Trong 2 năm 2022, 2023, UBND TP.HCM đã giao dự toán kinh phí để thực hiện công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT với 51 tỷ 225 triệu đồng.
TP.HCM phấn đấu mỗi trường có ít nhất một phòng học thông minh
Về công tác chuyển đổi số giáo dục TP sau 2 năm triển khai Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết năm 2022, UBND TP.HCM đã giao dự toán kinh phí để thực hiện công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT số tiền là 15 tỷ 766 triệu đồng. Năm 2023, dự toán kinh phí để thực hiện công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT được UBND TP giao là 35 tỷ 459 triệu đồng.
Với khối các quận, huyện và TP.Thủ Đức, trong dự toán ngân sách lĩnh vực sự nghiệp GD-ĐT hàng năm, UBND TP.HCM có bố trí kinh phí cho UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện để tổ chức thực hiện các hoạt động chung theo các chương trình, đề án của ngành giáo dục phát sinh trong năm. UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện sử dụng từ nguồn kinh phí bố trí trong dự toán sự nghiệp GD-ĐT được giao đầu năm để thực hiện công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT; chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng ngân sách theo dự toán được giao, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách.
Số lượng phòng máy trên địa bàn TP đạt 2.052 phòng với số lượng máy tính cấu hình đạt chuẩn đạt 12.312 bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng cho hoạt động quản lý và dạy học tại đơn vị.
100% cơ sở giáo dục hoàn thiện hạ tầng công nghệ cơ bản
Sau 2 năm thực hiện chuyển đổi số giáo dục, đến nay ngành giáo dục TP đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành với tỉ lệ trên 99% dữ liệu học sinh và trên 95% dữ liệu giáo viên được xác thực với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Xây dựng những cơ chế và giải pháp kỹ thuật đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu, cụ thể ở đây là phân quyền quản lý đến từng giáo viên, đơn vị; xác thực với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của Đề án 06/CP; chia sẻ dữ liệu đến các hệ thống chức năng khác để dữ liệu được tái sử dụng, được chủ thể dữ liệu so dò nhằm đảm bảo tính sống của dữ liệu. Cơ sở dữ liệu ngành là nền tảng cơ bản cho các giải pháp chuyển đổi số khác.
100% các cơ sở giáo dục hoàn thiện hạ tầng công nghệ cơ bản như internet tốc độ cao, phòng máy tính, các thiết bị được kết nối internet để triển khai hoạt động chuyển đổi số. 100% cơ sở giáo dục được trang bị hệ thống thông tin quản lý trường học, giải pháp thanh toán học phí không tiền mặt và các giải pháp khác được kết nối liên thông với trục liên thông của Sở GD-ĐT.
Bên cạnh việc triển khai hệ thống quản trị nhà trường đến 100% các cơ sở giáo dục, các dịch vụ hành chính và quản trị trực tuyến không chỉ phục vụ cho nhà trường, giáo viên, học sinh mà còn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào môi trường giáo dục. Trong năm 2023, ngành giáo dục TP đã triển khai 23 thủ tục hành chính trực tuyến trong đó 17 thủ tục đạt mức độ toàn trình, niêm yết 35 quy trình nội bộ trên cổng thông tin điện tử của sở, thực hiện quy trình tuyển sinh và chuyển trường trên môi trường trực tuyến.
Mỗi cơ sở giáo dục có ít nhất 1 phòng học thông minh, 1 phòng thí nghiệm thực hành hiện đại
Năm 2022, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 7-4-2022 về bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn, trong đó có dự án “Xây dựng hệ thống trường học thông minh cho Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Hiền, THPT Nguyễn Du”.
Sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng thư viện thông minh thuộc đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời tại TP.HCM giai đoạn 2021-2030” để hướng dẫn các cơ sở và các quận huyện triển khai thực hiện đề án; giao các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Quý Đôn, Nguyễn Du và Nguyễn Hiền thực hiện thí điểm thư viện thông minh, hiện đã có thư viện THPT chuyên Trần Đại Nghĩa hoàn thành, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã hoàn thành trình dự án gửi Sở GD-ĐT phê duyệt; TP.Thủ Đức và các quận, huyện đang xây dựng và triển khai các dự án thư viện thông minh, trung tâm thực hành thí nghiệm hiện đại tại một số trường THCS.
Để có cơ sở ban hành quy chuẩn và hướng dẫn phương án triển khai xây dựng các hệ thống phòng học tương tác thông minh, phòng thí nghiệm/thực hành (Lab) hiện đại, phòng Lab mô phỏng, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), công nghệ học máy, công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực nghiên cứu, thực hành; đảm bảo mỗi cơ sở giáo dục có ít nhất 1 phòng học tương tác thông minh, phòng thí nghiệm thực hành hiện đại, Sở GD-ĐT đã xây dựng dự thảo danh mục, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị cần thiết và phù hợp để trình cấp thẩm quyền phê duyệt danh mục chuyên dùng làm cơ sở thực hiện.
Sở đã triển khai công văn gửi các phòng GD-ĐT quận, huyện, TP.Thủ Đức đề nghị góp ý sửa đổi, bổ sung danh mục tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc thiết bị chuyên dùng lĩnh vực GD-ĐT; danh mục trang thiết bị chuyên dùng để trang bị cho phòng học thông minh và thư viện thông minh các cấp học. Sau tổng hợp ý kiến, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành gửi văn bản lấy ý kiến các sở, ngành và tham mưu UBND TP ban hành quyết định.
Cạnh đó, sở đã có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc rà soát hiện trạng; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện Đề án giáo dục thông minh; lập dự toán đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị hàng năm (phòng máy, phòng chức năng, phòng học tương tác thông minh, phòng thí nghiệm thực hành hiện đại, máy vi tính và các thiết bị tiên tiến hiện đại) theo yêu cầu chuyển đổi số ngành GD-ĐT và Đề án giáo dục thông minh giai đoạn 2021-2030, trong đó ưu tiên chủ động cân đối dự toán được giao hàng năm của đơn vị để thực hiện.
Khương Yến
Bình luận (0)