Hiện nay, xu hướng giáo dục chung của các quốc gia trên thế giới là chuyển đổi từ chương trình theo định hướng nội dung thành chương trình theo định hướng năng lực.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi chương trình theo định hướng năng lực không chỉ đảm bảo kết quả đào tạo bền vững, chất lượng mà còn tiết kiệm nhiều thời gian, tiết kiệm được nguồn lực trong đào tạo. Đồng thời, bên cạnh đó còn giảm áp lực làm việc, áp lực học hành nặng nề đối với người dạy và người học. Chúng ta đang đổi mới chương trình, đổi mới việc biên soạn sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 theo định hướng phát triển năng lực người học cũng không ngoài mục đích thực hiện tốt Nghị quyết 29 của Hội nghị TW 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Để chương trình mới thực sự là một chương trình giáo dục theo định hướng năng lực, chúng ta cần làm rõ khái niệm mấu chốt, đó là khái niệm năng lực. Từ đó hình dung khung năng lực chung, khung năng lực mà mỗi môn học cần hình thành, phát triển những tiềm năng ấy giúp người biên soạn chương trình, tác giả sách giáo khoa và giáo viên đứng lớp hiểu rõ để tiến hành công cuộc đổi mới thành công.
|
Theo cấu trúc dưới đây (ảnh), để hình thành và phát triển năng lực học sinh thì việc dạy học trong nhà trường không chỉ dừng ở nhiệm vụ trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng và bồi dưỡng thái độ sống đúng đắn mà còn phải làm cho những kiến thức sách vở trở thành sự hiểu biết thực sự của mỗi học sinh. Làm sao cho những kỹ năng đã rèn luyện trên lớp được thực hành ứng dụng trong đời sống ngay trên ghế nhà trường. Phải làm cho thái độ sống được giáo dục qua mỗi bài học có điều kiện, môi trường để bộc lộ, hình thành và phát triển qua các hành vi ứng xử trở thành phẩm chất bền vững của mỗi học sinh. Việc đánh giá của người thầy vì vậy sẽ chuyển từ kiểm tra kiến thức thao tác kỹ thuật và nhận thức tư tưởng đơn thuần sang đánh giá sự hiểu biết khả năng thực hành – ứng dụng và hành vi ứng xử trong đời sống. Ví dụ, để đánh giá năng lực học sinh qua việc học tác phẩm văn chương, giáo viên sẽ không tập trung vào kiểm tra kiến thức về tác giả, tác phẩm hay những vấn đề về lịch sử và lý luận văn học như hiện nay mà biết đưa ra các công cụ để đánh giá mức độ đọc hiểu, cảm thụ thẩm mỹ và cảm xúc của học sinh trước các hình tượng, cảnh ngộ, chi tiết điển hình được phản ánh trong tác phẩm, kể cả những tác phẩm chưa được học trong chương trình. Hoặc để đánh giá năng lực giải quyết vấn đề của học sinh qua môn sinh học hay địa lý có thể ra một bài tập về vấn đề bảo vệ môi trường. Nội dung yêu cầu phát hiện vấn đề, thu thập tư liệu, đề xuất giải pháp để giải quyết các trường hợp tương tự. Hình thức bài tập là một nhiệm vụ hay dự án nhỏ giao cho cá nhân hoặc nhóm thực hiện trong khoảng thời gian một tuần. Như vậy mới phát huy được năng lực người học và làm cho người dạy chuyển đổi chương trình từ định hướng nội dung sang định hướng năng lực.
PGS.TS Hoàng Hòa Bình (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)
Năng lực phải gắn với hoạt động Phần lớn những định nghĩa về năng lực của các tài liệu nước ngoài thường quy năng lực vào phạm trù khả năng. Tuy nhiên, theo tôi, việc giải thích năng lực bằng khái niệm khả năng là không thật chính xác. Vì sao lại như vậy? Vì người có năng lực trong một lĩnh vực nào đấy chắc chắn sẽ thực hiện được thành công loại hoạt động tương ứng trong khi khả năng là cái tồn tại ở dạng tiềm năng có thể biến thành hiện thực nhưng cũng có thể không biến thành hiện thực. Giải thích năng lực là đặc điểm phẩm chất hoặc thuộc tính của con người tỏ ra đúng hơn vì coi nó là một hoạt động mặc dù trong khi đó năng lực là cái có thể phát triển trên cơ sở năng khiếu (đặc điểm sinh lý con người, trước hết là hệ thần kinh trung ương) song không phải là bẩm sinh mà là kết quả phát triển của xã hội và của con người. Như vậy, đặc trưng của năng lực là phải gắn với hoạt động, có tính hiệu quả, sự phối hợp nhiều nguồn lực. |
Bình luận (0)