Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Chuyện đời danh hài: Phạm Bằng – tinh hoa “nấp” ở trong

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Nghệ sĩ Phạm Bằng -Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ở phố Hàng Giầy, Hà Nội, có hai quán ăn ngon (nói thế là bởi tôi biết có mỗi vậy): một là quán phở bò không tên thường bán đêm trên vỉa hè chật chội; hai là quán “lục tào xá, chí mà phù” của nghệ sĩ Phạm Bằng.

Đang đi bon bon ngó ngang ngó dọc phố Hàng Giầy, bất ngờ tôi nhìn thấy nghệ sĩ Phạm Bằng đứng giữa vỉa hè hướng dẫn chỗ để xe cho khách và thu tiền. Vẫn dáng người thấp, nhỏ, lại càng thuôn mảnh trong áo sơ mi cắm thùng quần âu ôm vừa vặn cơ thể. “Số cháu may thực là may”, tôi nói luôn với ông khi vừa trờ xe tấp lại bởi biết thời gian này, ông khá bận cho việc tập và diễn các tiểu phẩm hài.

Gần 80 tuổi rồi mà trông nghệ sĩ Phạm Bằng vẫn còn gọn gàng dáng vóc, khỏe mạnh sức lực lắm. “Ấy là nhờ sáng sáng vừa đi mua nguyên liệu làm bánh, vừa tranh thủ đi bộ luôn. Ngoài ra, ngày nào tôi cũng dành một tiếng đồng hồ để tập thể dục. Việc này rất có lợi và hiệu quả: tinh thần luôn sảng khoái và duy trì được trí nhớ”. Ngồi bên cái bàn con con ở góc quán, trên cái ghế nhựa đỏ đã xước sờn, nghệ sĩ Phạm Bằng giải thích với tôi.

“Khán giả hầu như chê rất đúng”

“Trò chuyện tranh thủ nhé, vì tôi còn phải tập vở Em ơi chết tôi rồi cùng Quang Thắng. Ấy, vở này diễn sáu năm mà vẫn đắt khách lắm! (ông cười nhẹ). Bây giờ, tôi đang chờ một anh đến đón là đi. Khoảng bao nhiêu thời gian thì cô viết đủ bài?”, ông nói một hơi.

“Tôi thấy mình hơn bạn diễn đồng lứa nhiều lắm. Giờ tôi còn có cái quán này, rủi ngày sau yếu rồi chẳng đi diễn được, tiếng tăm cũng không còn nổi, tôi còn có chỗ để nương tựa, an ủi…”.

Nghệ sĩ Phạm Bằng

Tôi trả lời là tùy thuộc lượng thông tin thu được qua buổi nói chuyện. “Thế thì một tiếng nhé!” ông nhẩm tính rồi nói nhanh. Tôi chỉ còn biết gật đầu. Cuối cùng, cũng nhờ chờ mãi chưa thấy anh thanh niên nào đó chạy xe qua đón, ông dành cho tôi cả buổi chiều với những câu chuyện thú vị.

Cuộc sống của ông cho đến giờ vẫn liên tiếp những chuỗi ngày bận rộn. Mỗi tuần, ông dành ra bốn ngày để tập. Sáng, ông ngồi tranh thủ đọc các kịch bản hài của người quen gửi đến. Kịch bản nào hay, ông giữ lại cho mình, sửa hoặc thêm các chi tiết. Kịch bản nào chưa hay, chưa hợp lắm, ông trả lại hoặc khuyên tác giả gửi lên cho “nhà đài”. Cũng nhiều khi, ông ngồi cặm cụi tự viết kịch bản cho vở diễn của mình. Nhờ thế, ông không thiếu kịch bản để diễn. Tháng ba tới, ông sẽ đi diễn ở Cần Thơ nửa tháng. Đến tháng tư, vào vụ hè, ông lại cùng Quang Thắng, Quốc Khánh chuẩn bị 3 – 4 vở để lưu diễn tại miền Nam, miền Trung.

