Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chuyển đổi số giảm áp lực cho cả giáo viên, học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sáng 28-10, UBND TP.HCM đã tổ chức hội thảo quốc tế ngành giáo dục TP.HCM với chủ đề "Chuyển đổi số giáo dục – từ cốt lõi đến toàn diện".


Toàn cảnh buổi hội thảo

Hội thảo do PGS.TS Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Trưởng ban chuyển đổi số quốc gia; PGS.TS Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành giáo dục TP.HCM; TS. Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM; ThS. Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM làm chủ tọa đàm. Hội thảo được tổ chức theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các điểm cầu ở 21 quận huyện và TP.Thủ Đức.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, ngành giáo dục đào tạo TP.HCM xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới phương thức lãnh đạo, là công cụ tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, là mục tiêu và động lực quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của thành phố.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ rõ, để nâng cao chất lượng giáo dục thành phố, công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo là rất quan trọng, đồng thời góp phần tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố. Ngành giáo dục thành phố xác định một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, đó là: đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành; thực hiện tốt các quy định hiện hành trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; xây dựng, phát triển dữ liệu số; tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học ở tất cả các cơ sở giáo dục…

"Chuyển đổi số giúp giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh, hỗ trợ việc quản lý giáo dục tốt hơn. Công nghệ thông tin và truyền thông hiện được ứng dụng rộng rãi trong công tác quản lí giáo dục, có thể kể đến như Phần mềm Quản lý cơ sở dữ liệu học sinh, giáo viên, Quản lý chuyển trường và tiếp nhận học sinh, Quản lý công tác tài chính, tài sản, Quản lý Thư viện, Quản lý thi và các hoạt động chuyên môn, Hệ thống khảo sát, trắc nghiệm trực tuyến, Phần mềm xếp thời khóa biểu, Sổ điểm, sổ liên lạc điện tử; Phần mềm quản lý kế hoạch dạy học ở trường trung học; Hệ thống thẻ học đường thông minh với nhiều tiện ích được triển khai hiệu quả…  không chỉ giúp hạn chế sử dụng tiền mặt mà còn hỗ trợ hoạt động học tập và sinh hoạt của học sinh, công tác quản lí nhà trường. Ngoài ra, thành phố đã triển khai kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin ngành giáo dục đào tạo thành phố. Đây là cơ sở quan trọng để kết nối hệ thống các phần mềm, tạo cơ sở dữ liệu dùng chung hiệu quả của toàn ngành"- ông Nguyễn Văn Hiếu phân tích.

Cần đặt giáo viên và học sinh làm trung tâm

Từ bộ chỉ số sẵn sàng áp dụng công nghệ vào giáo dục của Ngân hàng thế giới (ETRI) phân tích các chính sách và thực tiễn của hệ sinh thái giáo dục TP.HCM theo 6 trụ cột: quản lý trường học; giáo viên; học sinh; thiết bị; kết nối; tài nguyên số, nhóm chuyên gia giáo dục cao cấp và kinh tế cao cấp – Ngân hàng Thế giới đưa ra khuyến nghị: TP.HCM sẽ thành công hơn nếu lập kế hoạch, sửa đổi và cải thiện tính thống nhất và đảm bảo chất lượng của chiến lược công nghệ giáo dục, đặt giáo viên và học sinh làm trung tâm, đồng thời ưu tiên mua, phân phối và sử dụng hiệu quả các thiết bị số trường học.

Chiến lược cũng sẽ phát huy hiệu quả nếu được xây dựng dựa trên thế mạnh của quản lý trường học hiện có để hỗ trợ việc lập kế hoạch, triển khai và giám sát các chính sách công nghệ giáo dục, cũng như tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên số, cải thiện chất lượng kết nối internet trong trường học, đặc biệt quan tâm đến các cấp học thấp hơn, tiếp tục các giải pháp rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn…

Ngoài ra, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, qua các ứng dụng trong dạy học và quản lý, các trường học đã có được sự cộng tác, hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, sự đồng tình từ cha mẹ học sinh. Sự kết nối này đã tạo các kênh thông tin số kết nối nhà trường với gia đình và xã hội đã giúp cho hoạt động dạy học, giáo dục diễn ra thuận lợi và hiệu quả.

"Với các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số cho phép 4 đối tượng này biết được tiếp nhận thông tin một cách cùng lúc, thậm chí là qua lại. Bản chất của việc ứng dụng công nghệ để kết nối là làm thế nào để thông tin giáo dục được minh bạch. Cán bộ quản lý cần được biết giáo viên của họ đang làm gì, day như thế nào, học sinh học tập ra sao. Còn phụ huynh thì biết con, em mình làm gì… Chuyển đổi số cũng giúp huy động được các nguồn lực xã hội, nhất là các điều kiện hạ tầng về CNTT có trong xã hội tham gia vào giáo dục. Để có nguồn nhân lực chất lượng, linh hoạt, thích ứng với những thay đổi của xã hội, trong người dạy và người học có nhiều điều kiện thuận lợi trong chuyển đổi, chia sẻ và kết nối các hình thức học tập, nâng cao khả năng thích ứng…"- ông Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận.

Yến Hoa

 

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)