Vợ chồng nghệ sĩ Văn Hường – Ảnh: H.Đ.N |
Trong số các danh hài được liệt vào hàng quái kiệt thì Văn Hường hầu như ngồi riêng một chiếu, bởi ông chỉ chuyên vọng cổ hài, không đụng hàng với ai…
Tôi đã phải vòng xe mấy tua trên đoạn đường trước đây có Quán nghệ sĩ Văn Hường ở Linh Xuân (Thủ Đức, TP.HCM), nơi tôi từng nhiều lần đến thăm ông. Quán đã hạ bảng, cửa đóng im lìm. Người hàng xóm mách: “Ổng về mở quán ở đường Hàng Tre – Long Thạnh Mỹ rồi”. Lại chạy ngược xuôi hết gần buổi sáng tôi mới tìm ra cái Quán nghệ sĩ Văn Hường mới cáu nằm sâu hút trong con đường đất đỏ lồi lõm phía sau Khu công nghệ cao Q.9.
Ông đón tôi với nụ cười hồn hậu: “Sau hơn mười năm ở Linh Xuân, vợ chồng chú mới dọn về đây trước Tết. Cái nhà 240m2 này là do con cái và anh em, bạn bè ở Long Thạnh Mỹ giúp xây trên đất hương hỏa. Già rồi, giờ về quê cắm câu thôi…”.
Văn Hường sinh năm 1934 ở chính vùng quê này, nhưng thời niên thiếu đã phải lên Sài Gòn lặn lội kiếm sống với đủ thứ nghề, từ đi bán hạt dưa cho đến ở đợ. Tuy nhiên, do có thời gian theo bạn bè đi đờn ca tài tử khắp vùng Bưng 6 xã (nay là Q.2 và Q.9) nên ông có thêm nghề tay trái: đi ca.
Được thầy Mười Phú nhận vào lò cổ nhạc của thầy ở Cầu Bông, đến năm 23 tuổi, Văn Hường lại được nữ danh ca Lệ Liễu nhận vào ca tài tử trong quán Lệ Liễu thuộc Giải trí trường Thị Nghè. Đến giờ, Văn Hường vẫn còn nhớ những bài vọng cổ đầu đời mà các nhạc sĩ Văn Vĩ, Năm Cơ đã từng đàn cho ông ca: Chồng già vợ trẻ, Nhớ mẹ hiền, Đổng Kim Lân phò ấu chúa… Và rồi theo thời gian, Văn Hường đã tạo được tên tuổi nhờ vào giọng ca mùi.
Nghệ sĩ Văn Hường thời trẻ (ảnh nhân vật cung cấp) và lúc già |
Tuy nhiên giọng ca mùi vẫn không sao ngoi lên làm kép vì tiêu chuẩn thước tấc hơi bị khiêm tốn. Chính soạn giả Viễn Châu đã có một sáng kiến đổi đời với Văn Hường khi ông phát hiện ở giọng ca của “chú lùn” này có một duyên hài bẩm sinh.
Viễn Châu đã viết bài Đêm tân hôn cho Văn Hường ca vào 1959, đến nay đã tròn nửa thế kỷ. Bài ca qua diễn xuất của Văn Hường thành công hết sức bất ngờ nên sau đó, soạn giả Viễn Châu đã sáng tác riêng cho Văn Hường một loạt vọng cổ hài có tên Tư Ếch: Tư Ếch đi Sài Gòn, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Tư Ếch coi cải lương, Tư Ếch đi hội chợ… Và Văn Hường đã được khán giả gọi chết danh Tư Ếch.
