Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Chuyến đò chở chữ sang sông

Tạp Chí Giáo Dục

Suốt 8 năm qua, bất kể mưa hay nắng, Pả Bưn đều tình nguyện chèo thuyền chở các cô giáo sang sông đến với học sinh bản Khe Ngài

Trên dòng sông Đakrông đoạn qua bản Khe Ngài hơn 8 năm nay, bất kể mưa hay nắng, ngày ngày chiếc thuyền nhỏ của ông Pả Bưn vẫn chuyên cần chở các cô giáo Trường Tiểu học số 1 Đakrông, xã Đakrông, huyện Đakrông (Quảng Trị) sang sông mang chữ đến với trẻ em nơi đây.
Công việc tuy không đem lại cho ông tiền bạc nhưng lại có rất nhiều ý nghĩa với dân bản Khe Ngài và hơn hết là với các cô giáo hàng ngày vẫn sang sông trên chuyến đò tình nghĩa ấy.
Con chữ đổi đời
Sinh ra ở vùng miền núi Đakrông, tuổi thơ của ông Pả Bưn (60 tuổi) gắn liền với nương rẫy và những tháng ngày rong ruổi giữa núi rừng. “Thời chiến tranh, con chữ đối với những đứa trẻ người Vân Kiều như bố là một thứ vô cùng xa lạ. Lớn lên 17 tuổi, bố làm liên lạc cho các chú bộ đội đóng quân trên rừng núi Đakrông. Những lúc ở gần các chú bộ đội, thấy các chú viết thư cho gia đình hay đọc một tờ giấy gì đó, bố tò mò cái bụng, muốn mình cũng biết đọc để xem họ viết cái gì. Thế rồi bố cũng lén tập viết. Sau những giờ làm liên lạc, bố luôn đánh vật đến say mê với những con chữ mà một chú bộ đội đã dạy. Chữ đầu tiên là bố học cách viết là tên mình. Một tuần sau bố viết được tên mình thật, sung sướng lắm! Hễ rảnh lúc nào hay đứng bất cứ đâu cũng hí hoáy viết: Trên giấy, trên đất, ngay cả khi lội qua suối bố cũng nhúng tay xuống nước rồi viết lên đá”, ông Pả Bưn vẫn nhớ như in cảm xúc lần đầu tiên viết được tên mình, dù thời gian trôi qua hơn 40 năm. 
Hơn ai hết, ông Pả Bưn hiểu cuộc sống thiếu tri thức khiến cái nghèo đói cứ bám riết lấy dân làng. Nghèo đói bao giờ cũng đi đôi với lam lũ, bệnh tật… như một vòng luẩn quẩn bám chặt lấy những người dân nơi đây từ thế hệ này đến thế hệ khác. Trong những năm tháng sống cơ cực vì thiếu tri thức ấy, hình ảnh các chú bộ đội năm xưa không chỉ giỏi đánh giặc mà còn biết rất nhiều kiến thức về trồng cây, về cách chữa bệnh bằng thuốc tây luôn trở đi trở lại trong tâm trí ông.
“Phải tìm cách cho con em học cái chữ để thay đổi bản làng”, ông Pả Bưn trăn trở. Chính vì thế khi lớp học được mở ra ở bản Khe Ngài, cũng như bao nhiêu người dân nơi đây, ông đã rất vui mừng. Là địa bàn vùng xa và khó khăn nhất của xã Đakrông nên đường đến với lớp học của các cô giáo dạy ở bản Khe Ngài thật vất vả. Trường Tiểu học số 1 Đakrông trên địa bàn bản Khe Ngài có 5 lớp học với khoảng 80 học sinh, các cô giáo đều từ miền xuôi lên đây giảng dạy. Vì trong bản không có chỗ ở cho giáo viên nên các cô đều sống trong khu tập thể của trường tại trung tâm xã Đakrông – mỗi ngày đến lớp đều phải vượt qua con sông Đakrông hung dữ. Để tránh bớt hiểm nguy, dù đoạn đường không quá xa nhưng mỗi ngày các cô phải đi vòng qua một khúc sông ở phía trên bản Khe Ngài, sau đó vượt tiếp hơn 7km đường rừng mới đến được lớp học.
Cô Nguyễn Thị Thùy Trang, giáo viên Trường Tiểu học số 1 Đakrông, nhớ lại: “Lúc chưa có chuyến đò đi trực tiếp đến bản Khe Ngài, chúng tôi rất vất vả. Đường sá xa xôi, mỗi sáng để đảm bảo giờ lên lớp chúng tôi phải dậy từ lúc 4 giờ mới kịp. Những cô giáo dạy buổi chiều lại càng vất vả hơn, trời chiều mau chuyển sang tối mà vẫn còn mò mẫm đi trong rừng, nhiều lúc mưa gió phải đốt đuốc mà về. Có những cô giáo trẻ lúc mới lên dạy, chưa quen đi rừng nên mỗi tối về đến khu tập thể là nước mắt cứ rưng rưng”.
