Chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc, không thể cưỡng lại đối với tất cả cơ quan báo chí. Hiện tại, đó là xu hướng tác động lớn đến xã hội và cũng là một trong những trọng tâm ưu tiên phát triển của Việt Nam.
Các nhà báo đang tác nghiệp tại một sự kiện
Công nghệ số tạo sự thay đổi căn bản báo chí
Tại Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam – Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân”, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – cho biết, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này. Đây là những cú huých mạnh mẽ để đổi mới báo chí, làm tăng lên vai trò và sự đóng góp của báo chí cách mạng vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Những khó khăn và vấn đề của báo chí gần đây không làm giảm đi vai trò mà chỉ nói lên một điều là báo chí cần phải đổi mới. Nếu báo chí không thay đổi thì sẽ bị thay thế. Báo chí phải làm những việc mới và đổi mới nằm ở chỗ phải làm hơn những gì mình đang làm. Báo chí cần một không gian rộng hơn là đưa tin “ai, cái gì, khi nào và ở đâu”. Đó có thể là một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc và trí tuệ, một sự diễn giải thú vị, đầy tính gợi mở, hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước.
Tại Việt Nam hiện có khoảng 77 triệu người dùng internet, chiếm gần 80% dân số và có hơn 70 triệu người tham gia các mạng xã hội. Những con số biết nói này là minh chứng cho sự bùng nổ không thể chối từ của thế hệ công dân số toàn cầu.
Theo ông Đồng Mạnh Hùng – Trưởng ban Thư ký biên tập VOV, chỉ với chiếc smartphone, công chúng có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của mình, từ tiếp nhận thông tin, giao tiếp xã hội, giải trí và thực thi các nhu cầu cá nhân, họ không cần phải tìm đến các nhà cung cấp truyền thống về mặt thông tin như phát thanh nữa. Lĩnh vực phát thanh trong thời đại chuyển đổi số, bên cạnh việc phải thay đổi các nền tảng cung cấp nội dung, không chỉ trên nền tảng truyền thống là phát sóng vô tuyến, mà còn cần cung cấp trên các nền tảng số, vì vậy cần phải tiếp tục đổi mới về cả nội dung và hình thức để đáp ứng những yêu cầu, nhu cầu ngày càng mới của công chúng.
“Phát thanh bắt buộc phải thay đổi nếu muốn tiếp tục tồn tại. Và môi trường số chính là điều kiện thuận lợi để phát thanh chuyển mình”, ông Hùng nói.
Nhiều nhà báo thừa nhận, hiện nay xã hội đang vận động hướng tới cuộc sống số, một xã hội số nhân bản hơn trong tương lai. Vì vậy, đương nhiên báo chí cũng phải chuyển đổi số; phải xây dựng hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng, kết hợp hài hòa trong tổ chức sản xuất, xuất bản thông tin giữa các trang, chuyên trang trên nền tảng web và trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút công chúng.
Báo điện tử Chính phủ tham gia các mạng xã hội khác như YouTube, Zalo, Twiter, Lotus… và đã phát huy được hiệu quả, góp phần dẫn dắt dư luận, tạo đồng thuận xã hội. Thông điệp quan trọng trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể ngay lập tức chuyển tới khoảng 15-17 triệu người dùng mạng xã hội.
“Thời kỳ cao điểm nhất trong chống dịch Covid-19, tài khoản thông tin Chính phủ có thể tiếp cận ngay lập tức tới 80% người dùng Facebook ở Việt Nam, tức khoảng hơn 50 triệu tài khoản”, ông Nguyễn Hồng Sâm – Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ – thông tin.
Sử dụng công nghệ để tạo ra những nội dung hấp dẫn
Chuyển đổi số là quá trình sử dụng các công nghệ số để tạo mới nhằm đáp ứng yêu cầu thay đổi của thị trường, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Chuyển đổi số báo chí là đặt công nghệ ở trung tâm của chiến lược phát triển, sử dụng công nghệ để tạo ra những nội dung hấp dẫn và chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo nguồn thu lớn hơn.
Hiện nay, hầu hết nội dung của các cơ quan báo chí đã được đưa lên môi trường số. Báo in truyền thống cũng “di chuyển” sang phiên bản điện tử nhằm tiếp cận đa dạng bạn đọc hơn. Mỗi cơ quan, đơn vị có cách làm khác nhau, tùy thuộc tôn chỉ, mục đích và nội lực của mình.
Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện tốt chuyển đổi số báo chí trước hết phải thay đổi được nhận thức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đặc biệt là cán bộ làm công tác quản lý báo chí; Đồng thời, việc đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên giỏi nghiệp vụ, có kỹ năng sản xuất nội dung để phân phối trên môi trường số rất quan trọng. Đặc biệt không thể thiếu công nghệ. Đây cũng là bài toán thách thức của không ít cơ quan báo chí khi thực hiện chuyển đổi số. Nhiều tòa soạn hiện chưa tự chủ được công nghệ. Cùng với đó, thay đổi quy mô và quy trình quản trị, cách thức làm báo. Các cơ quan báo chí truyền thống hiện nay thêm nền tảng số phải tính xuất bản nội dung ở đâu trước, có sự nối tiếp nhau như thế nào. Dây chuyền sản xuất, mô hình quản trị cũng phải thay đổi so với trước.
Ông Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông Đài Tiếng nói Việt Nam – cho biết: “Quan điểm của chúng tôi về sự tồn tại của phát thanh truyền thống trong thời đại số luôn là duy trì tâm thế đối mặt với thách thức và sẵn sàng thích ứng với hoàn cảnh một cách linh hoạt và tự chủ. Vấn đề đặt ra là thích ứng như thế nào? Đó là bổ sung phương thức phân phối nội dung audio trên nền tảng số. Phân loại nội dung công cộng và cá nhân kèm theo hình thức tạo doanh thu khác nhau. Đầu tư nghiên cứu đổi mới các format nội dung phù hợp với nền tảng phân phối mới. Đầu tư tạo nguồn và đào tạo nhân lực phù hợp với phương thức sản xuất và phân phối chương trình mới. Đẩy mạnh ứng dụng AI trong quá trình sản xuất, phân loại và phân phối nội dung”.
Nói về thúc đẩy chuyển đổi số – báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu kết hợp công nghệ, ông Ngô Việt Anh – Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử, Báo Nhân Dân – nhấn mạnh đến tòa soạn số. Theo đó, tòa soạn số cần đáp ứng 5 nội dung: Tòa soạn điều phối các loại hình báo chí đa phương tiện, phát hành đa nền tảng; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào sản xuất nội dung, trình bày, phát hành theo mô hình “media – tech”; cần có công cụ đo lường, phân tích nhu cầu của độc giả; tòa soạn được thiết kế mở, tăng tính tương tác; đội ngũ nhân sự phải đa năng như biết chụp ảnh, làm video, đồ họa, social media…
Kinh nghiệm của Báo Nhân Dân trong mô hình tòa soạn “báo chí – công nghệ” là phải đầu tư trang thiết bị, kỹ sư công nghệ; hợp tác với các công ty công nghệ; ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong công tác nhân sự cần thay đổi tư duy lãnh đạo, nhân viên theo hướng “digital-first”; vận hành tòa soạn theo hướng mở, tương tác; đào tạo nhân sự đa phương tiện, đa nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo. Về tài chính, chú trọng sử dụng hiệu quả ngân sách, đa dạng nguồn thu từ quảng cáo nội dung, tổ chức sự kiện để tái đầu tư…
Linh Anh
Bình luận (0)