Mặc dù TP.HCM đã đạt được một số kết quả trong chuyển đổi số (CĐS). Đúng như bà Võ Thị Trung Trinh – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP – đã nói: “Thúc đẩy CĐS là nhiệm vụ chung của tất cả các đơn vị. Thời gian qua, các đơn vị trên địa bàn TP đã, đang thực hiện và đạt nhiều kết quả”. Tuy nhiên muốn đạt kết quả như mong muốn thì mỗi cán bộ, công chức phải “chuyển đổi” nhận thức, cách làm việc…
Người dân, doanh nghiệp tìm hiểu các dịch vụ, giải pháp số tại Tuần lễ Chuyển đổi số TP.HCM năm 2023
Người dân đang hưởng lợi từ chuyển đổi số
Hiện nay Sở Giao thông vận tải TP đang triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành giao thông đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Ông Đoàn Văn Tấn – Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP, Sở Giao thông vận tải – cho biết, trên cơ sở áp dụng mô hình hoạt động của các trung tâm quản lý điều hành giao thông hiện đại trên thế giới, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông vận tải TP hoạt động liên tục 24 giờ/7 ngày. Tính riêng hoạt động phối hợp xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trong 9 tháng đầu năm 2023, thông qua hệ thống camera, Thanh tra sở đã tiến hành ghi hình và lập biên bản xử phạt 1.699 trường hợp với số tiền hơn 2 tỷ đồng đối với các hành vi dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định. Đối với điều khiển đèn tín hiệu, qua hệ thống cảm biến quan trắc, thu thập dữ liệu giao thông tự động tại 118 mặt cắt ngang các tuyến đường, các thông số của dòng giao thông được hệ thống trung tâm phân tích, tính toán để đưa ra chiến lược điều khiển đèn tín hiệu giao thông phù hợp tại 216 nút giao thông trọng điểm.
Nền tảng chia sẻ dữ liệu được Sở Tài nguyên Môi trường TP công bố vào ngày 17-8-2022 thực sự là nền tảng công nghệ để triển khai nhiệm vụ thu thập, quản lý, khai thác, chia sẻ và sử dụng theo quy định.
Ông Trần Văn Bảy – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP – cho biết, trên 80% dữ liệu của ngành tài nguyên môi trường là dữ liệu không gian địa lý. Thông qua nền tảng này, người dân và các tổ chức có thể biết và tìm hiểu về quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất như thế nào. Ví dụ, công trình đường Vành đai 3 nằm ở đâu, chạy qua quận huyện nào, chiếm bao nhiêu đất, những ai bị ảnh hưởng bởi quy hoạch Vành đai 3, kế hoạch, tiến độ triển khai như thế nào. Cao cấp hơn, các tổ chức, sở, ban, ngành có thể khai thác dữ liệu trên nền tảng để tích hợp dữ liệu chuyên ngành nhằm tạo ra dữ liệu mới mang giá trị cao hơn.
Khai thác hiệu quả dữ liệu người dân theo Đề án 06 của Chính phủ, Công an TP đã phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện làm sạch, cập nhật, bổ sung, đồng bộ dữ liệu các chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Với sự nỗ lực, quyết tâm trong công tác phối hợp, đến nay các đơn vị đã ứng dụng khai thác dữ liệu phục vụ người dân, đem lại nhiều tiện ích. Người dân đã có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VNeID để thay thế nhiều loại giấy tờ như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe được tích hợp trên ứng dụng VNeID; tra cứu thông tin, lịch sử khám chữa bệnh, thông tin tiêm chủng thông qua chức năng Sổ sức khỏe điện tử; đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia…”, bà Hồ Thị Lãnh – Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP thông tin.
Công dân, doanh nghiệp phải là trọng tâm của chuyển đổi số
Theo kết quả xếp hạng chỉ số CĐS năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, TP.HCM tiếp tục vươn lên xếp hạng thứ 2 toàn quốc. Tiếp tục phát huy năm 2023, TP.HCM xác định chủ đề CĐS và xây dựng đô thị thông minh là dữ liệu số.
Bà Trinh thông tin, đầu năm 2023 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, TP đã ban hành chiến lược quản trị dữ liệu số; trong đó TP hướng mục tiêu đến 2025 sẽ tạo lập và hình thành một số dữ liệu chính, quan trọng để hỗ trợ công tác quản trị, phát triển kinh tế – xã hội.
Đến nay TP đã triển khai 5 nền tảng số dùng chung, gồm: nền tảng thông tin giải quyết thủ tục hành chính; quản trị thực thi của TP trên các nền tảng số; bản đồ số TP; tiếp nhận trả lời và xử lý phản ánh, kiến nghị người dân qua Tổng đài 1022; nền tảng đánh giá chỉ số CĐS TP. Hiện TP đang phối hợp với các đơn vị để triển khai những nền tảng số, giải tuyết các bài toán căn cơ, triệt để trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiện đại hóa nền hành chính…
Để góp phần thúc đẩy CĐS thành công, ông Bảy cho rằng, hiện nay thủ tục triển khai các nhiệm vụ công nghệ thông tin, CĐS còn chậm so với đòi hỏi quản lý và người dân. Vì vậy TP cần nghiên cứu giảm bớt thủ tục triển khai các dự án công nghệ thông tin và dữ liệu. Mặt khác, một số nhiệm vụ có tính mới, đột phá, đổi mới sáng tạo cần quy tụ nhân lực, chuyên gia để cùng giải quyết. Sở Khoa học Công nghệ TP cần có hướng dẫn, hỗ trợ khai thác nguồn lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, theo bà Lãnh, CĐS gồm “chuyển đổi”, tức việc thay đổi nhận thức, cách vận hành, cách làm việc là yếu tố chính, yếu tố quyết định; còn “số” là công nghệ số, là công cụ để thực hiện quá trình chuyển đổi. Do đó cần tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp, ngành, đơn vị, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo các lực lượng liên quan chung sức, đồng lòng, phối hợp để tạo ra sự thay đổi cần thiết.
Bà Trần Thị Lan Hương – đại diện Ngân hàng Thế giới – nhấn mạnh, CĐS và quản trị dữ liệu là một hành trình cần phải cải tiến phù hợp với các tiến bộ công nghệ theo thời gian. Liên tục tích hợp, phân tích tạo giá trị gia tăng từ các nguồn dữ liệu khác nhau, đó là dữ liệu lớn (cảm biến, viễn thông, vệ tinh) kết hợp với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời cần tạo lập, chia sẻ, khai phá dữ liệu, đồng sáng tạo dịch vụ dữ liệu theo cách tiếp cận toàn TP. Các dịch vụ khai phá dữ liệu phải thích ứng để công dân và doanh nghiệp thành trọng tâm của CĐS. Cần có cơ quan đầu mối thúc đẩy, điều phối và thiết kế các giải pháp khai phá dữ liệu số để TP trở nên thông minh, sáng tạo và năng động hơn.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)