để vượt mặt một xe ô tô nên đã tông trực diện vào 3 xe máy chạy theo chiều ngược lại đúng làn đường, khiến 8 người đi trên 3 xe máy bị cuốn vào gầm xe tải. Hậu quả, 7 người trong vụ tai nạn tử vong và 1 người bị thương nặng. Chiếc xe tải sau khi gây tai nạn đã mất lái lao xuống vực sâu.
Hiện, đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP.HCM, nhiều xe container, xe tải hạng nặng chở đất đá, vật liệu xây dựng… thường lưu thông ở tuyến đường này, qua ngã tư cầu vượt Linh Xuân để ra quốc lộ 1A nhằm rút ngắn thời gian vào nội ô thành phố, nhưng vì đường Kha Vạn Cân có bề mặt đường hẹp, nhiều khúc cua nguy hiểm nên nhiều vụ tai nạn gây chết người thương tâm đã xảy ra. Nhiều đến nỗi con đường này được mệnh danh là tuyến đường “tử thần”.
Để khắc phục tình trạng này, vào năm 2011 Sở GTVT TP.HCM đã ban hành lệnh cấm xe tải trọng trên 5 tấn lưu thông vào ban ngày (từ 6 giờ đến 24 giờ) và mở rộng thêm hai bên đường để tăng diện tích lưu thông. Tuy nhiên, sau 3 năm bình yên, từ sau Tết Giáp Ngọ 2014 đến nay, nhiều xe bồn chở bê tông, xe tải nặng (loại 15 tấn) chở đầy đất, đá lại rầm rộ lưu thông trên tuyến đường này cả ngày lẫn đêm, bất chấp biển cấm khiến người dân lại rơi vào trạng thái lo sợ, ám ảnh.
Làm hư hại nhiều công trình
Không chỉ gây thiệt hại về người, xe quá tải, quá khổ còn gây hư hại nhiều công trình giao thông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi còn nhiều chiếc cầu cũ và trọng tải thấp. Điển hình như vụ sập cầu Cựu Hội (ấp Mỹ Phú, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) vào cuối tháng 3-2014. Đối tượng gây tai nạn là tài xế Nguyễn Hữu Lợi, điều khiển xe tải chở gỗ khi lưu thông trên tỉnh lộ 942, hướng từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) khi qua cầu Cựu Hội đã làm cho cây cầu huyết mạch nối tỉnh An Giang với các tỉnh, thành miền Tây và TP.HCM bị gãy làm đôi. Nhiều cảnh sát giao thông khi đến hiện trường rất bức xúc vì cầu có bảng quy định giới hạn trọng tải 18 tấn nhưng tài xế điều khiển xe tải trọng đến 60 tấn.
Một vụ sập cầu khác do xe quá tải trọng gấp 5 lần cho phép đã xảy ra tại xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh giữa tháng 3 vừa qua. Tài xế Lê Minh Dũng đã điều khiển xe tải chở 50 tấn xi măng lưu thông qua cầu Bàu Sơn có trọng tải 10 tấn khiến cầu bị sập và hư hại nặng. Lực lượng chức năng ở địa phương đã phải hỗ trợ 50% chi phí cho các hộ dân lân cận có phương tiện đường thủy để phục vụ nhu cầu đi lại cần kíp.
Trong các vụ sập cầu do xe lưu thông quá trọng tải, thì cầu Bình Cách, nằm trên đường tỉnh lộ 879, thuộc xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang là đáng nói hơn cả. Vì chiếc cầu này bị sập đến 3 lần.
Để góp phần chấn chỉnh tình trạng xe tải vận chuyển hàng hóa quá tải quá khổ, lực lượng chức năng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long quy định, các trường hợp tái phạm nhiều lần, có tình tiết tăng nặng sẽ phạt theo mức cao nhất và buộc tài xế phải hạ tải ngay phần quá tải, dỡ phần quá khổ. Trong trường hợp gây hư hại cầu, đường phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do lỗi vi phạm gây ra.
Theo đúc kết của Sở GTVT, ở các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết các vụ sập cầu đều xảy ra vào buổi chiều tối hoặc đêm khuya, với chỉ một nguyên nhân duy nhất là do xe chở hàng quá tải, quá khổ.
Bài, ảnh: Bích Vân
Đồng loạt ra quân kiểm tra tải trọng xe
Nhiều năm qua, đã có không ít đợt ra quân, kiểm tra, giám sát tải trọng xe nhưng tình trạng xe quá tải, quá khổ vẫn tiếp diễn. Đặc biệt, mỗi khi các lực lượng ra quân kiểm tra thì lại có các đoàn xe dừng, né trạm cân. Trước thực trạng này, từ ngày 1-4, 64 tỉnh thành trong cả nước đồng loạt ra quân kiểm soát tải trọng đường bộ nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện. Bộ GTVT cũng đã cử 8 đoàn công tác đến giám sát tại một số địa phương. Ông Đặng Văn Chung, Phó vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau hơn nửa tháng ra quân, lực lượng chức năng đã phát hiện phần lớn xe bị kiểm tra đều quá tải trên 50%.
M.H
|
Bình luận (0)