Rồi như cá gặp nước, Văn Hường được các hãng đĩa Hồng Hạnh, Asia, Continental, Quê Hương, Việt Nam… níu kéo, mời ghi âm tới tấp. Dạo đó, giọng ca của Văn Hường nổi lên như một hiện tượng. Đến nỗi không chỉ có soạn giả Viễn Châu viết bài ca cho Văn Hường mà các soạn giả khác cũng ồ ạt sáng tác gần 200 bài vọng cổ hài chỉ để cho Văn Hường ca. Có thể kể: Tôi không sợ vợ, Năm con vợ, Vợ tui nói tiếng Tây, Hẹn nàng nơi cửa hậu, Vợ tui mê tân nhạc, Vợ tui – tui sợ, Vợ tui đẹp ác, Tôi mê tài xỉu, Lệnh xé xác, Tề Thiên đại thánh, Lá sớ Táo quân, Tại tui tuổi Sửu, Tiền bạc – bạc tiền, Chó mực đầu cáo, Tui thua số đuôi… (của Viễn Châu); Văn Hường ba vợ, Vợ tui lấy Mỹ, Văn Hường đau khổ (của Văn Giai); Tựa tuồng sân khấu, Chuyến xe cuối tuần, Văn Hường đi Suzuki, Ánh sáng đô thành, Chúc tân hôn, Sài Gòn “tuýt”, Nỗi buồn của tôi, Văn Hường trúng số hụt, Tiền nằm trong hẻm (của Yên Sơn); Võ Đại Lang bán phở, Tarzan nổi giận (của Xuân Phát); Thằng Lãnh bán heo (của Quy Sắc); Tai nạn Honda (của Yên Trang)…
Quả thật, với lớp khán giả trung niên, ai đã từng nghe Văn Hường ca vọng cổ thì không khỏi có cái cảm giác “mùi đã cái lỗ tai” khiến phải nở bung những nụ cười ý vị. Đó là thời kỳ hoàng kim của Văn Hường.
Sau giải phóng, Văn Hường tham gia đoàn Thống Nhất – Tây Ninh, rồi về đoàn Sống Chung – TP.HCM cho đến năm 1983 thì phải bỏ hát vì bệnh tật. Gia đình ông đã chuyển chỗ ở nhiều nơi: Trần Xuân Soạn – Q.7, Tân Quy Tây – Nhà Bè, cư xá Thanh Bình – Bình Thạnh, Linh Xuân – Thủ Đức… Tuy vậy, dù nhổ sào chèo tới nơi đâu ông cũng ráng mở một quán có đờn, có ca – gọi là Quán nghệ sĩ cho đỡ nhớ sân khấu…
Trong ngôi nhà mới của nghệ sĩ Văn Hường ở số 54 Hàng Tre, phường Long Thạnh Mỹ, cũng có một sân khấu nhỏ, một cây organ và vài cây guitar điện. Tôi hỏi buổi tối ở đây có đông khách không, ông cười buồn: “Mình mới dọn về đây nên chưa mấy người biết, chỉ có anh em bạn bè lâu lâu ghé qua. Tại nhớ sân khấu nên cũng bày ra cho có vậy mà. Mỗi lần có khách thì mới kêu đám con cháu, em út tới đốt đèn, so dây: Anh Thư, Văn Tài (con nhạc sĩ Văn Vĩ), Thanh Hòa (con danh ca Ngọc Cầm). Vợ chồng tôi có 5 con nhưng chỉ có Thanh Tùng là nhạc công organ, vợ Tùng là Thanh Trúc đoạt HCV Giọng ca cải lương của Đài truyền hình Bình Dương… Mở cái quán này, tuy ở chỗ hẻo lánh nhưng mình không phải trả tiền mặt bằng, mà đám em út, cháu chắt cũng có nơi biểu diễn, có thêm chút tiền thưởng của khách mộ điệu. Lâu lâu hứng chí, mình cũng lên sân khấu làm bậy mấy câu… Cũng có nơi mời, như chương trình Vầng trăng cổ nhạc, nhưng tôi không dám nhận lời. Hơi của ông già 76 tuổi làm sao còn ngon lành được, cứ sợ làm người nghe thất vọng, nên… thôi!”.
Hà Đình Nguyên (theo TNO)
Bình luận (0)