Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chuyển đổi loại hình cho trường mầm non nông thôn: Đời sống người “xây nền” vẫn khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thành phố Hà Nội đến năm 2015" được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua tháng 7-2009 đã tạo điều kiện cho ngành học được coi là nền tảng của giáo dục phát triển.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, đời sống của một bộ phận giáo viên, những người "xây nền" trong 357 trường mầm non bán công (MNBC) ở khu vực nông thôn được chuyển đổi sang loại hình công lập theo Quyết định 1554/QĐ-UBND của UBND thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn. Không phải vì họ không được quan tâm mà bởi trên thực tế đang tồn tại mâu thuẫn: có tiền nhưng không có cơ chế để chi.
Mới là thay tên, đổi họ
Trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, 150 trường MNBC, chủ yếu ở khu vực ngoại thành, đã chuyển sang loại hình công lập thực hiện quyền tự chủ. Tháng 4-2009, thành phố có Quyết định 1554 về việc phê duyệt chuyển đổi 357 trường MNBC ở khu vực mới sáp nhập sang loại hình công lập và đến thời điểm này việc chuyển đổi đã hoàn tất. Cùng với chuyển đổi loại hình, thành phố cũng đã quyết định chế độ trợ cấp cho giáo viên, nhân viên ngoài biên chế làm việc trong những cơ sở này. Cụ thể, giáo viên đạt chuẩn đào tạo trở lên, tức là có trình độ từ trung cấp, sẽ được hưởng hệ số 1,86; 35% phụ cấp đứng lớp; được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và phí công đoàn từ ngân sách, với số tiền bằng 19% lương. Đặc biệt, cũng từ tháng 1-2009, UBND thành phố đã cấp định mức 2 triệu đồng/học sinh/năm cho các trường MNBC thuộc địa phận mới mở rộng. Đây là chính sách hỗ trợ rất lớn của thành phố, tạo nguồn kinh phí cho các trường MNBC chuyển đổi loại hình hoạt động và hỗ trợ đời sống cán bộ, nhân viên.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra liên ngành do Sở GD-ĐT chủ trì vừa qua cho thấy, bên cạnh một số huyện đã hoàn tất thủ tục để chuyển đổi loại hình cho các trường MNBC và một số địa phương thực hiện nghiêm quy định của thành phố về chế độ trợ cấp cho giáo viên, đóng BHXH, BHYT đầy đủ thì vẫn còn nhiều nơi không triển khai hoặc cắt xén nguồn thu nhập ít ỏi của các cô giáo. Cụ thể, trong 7 huyện được đoàn đến kiểm tra thì chỉ có Phú Xuyên và Mỹ Đức thực hiện đầy đủ và kịp thời; Quốc Oai chi trả đúng mức quy định nhưng chỉ cho giáo viên hưởng 85%; Thường Tín, Ứng Hòa, Mê Linh, Ba Vì chưa thực hiện đúng quy định. Mê Linh cũng còn 111 giáo viên chưa được truy đóng BHXH, BHYT từ tháng 1-1995 đến tháng 1-2002; Thường Tín còn 332 giáo viên, nhân viên vào ngành từ năm 2002 đến nay chưa được đóng BHXH.
Tại hội nghị giao ban công tác GD-ĐT vừa được tổ chức, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ còn cho biết, có nơi khi biết tin có đoàn kiểm tra sẽ đến làm việc, giáo viên mới được nhận hỗ trợ. Cũng tại hội nghị này, đại diện ngành GD-ĐT các huyện đã nêu lên một nghịch lý là với định mức 2 triệu đồng/học sinh/năm, các trường có tiền để chi cho giáo viên nhưng đời sống các cô vẫn khó khăn. Vì theo quy định họ chỉ được hưởng mức hỗ trợ với hệ số 1,86 và đây không phải là lương nên dù cô giáo làm hàng chục năm hay mới vào nghề thì đều được hưởng mức hỗ trợ này. Giáo viên ở các trường mầm non này chưa được hưởng lương theo ngạch bậc phù hợp với thâm niên công tác.
Biên chế hay hợp đồng không quan trọng
Để được hưởng lương theo ngạch bậc, giáo viên phải thi tuyển công chức hoặc ký hợp đồng dài hạn. Nhưng hiện nhiều quận, huyện chưa dám tổ chức thi tuyển vì có một thực tế là nếu thi thì giáo viên đã cống hiến nhiều năm cho mầm non nông thôn sẽ thua giáo viên trẻ mới ra trường. Khi ấy, có thể sẽ có đơn thư khiếu kiện, hoặc dù không có thì những người làm công tác quản lý cũng không đành lòng. Để tháo gỡ vướng mắc, tháng 1-2010, liên ngành nội vụ và GD-ĐT sẽ có văn bản phân cấp cho các quận, huyện căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để quyết định thi tuyển hay xét tuyển đối với đối tượng này. "Thấu lý, đạt tình và cố gắng giải quyết xong trước Tết Nguyên đán để giáo viên yên tâm với công việc, vui đón năm mới " là yêu cầu mà Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Thanh Hằng đặt ra đối với UBND các huyện trong việc giải quyết chế độ cho chị em.
Nhưng theo một cán bộ quản lý đã có nhiều năm sâu sát với giáo viên mầm non thì chị em không quan tâm lắm đến cái tên biên chế hay hợp đồng mà điều quan trọng là thu nhập của họ. Nếu được vào biên chế nhưng lại phải bắt đầu tính lương từ mức khởi điểm theo quy định của Nhà nước thì với những người đã có mươi, mười lăm năm công tác là rất thiệt thòi. Không chỉ lương thấp trong hiện tại mà sau này, khi chị em hoàn thành nhiệm vụ về nghỉ an hưởng tuổi già, đồng lương hưu cũng rất thấp. Bởi thế, việc thành phố linh hoạt trong tuyển dụng đã là một sự quan tâm đáng trân trọng nhưng với đặc thù của Hà Nội nói chung do hoàn cảnh sau mở rộng địa giới, của việc chuyển đổi loại hình trường MNBC nói riêng, có lẽ cần có thêm những giải pháp linh hoạt hơn nữa để đời sống giáo viên được quan tâm một cách đầy đủ.
Hàng nghìn cô giáo đang công tác tại các trường MNBC chuyển đổi sang trường công đang mong mỏi sẽ thực sự được coi là người của Nhà nước chứ không chỉ là cái danh.
Vân Vũ/Hà Nội mới

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)