Theo quy định của Luật Giáo dục, ở bậc phổ thông sẽ không còn loại hình trường bán công, dân lập nữa mà tất cả đểu chuyển qua công lập hoặc tư thục (loại hình trường dân lập chỉ còn tồn tại ở bậc học mầm non). Điều mà dư luận quan tâm là liệu việc chuyển đổi này có ảnh hưởng tới quyền lợi của người học?
Học sinh trường Tiểu học dân lập Nguyễn Huệ (cũ) nay đã chuyển sang trường Tiểu học công lập Nguyễn Du (Hà Nội) -Ảnh: Nguyễn Lâm |
Phụ huynh lo lắng
Việc giải thể trường Tiểu học dân lập Nguyễn Huệ – Hà Nội và sáp nhập với trường Tiểu học Nguyễn Du trong dịp đầu năm học này đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận khi mà hơn 400 phụ huynh học sinh của trường này đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại rằng sau khi giải thể, việc học tập của con em họ sẽ bị xáo trộn.
Đây là trường dân lập phổ thông đầu tiên của TP Hà Nội thực hiện việc chuyển đổi loại hình hoạt động. Sau khi có đơn thư phản ứng của phụ huynh, sự việc đã được UBND quận Hoàn Kiếm trực tiếp đứng ra giải quyết và toàn bộ học sinh có nhu cầu đều được chuyển sang trường Tiểu học Nguyễn Du mà không có xáo trộn nào đáng kể về việc học tập. Tuy nhiên, sự việc này đã gây tâm lý lo lắng cho các phụ huynh có con theo học trường dân lập. Họ lo ngại, việc chuyển đổi sang loại hình tư thục sẽ phải đóng học phí cao hơn nếu không còn sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương.
Tại Quảng Nam, từ năm học 2008-2009, tất cả 8 trường THPT bán công trên địa bàn tỉnh sẽ được chuyển sang loại hình trường công lập. Được biết, để thực hiện chủ trương này, ngân sách tỉnh sẽ phải chi thêm khoảng 5 tỉ đồng/năm để cấp cho các trường do học phí thu sẽ thấp hơn so với khi còn là trường bán công, hơn nữa sẽ giảm bớt áp lực cho học sinh và phụ huynh trong việc chọn trường trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm.
Mặc dù theo quy định, đến hết năm 2010 việc chuyển đổi loại hình trường ở các địa phương phải hoàn tất, nhưng đến thời điểm này phần lớn các địa phương vẫn trong tình trạng "giậm chân tại chỗ". Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có văn bản hướng dẫn chuyển đổi của Bộ GD-ĐT và thiếu kinh phí để hỗ trợ cho các trường cần chuyển đổi.
Ông Lê Phước Long – Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị cho biết: Quảng Trị là tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người thấp, kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương điều tiết, nếu phải thực hiện chuyển đổi từ loại hình trường bán công sang tư thục theo quy định của luật thì tình trạng bỏ học sẽ tăng do không đủ tiền nộp học phí và các khoản thu nộp khác theo quy định của trường tư thục, đặc biệt là trường mầm non ở các xã vùng ven thị xã, ven trung tâm huyện không được hưởng chế độ hỗ trợ của Chương trình 135.
Vẫn chưa biết chuyển đổi ra sao!
Bộ GD-ĐT nhận định: việc chậm chuyển đổi loại hình trường dân lập, tư thục theo quy định là hạn chế lớn nhất trong việc thực thi Luật Giáo dục. Bộ GD-ĐT cũng cho rằng: nguyên nhân của việc chậm chuyển đổi này là do Bộ GD-ĐT chậm có văn bản hướng dẫn để các địa phương có căn cứ thực hiện. Trao đổi với PV, một lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT) cho biết: dự thảo văn bản hướng dẫn đã được hoàn thiện từ lâu nhưng vẫn chưa thể ban hành được vì còn một số vướng mắc, trong đó, khó khăn nhất là làm sao việc chuyển đổi dù sang loại hình công lập hay tư thục thì vẫn đảm bảo được quyền lợi của những tất cả những đối tượng như: người lao động, người học và quyền lợi chính đáng của những người đã có đóng góp trong quá trình hình thành và phát triển của cơ sở giáo dục đó. Vị lãnh đạo này cũng cho biết, việc chuyển đổi thời gian qua mới chủ yếu chuyển từ trường bán công sang trường công lập tự chủ về tài chính.
Để đảm bảo quyền lợi của người học, Bộ GD-ĐT chủ trương việc chuyển đổi loại hình trường phải phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp của địa phương và điều kiện kinh tế, xã hội của từng vùng miền. Trường bán công, dân lập ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn chuyển sang trường công lập; trường bán công, dân lập thuộc các vùng miền khác, các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi sang trường công lập hoặc tư thục.
Về tài chính, ông Nguyễn Văn Vui – Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT) đề xuất: Có thể có nguồn vốn cho vay với lãi suất thấp, tạo điều kiện giảm bớt gánh nặng cho người học và các nhà đầu tư. Cần phải khẳng định trường tư thục khác hẳn với một doanh nghiệp sản xuất trong việc hạch toán kinh tế. Trong khi chưa nhiều nhà đầu tư sẵn lòng mở trường tư không vì mục tiêu lợi nhuận thì việc Nhà nước hỗ trợ về đất đai và có cơ chế tạo thuận lợi cho trường tư là rất cần thiết.
Tuệ Nguyễn (TNO)
Bình luận (0)