Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu TPHCM: chưa xong

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo đánh giá của Sở Công Thương TPHCM, kết quả chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của thành phố vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2008-2010, tầm nhìn đến 2020.
Chưa đạt được mục tiêu…
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân trong năm 2008-2009 của TPHCM chỉ đạt 14,7%/năm thấp hơn 2,7 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra là 17,4%. Cụ thể, cả năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của thành phố không tính dầu thô chỉ đạt 13,76 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,7% so với năm 2008.
Tốc độ tăng trưởng và cơ cấu chuyển dịch theo nhóm hàng chưa phù hợp với các chỉ tiêu định hướng. Ở nhóm hàng công nghiệp, mục tiêu tăng trưởng là 21,75% và chiếm tỷ trọng 67,6% trong cơ cấu xuất khẩu của TPHCM. Thực tế, bình quân giai đoạn 2008-2009, nhóm hàng công nghiệp chỉ tăng 13,6% và tỷ trọng chỉ đạt 57,8%.
Lắp ráp máy tính tại Công ty FPT. Ảnh: Lê Toàn.

Có những ngành hàng, dù không đặt trọng tâm phát triển, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Đơn cử, ở nhóm hàng nông lâm thủy sản, mục tiêu đề ra là đạt mức tăng trưởng trung bình 7,3% và chiếm tỷ trọng 15,3% trong cơ cấu xuất khẩu nhưng thực tế lại vượt chỉ tiêu định hướng với các con số tương ứng là 16% và 22,1%.

Điều đáng lo ngại là ở nhóm hàng sản phẩm công nghệ cao (máy tính, sản phẩm điện tử linh kiện và các sản phẩm cơ khí chính xác…), được xác định là mặt hàng chủ lực trong đề án chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của TPHCM, lại có mức tăng trưởng và tỷ trọng khá khiêm tốn trong cơ cấu xuất khẩu của thành phố. Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm này chỉ đạt 391 triệu đô la Mỹ, tăng 4,1% so với năm 2008 và chỉ chiếm tỷ trọng 2,8%.
Những con số nêu trên cho thấy những mặt hàng thâm dụng lao động, đất đai, giá trị gia tăng thấp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng của TPHCM.
Vì sao?
Chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu là nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, nâng giá trị gia tăng các mặt hàng xuất khẩu. Nhưng các đơn vị được giao thực hiện chương trình phần lớn là các cơ quan hành chính nên không đủ năng lực để thực hiện. Ngoài ra, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế trong giai đoạn 2008 – 2009 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp, trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất như chương trình dự kiến.
Theo Sở Công Thương TPHCM, nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi đã không thực hiện được vì nhiều lý do. Một số chương trình như thành lập Sở Giao dịch hàng hóa, xây dựng trung tâm giao dịch và triển lãm nông sản, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết kế tạo mẫu thời trang… đã không thực hiện được như mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, nhiều chương trình hỗ trợ khác được giao cho các hiệp hội, tổng công ty, được cho là không khả khi, thiếu thực tế và không thể thực hiện. Cụ thể, kế hoạch xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu dệt may, da giày đã được giao cho Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) thực hiện. Nhưng Satra đã kiến nghị không thể thực hiện, vì ngành dệt may, da giày không phải là… chuyên ngành của Satra.
Tương tự, theo Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, hiệp hội này không thể thực hiện việc nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng đối với ngành lương thực, thực phẩm. Lý do mà hiệp hội nêu ra là những doanh nghiệp lương thực thực phẩm chủ yếu thuộc khối ngành công nghiệp trung ương, hội viên của hiệp hội lại là những doanh nghiệp trong ngành gia vị.
Hàng dệt may, giày dép vẫn chiếm tỷ trọng lớn
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may chỉ đạt 2,75 tỉ đô la Mỹ trong năm 2009, giảm 23,7% so với năm 2008. Bình quân hai năm 2008-2009, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đa giảm 7,8%/năm. Tuy nhiên, hiện mặt hàng dệt may vẫn chiếm tỷ trọng cao, hơn 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM.
Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu giày dép giảm đến 32,3% so với năm 2008, và chiếm 7,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu gạo vẫn chiếm 10,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố năm 2009, đạt tới 1,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 1,5% so với năm trước đó.
Nguồn: Sở Công ThươngTPHCM
Nhiều doanh nghiệp được giao thực hiện chương trình cũng cho rằng chương trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu của TPHCM vẫn chưa cụ thể và rõ ràng, doanh nghiệp không nhận được những hỗ trợ cần thiết khi tham gia chương trình.
Chương trình nâng cao tỷ trọng giá trị gia tăng đối với nhóm hàng thủy sản xuất khẩu được giao cho Satra thực hiện trong giai đoạn 2008-2009. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Minh, nguyên Tổng giám đốc Satra, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, “khó khăn lớn nhất trong việc này là doanh nghiệp không thể đầu tư chiều sâu cho sản phẩm”.
Doanh nghiệp đầu tư dây chuyền máy móc để nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm nhưng nguồn nguyên liệu thiếu hụt liên tục, khoản đầu tư này trở nên không thực tế. Với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu có nguồn gốc từ nông nghiệp, doanh nghiệp thành phố phải mua nguyên liệu từ các tỉnh thành khác, chứ ít có doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.
“Doanh nghiệp không thể làm ra những sản phẩm giá trị gia tăng, nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu”, ông Minh nói.

Để việc chuyển đổi cơ cấu đi vào thực tế, nhiều doanh nghiệp cho rằng, các cơ quan nhà nước, hiệp hội ngành nghề chỉ nên tham gia với vai trò là đề xuất chính sách, khung pháp lý, gỡ bỏ các thủ tục hành chính, để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Quan trọng hơn, chính quyền thành phố nên tập trung vào hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu.

Theo TBKTSG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)