Tình nguyện chở chữ sang sông
Nhà ông Pả Bưn ở ngay sát bờ sông, hàng ngày thấy các cô giáo Trường Tiểu học số 1 Đakrông phải vất vả đi ngược một đoạn đường khá xa nên ông nảy ra ý định tự mình chèo thuyền để nối đôi bờ sông khúc qua bản Khe Ngài giúp các cô đến lớp được dễ dàng hơn. Ông Pả Bưn chia sẻ: “Các cô giáo từ miền xuôi lặn lội đem cái chữ đến với bản Khe Ngài mà hôm nào cũng phải đi rất xa, bố thấy cái bụng không đành nên mới lấy chiếc thuyền nhà có sẵn để giúp các cô đến lớp gần hơn. Rứa mà cũng được 8 năm rồi đấy”.
Thông thường người ta làm nghề đưa đò là để kiếm sống, và trên dọc con sông Đakrông không thiếu những người kiếm sống bằng nghề này. Nhưng với Pả Bưn lại khác, những chuyến đò của ông không lấy tiền dù gia đình thuộc hộ nghèo của bản, tám đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Ban đầu Pả Bưn chèo thuyền đưa các cô giáo đến lớp, dần dần bà con hai bên bờ sông cũng không tự chèo thuyền nữa mà khi cần qua sông lại ới gọi ông. Nhiều lần đêm đã khuya có người bên kia sông gọi đò đưa người sang sông đi bệnh viện, ông Pả Bưn lại lục tục trở dậy thắp đèn chèo thuyền đi. Bà con cảm kích tấm lòng của Pả Bưn nên thỉnh thoảng lại cho ông ít khoai lang, mấy trái bắp hay vài củ sắn làm quà. Cô Nguyễn Thị Vân – Giáo viên Trường Tiểu học số 1 Đakrông – tâm sự: “Pả Bưn không chỉ giúp chúng tôi sang sông hàng ngày bằng quãng đường ngắn nhất mà hơn hết chúng tôi nhận thấy sự quan tâm của ông dành cho chúng tôi. Những hôm mưa to gió lớn, nước sông lên cao ông không cho chúng tôi qua sông. Ông nói nếu chúng tôi sợ nhà trường phê bình vì bỏ lớp thì ông sẽ lên nói giúp với thầy hiệu trưởng. Ông đã từng đi bộ hơn 10km từ nhà đến trường để trình bày với Ban giám hiệu chuyện các cô giáo bản Khe Ngài không đến lớp là vì nước sông lên cao ông không dám chèo thuyền”.
Cảm động trước tấm chân tình của Pả Bưn, các cô giáo nhiều lần ngỏ ý muốn gửi ông tiền đò nhưng lần nào ông cũng gạt đi: “Các cô giáo từ miền xuôi không chê dân bản nghèo đem cái chữ đến với dân bản Khe Ngài, có cái chữ rồi dân bản sẽ biết tính toán, biết cách làm ăn, biết đến khoa học kỹ thuật để thay đổi cuộc sống nghèo khổ và tăm tối trước đây. Các cô giáo cho dân bản nhiều thế làm sao bố lại tiếc chút công chèo đò chở các cô qua sông chứ”.
Vượt dòng Đakrông trên chuyến đò của Pả Bưn, giữa mênh mông sóng nước, nhìn dáng vẻ nhẫn nại chống cây sào đưa thầy cô giáo sang sông mới thấm thía hết niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn trong cuộc sống của những người dân Vân Kiều nơi đây. 8 năm nay trên chuyến đò tình nghĩa ấy, cái chữ ngày ngày theo các cô giáo miền xuôi đến với bản Khe Ngài.
Bài, ảnh: Phan lệ
Cô giáo Văn Thị Phương Lan – giáo viên Trường Tiểu học số 1 Đakrông – có một kỷ niệm khác về Pả Bưn mà mỗi khi kể lại cô không giấu được những giọt nước mắt. Cô Phương Lan kể: “Có một buổi chiều tôi đang dạy trên lớp, thấy trời trở mưa to đang suy nghĩ không biết nước sông liệu có lên cao hay không thì thấy Pả Bưn chạy vội từ ngoài vào. Ông bảo tôi nhanh gọi các cô giáo trong bản cho lớp nghỉ sớm rồi về vì nước sông đang lên cao có lẽ sẽ có lũ lớn, nếu đợi đến hết giờ học sẽ không sang được sông. Lời nói của ông cứ theo tôi mãi để mỗi ngày tôi và các đồng nghiệp vượt qua những khó khăn trong cuộc sống cũng như công việc, mang đến cho các em những giờ học tốt”. 
 

Bình luận (0)