Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chuyển đổi nghề cho ngư dân tàu cá gần bờ

Tạp Chí Giáo Dục

Thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Đề án giảm số lượng phương tiện nghề cá loại công suất nhỏ hơn 20CV (tàu cá, thuyền thúng gắn máy) trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu đề án là nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của các tàu thuyền công suất nhỏ khai thác, đánh bắt ven bờ, khuyến khích, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, đầu tư thuyền lớn để vươn khơi bám biển.

Khi chuyển đổi tàu cá công suất nhỏ cần tính đến việc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho người dân

Theo đó việc chuyển đổi ngành nghề cho lao động cần được xem xét lựa chọn kỹ càng để giúp người dân tránh tâm lý lo lắng.

1.Theo đề án, lộ trình đến năm 2020 Đà Nẵng sẽ “xóa” thuyền thúng gắn máy, ổn định số lượng khoảng 150 tàu cá vỏ gỗ có công suất dưới 20CV với sức chở tối đa từ 0,5 tấn trở lên khai thác hải sản vùng biển ven bờ. Đề án cũng đã đưa ra chính sách hỗ trợ giúp ngư dân xả bản tàu, chuyển đổi ngành nghề bằng việc thu mua phương tiện để xả bản. Cụ thể các phương tiện đã đăng ký như tàu cá có vỏ nan tre be gỗ (ghe nan) 20 triệu đồng/chiếc; tàu vỏ gỗ có sức chở tối đa loại từ 0,5 tấn trở lên 30 triệu đồng/chiếc, Loại dưới 0,5 tấn 20 triệu đồng/chiếc. Thuyền thúng gắn máy có sức chở tối đa từ 0,5 tấn trở lên: 15 triệu đồng/chiếc, dưới 0,5 tấn 10 triệu đồng/chiếc. Các phương tiện không đăng ký như tàu với vỏ là các loại vật liệu 10 triệu đồng/chiếc, thuyền thúng gắn máy với vỏ là các loại vật liệu là 5 triệu đồng/chiếc. Ngoài ra hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề cho hơn 1.200 lao động hoạt động trên các phương tiện đã đăng ký sau khi đã được thu mua xả bản với mức 10 triệu đồng/lao động. Đề án hướng đến mục tiêu góp phần ổn định việc khai thác thủy hải sản gần bờ, giảm tác động tiêu cực cho môi trường biển ven bờ và hỗ trợ ngư dân đầu tư tàu lớn, chuyển đổi ngành nghề để ổn định cuộc sống. Mặt khác, mục tiêu đề án cũng phù hợp với định hướng phát triển của Chính phủ, đến năm 2020, hướng đến giảm tàu cá công suất nhỏ, phát triển nghề cá theo quy mô lớn.

2.Với chủ trương đúng đắn, nhiều ngư dân lao động trên các tàu thuyền công suất nhỏ, công cụ thô sơ phấn khởi vì được tạo điều kiện chuyển sang hướng làm ăn mới, thoát cảnh bữa hôm lo bữa mai. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó nhiều người cũng rất lo lắng, nhất là những lao động tuổi đã cao, không thể làm công việc gì khác ngoài đi biển, nếu chuyển đổi họ cũng khó có thêm kinh tế để đóng tàu đánh bắt xa bờ… Ông Nguyễn Văn Mai, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho biết, với nghề đánh bắt trên con thuyền nhỏ này là kế sinh nhai của gia đình. Có con thuyền nhỏ, ông chủ động hơn trong việc đánh bắt mà không phải thuê thêm nhân công lao động. Bên cạnh đó thu nhập từ nghề cũng đem lại cho ông có nguồn thu hàng ngày. Với đề án chuyển đổi, ông rất mong được hỗ trợ làm sao để có thể tiếp tục nghề biển. Còn ông Phạm Văn Minh, ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà cho biết, gia đình ông sống nhờ vào nghề câu mực và bắt tôm nhí trên thuyền thúng, mỗi ngày thu nhập cũng được tầm 500 ngàn đồng, đủ trang trải cho cuộc sống và các chi phí. Nhưng nếu tinh giản thuyền công suất nhỏ, thì ông vẫn chưa biết tìm nghề gì cho hợp lý.

3.Thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng, hiện tại toàn thành phố Đà Nẵng có hơn 770 phương tiện nghề cá có công suất nhỏ hơn 20CV, tổng cộng có khoảng 1.000 lao động. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng đang tiến hành lấy ý kiến của ngư dân từng địa phương nhằm thực hiện đề án một cách phù hợp nhất. Tại Sơn Trà, ông Trần Văn Lực, Chủ tịch Hội Nông dân quận Sơn Trà cho biết, quận đã thực hiện chủ trương giảm tàu cá có công suất nhỏ từ trước khi UBND thành phố Đà Nẵng ban hành đề án. Theo đó, một số ngư dân ủng hộ chủ trương này, tuy nhiên vẫn còn một số chưa đồng ý. Chính quyền quận này chủ trương chuyển đổi ngành nghề hợp lý cho ngư dân trong đó có việc đưa ngư dân tham gia các hoạt động phục vụ du lịch, tuy nhiên để thực hiện được điều này cũng cần nhiều thời gian.

Như vậy, để đề án thực hiện thành công, hợp lòng dân, thiết nghĩ các cấp chính quyền cần có những giải pháp cụ thể, thống kê, khảo sát, lắng nghe nguyện vọng của người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp, từ đó đưa ra các hướng giải quyết, chuyển đổi ngành nghề hợp lý để tránh ảnh hưởng đến đời sống của bà con.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)