“Tôi đi diễn nhiều hơn là đóng phim”, ông tâm sự. “Đi diễn vừa nhàn, vừa khỏe, vừa vui, được gặp nhiều khán giả, lại… kiếm được lắm tiền hơn. Một vở diễn dài 15 – 20 phút, người ta trả cho 5 – 6 triệu đồng. Mà thực ra không phải ai cũng đi diễn được, chỉ có các nghệ sĩ nổi tiếng mới được mời thôi. Nếu có đóng phim, chỉ đóng tiểu phẩm thôi, không thích đóng phim truyền hình”. Hỏi vì sao ông lại không thích, nghệ sĩ Phạm Bằng giải thích bằng giọng buồn buồn: giờ làm phim dễ quá, thoải mái không cầu kỳ. Mà đóng phim truyền hình mất nhiều thời gian, đi lại vất vả, trong khi ông còn bao nhiêu thứ phải làm, nhất là đối với quán bánh trôi tàu này.

Thực ra, công việc làm bánh, bán hàng, quản lý nhân viên… ông đã giao hết cho con cháu rồi. Thi thoảng thích thì ông xuống quán làm cho vui. Theo thói quen, tối nào không bận tập, diễn, là ông có mặt ở quán để gặp khách hàng (đồng thời cũng là khán giả mến mộ). Quán bánh trôi tàu giản dị của ông quả là nơi hữu ích cho việc giao lưu. Ai ngại không muốn vào nhà riêng, hay sợ ông bận bịu việc này kia mà không tiếp chuyện được, cứ đến thẳng quán bánh trôi. Nếu không gặp được ông thì cũng thưởng thức được hương vị bánh trôi Ông Bằng nổi tiếng Hà thành.

Lần đầu không gặp thì lần hai kiểu gì cũng gặp. Ngồi với nhau tán gẫu trong góc quán nhỏ, người ta thường hay nói thẳng, nói thật, ít quanh co rào trước đón sau. Tại quán, ông được nghe những lời nhận xét chân thành vai mà ông vừa diễn. “Họ nói chính xác, sâu sắc làm tôi cũng giật mình để rồi phải rút ngay kinh nghiệm”, nghệ sĩ Phạm Bằng giãi bày. “Tôi thích nghe những lời phê bình. Ai khen thì tôi bỏ qua. Khán giả hầu như chê rất đúng”.

Không thích mang hài ra ngoài đời

Tôi thắc mắc chuyện khi diễn trên sân khấu và trong các tiểu phẩm ngắn trên truyền hình, thường thấy ông chọc cho khán giả cười, mà sao ngoài đời ông ít khi cười thế? Khuôn mặt đầy nét nghiêm nghị và đăm chiêu của nghệ sĩ Phạm Bằng dãn ra một nụ cười xòa: “Có hai lý do chính, thứ nhất là do mẹ tôi nghiêm khắc quá. Sự nghiêm khắc của bà ảnh hưởng đến tính cách của tôi từ khi còn nhỏ. Việc không được đùa cợt, nói năng luyên thuyên lâu ngày thành “tật”. Khi tôi đi học, các thầy ngày xưa nghiêm lắm, buộc trò cũng phải nghiêm. Thứ hai, thường thì những người đóng hài lâu năm như chúng tôi tinh hoa nấp ở trong, không thích mang hài ra ngoài đời”.

Rồi Phạm Bằng kể về chuyện cách đây mấy chục năm, sau khi xem ông diễn vai hài trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt, một số nhà báo và khán giả gặp ông nói: “Nhìn anh ngoài đời, chẳng nghĩ anh có thể đóng được vai này. Anh trẻ và nghiêm túc quá!”.

Trong lúc trò chuyện, ông vẫn đứng dậy thu tiền và chỉ bảo chỗ để xe cho khách. Ông rất tập trung vào câu chuyện, kể rõ ràng đâu vào đấy, nhưng mắt ông luôn chăm chú nhìn ra ngoài đường và tâm trí thì chìm vào nỗi buồn đau đáu nào đó…

Trang Nguyễn (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)