Từ năm 2022, chuyển đổi số trong giáo dục – đào tạo được Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ mang tính chiến lược, quốc gia. Năm học 2022-2023, ngành giáo dục TP.HCM đã có những đề án, kế hoạch cụ thể, từng bước triển khai có hiệu quả, đồng bộ trong từng cơ sở giáo dục.
Theo đánh giá, TP.HCM bước đầu đạt được nhiều thành tựu trong chuyển đổi số giáo dục (ảnh minh họa)
Hành lang pháp lý rõ ràng
Tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25-1-2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án xác lập mục tiêu của giáo dục trong giai đoạn tiếp theo là tận dụng tiến bộ công nghệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Theo đó, đề án xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ lớn, có tính đột phá của ngành giáo dục, đặt mục tiêu đến năm 2025 là: Đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học. Phấn đấu 50% học sinh, sinh viên và mỗi nhà giáo có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến. Ngoài ra, đề án cũng xác định mục tiêu đến năm 2025 là 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Trong đó, 100% người học, 100% nhà giáo được quản lý bằng hồ sơ số với định danh thống nhất toàn quốc; 80% cơ sở vật chất, thiết bị và các nguồn lực khác phục vụ giáo dục – đào tạo và nghiên cứu được quản lý bằng hồ sơ số.
Để triển khai có hiệu quả đề án trên, Bộ GD-ĐT đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ GD-ĐT do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn làm Trưởng ban. Tháng 11-2022, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn trực tuyến về chuyển đổi số, Chính phủ điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành đến sở GD-ĐT 63 tỉnh/thành cùng các cơ sở giáo dục. Trong đó, các chuyên gia khẳng định, chuyển đổi số trong giáo dục sẽ đổi mới cách thức giảng dạy truyền thống vốn có hướng tới phổ cập hóa và cá nhân hóa dịch vụ học tập suốt đời đến từng người học, nâng cao hiệu quả và hiệu lực của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo.
Giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới giáo dục
Tại TP.HCM, từ tháng 5-2022, UBND TP đã có quyết định ban hành Kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành giáo dục TP.HCM giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, ngoài vạch rõ các chỉ tiêu trong đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đến năm 2025, TP còn đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa tối thiểu 25%-35% nội dung chương trình giáo dục theo hình thức giáo dục trực tuyến. 100% cơ sở giáo dục triển khai công tác quản trị nhà trường ứng dụng công nghệ số… Trước đó, TP.HCM cũng đã xây dựng các đề án thuộc chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TP, bao gồm: Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TP.HCM giai đoạn 2021-2030”; đề án “Tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020-2035 và đại học chia sẻ”; đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TP.HCM theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2021-2030”… Những quyết định, kế hoạch, đề án trên được xem là hành lang pháp lý để ngành giáo dục TP có những bước đi cụ thể, rõ ràng, đồng bộ trong việc thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành. Tính đến thời điểm này, các thành tựu lớn mà TP.HCM đã đạt được trong công tác chuyển đổi số giáo dục có thể kể đến như: Nền tảng tích hợp dữ liệu lên cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành; xây dựng và phát triển bản đồ thông tin địa lý giáo dục (GIS giáo dục); triển khai đồng bộ ứng dụng dạy học trực tuyến. Trong đó, đến hết năm học 2021-2022, cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành đang được quản lý với 2.387/2.387 đơn vị, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên được cấp tài khoản trực tuyến trên môi trường mạng. Cơ sở dữ liệu toàn ngành có 1.748.962 dữ liệu học sinh và 80.557 dữ liệu giáo viên đang được Sở GD-ĐT quản lý tập trung trên hệ thống. Đây được xem là nền tảng quan trọng để ngành giáo dục TP.HCM triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục.
Chuyển đổi số được ngành giáo dục TP.HCM xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu (ảnh minh họa)
Ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định, ngành giáo dục TP xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo; là công cụ tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; là mục tiêu, động lực quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo của TP. Để thực hiện hiệu quả điều này, công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, giáo viên là hết sức quan trọng.
Ông Hiếu cho biết thêm, chuyển đổi số giúp giảm áp lực cho giáo viên, học sinh, hỗ trợ quản lý giáo dục tốt hơn. Hiện nay, công nghệ thông tin được ngành giáo dục TP ứng dụng rộng rãi trong công tác quản lý, quản trị nhà trường, đẩy mạnh ứng dụng trong dạy và học. Đồng thời chỉ rõ: Để thực hiện hiệu quả và đồng bộ hơn nữa, sớm xác lập được các mục tiêu đặt ra trong từng đề án, ngành giáo dục TP xác định một số giải pháp trọng tâm, đó là đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành; thực hiện tốt các quy định hiện hành trong nhiệm vụ chuyển đổi số; xây dựng, phát triển dữ liệu số; tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học ở tất cả các cơ sở giáo dục…
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)