- 1 Chuyển đổi số giáo dục, lấy đội ngũ làm nền tảng
Không ngoa khi nói rằng về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hay trí tuệ nhân tạo thì ngành giáo dục TP.HCM đang đi tiên phong trên cả nước. Hành trình đó, bắt đầu từ sự mày mò, sáng tạo, đam mê của mỗi giáo viên song đến nay đã phủ sóng khắp các lớp học, len lỏi vào từng bài giảng. Khái niệm về lớp học số, trường học số, lớp học thông minh, trường học thông minh dần định hình ngay trong mỗi nhà trường.

Chuyển mình từ bảng đen, phấn trắng bằng sự tiên phong, mạnh dạn của đội ngũ
Chừng 10, 15 năm trước, tại TP.HCM đã dần xuất hiện những ngôi trường có sử dụng máy chiếu trong dạy học, thường là những trường ở trung tâm thành phố. Những ngôi trường có máy chiếu trong lớp học được xem là niềm mơ ước của học sinh, giáo viên. Cả trường có khi chỉ có 1 máy chiếu, các khối lớp luân phiên đăng ký để học, nhất là được sử dụng trong những giờ chuyên đề, những buổi báo cáo để giới thiệu đến giáo viên trường bạn.
Việc dùng máy chiếu trong dạy và học khi đó chỉ dừng ở việc trình chiếu, thầy chiếu, trò chép. Thế nhưng, công nghệ khi đó cũng đã thổi được làn gió đầy mới mẻ vào trong giáo dục, và được coi là nền tảng cho những mạnh dạn tiên phong ứng dụng về công nghệ sau này.
Từ những năm 2017, khái niệm đổi mới giáo dục dần dần len vào rộng rãi hơn trong trường học, bắt nguồn từ những giáo viên có tư duy đổi mới, tiên phong, mạnh dạn. Bằng mong muốn đổi mới môn học, mang đến cho học sinh cách tiếp cận thu hút và hiệu quả hơn, những giáo viên này đã tự mình mày mò, tìm hiểu và ứng dụng những phương pháp dạy học tích cực. Đây cũng được xem là thời kỳ bùng nổ của các khóa dạy học tích cực, dạy học ứng dụng CNTT… và phủ sóng mạnh mẽ từ những năm 2018, đầu những năm 2020.
Rất nhiều giáo viên sẵn sàng bỏ tiền đăng ký tham gia vào các khóa học, ứng dụng công nghệ vào trong giảng dạy. Nhiều nhà trường cũng tạo điều kiện mời các chuyên gia dạy học tích cực, các chuyên gia về công nghệ để bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ của mình.
Cô Thùy Anh – giáo viên một trường THCS tại quận 5 kể lại, trước làn sóng của đổi mới phương pháp giảng dạy từ ứng dụng CNTT, giáo viên chỉ biết bảng đen, phấn trắng với những giáo án giấy như cô ban đầu cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhận thức được rằng nếu không chủ động chuyển mình thì sẽ bị tụt lùi, không thể đáp ứng được với dòng chảy của giáo dục hiện đại, do đó, cô đã tự tìm hiểu, đăng ký các lớp học CNTT, phương pháp dạy học tích cực và từng bước một ứng dụng trong bài giảng của mình.
“Những cộng đồng giáo viên sáng tạo, giáo viên dạy học trên nền tảng CNTT tại TP.HCM cũng dần hình thành, hỗ trợ lẫn nhau. Ngày đầu, khi mới ứng dụng vào bài dạy, giáo viên cũng gặp một số khó khăn từ trang thiết bị, quan điểm của cán bộ quản lý, năng lực của học sinh… Song, sự hào hứng đón nhận của học sinh và những chuyển biến tích cực về hiệu quả dạy học, đặc biệt là thích ứng với chủ trương đổi mới giáo dục ở Việt Nam đã từng bước thay đổi được nhận thức của cán bộ quản lý và đưa làn sóng đổi mới trở nên rộng rãi hơn, đi vào từng trường học, lớp học…” – cô Thùy Anh chia sẻ.

Diện mạo mới của các trường học ở TP.HCM đã thay đổi mạnh mẽ với CNTT, những lớp học, trường học phủ công nghệ đã dần hình thành. Từ năm 2020, khái niệm chuyển đổi số giáo dục, giáo dục số dần xuất hiện. TP.HCM bắt đầu tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số giáo dục cho đội ngũ, trang bị cho giáo viên năng lực số, xây dựng kho học liệu số, từ đó giúp giáo viên mạnh dạn, chủ động thiết kế bài giảng số làm phong phú bài giảng và tiết kiệm sức lao động.
“Hiện nay, chuyển đổi số giáo dục không còn xa lạ với mỗi nhà trường, giáo viên vì đã trở thành hoạt động song song với hoạt động giáo dục ở mỗi nhà trường. Với chuyển đổi số, giáo viên nhẹ nhàng hơn khi dạy học, học sinh cũng thích thú hơn. Các lớp học số dần hình thành một cách bài bản với thiết bị và giáo viên có năng lực. Học sinh đã có thể học với thiết bị, với sự dẫn dắt, hướng dẫn và quản lý của giáo viên. Một diện mạo hoàn toàn mới cho các lớp học so với những khái niệm lớp học trước đó” – cô Nguyễn Thị Tuyết Nga – Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, quận 11 nhìn nhận.
Lớp học không biên giới
Với làn sóng trí tuệ nhân tạo, giáo dục cũng không ngoại lệ. Các lớp học với những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo đã được giáo viên TP.HCM mạnh dạn đưa vào, mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho học sinh và mở rộng thêm không gian cho lớp học. Những lớp học không biên giới theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng lần đầu xuất hiện.
“Với CNTT, trí tuệ nhân tạo, học sinh, giáo viên ngồi từ lớp học có thể kết nối được với những vùng, miền văn hóa khác nhau trên thế giới, kết nối được với những bạn bè, trường học khác trên thế giới. Điều này không chỉ giúp các em có sự tương tác thực tế khi học, trang bị cho các em thêm kỹ năng, nâng cao năng lực học ngoại ngữ mà những giờ học thông thường không có được” – cô Trần Thị Hồng Thủy – Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa chia sẻ.
Theo Hiệu trưởng này, những lớp học không biên giới là sự chuyển đổi hiệu quả từ sự kết hợp giữa công nghệ và sự sáng tạo, mạnh dạn, chủ động của giáo viên trong môi trường giáo dục hiện đại.
“Hầu hết thầy cô đều tự nỗ lực để có thể sử dụng hiệu quả nhất ứng dụng CNTT và trí tuệ nhân tạo. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, mang đến những giờ học mới mẻ, sinh động…”.
Cô Trần Bé Hồng Hạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1 cho hay, các lớp học không biên giới hiện nay đã xuất hiện tại trường – là ứng dụng hiệu quả của chuyển đổi số giáo dục và sự thay đổi phương pháp dạy học của giáo viên – như thổi làn gió mới thay đổi phương pháp dạy và học của giáo viên nhà trường. Bằng cách tiếp cận này, học sinh được tham gia vào những giờ học đặc biệt, với giáo viên và học sinh nước ngoài. Các em được cùng học, cùng giao tiếp, trao đổi, chia sẻ với bạn bè quốc tế…
“Hiệu quả của ứng dụng CNTT trong giáo dục là đã tạo ra những diện mạo rất mới cho lớp học, trường học, thúc đẩy nỗ lực tự học, đổi mới sáng tạo của giáo viên. Chuyển đổi số giáo dục cũng thay đổi mô hình quản trị truyền thống của nhà trường, là nền tảng tạo ra trường học số…” – cô Trần Bé Hồng Hạnh nói.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)