Chuyển đổi số giáo dục được TP.HCM xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới cải cách hành chính, tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố.
Sĩ số học sinh, đội ngũ giáo viên lớn là thách thức cho TP.HCM khi chuyển đổi số
TP.HCM đặt ra 3 mục tiêu lớn về chuyển đổi số: Xây dựng hệ thống học tập bất đồng bộ và kho học liệu mở; Sử dụng AI để phân tích trên nền Big Data; Ứng dụng blockchain trong quản lý, xác thực và liên thông điểm số, văn bằng.
Cần thêm hành lang pháp lý
Tại Trường THPT Tenlơman (quận 1), chuyển đổi số được thể hiện qua việc sử dụng một số phần mềm, như đăng trên cổng thông tin điện tử của trường; quản lý điểm, mã định danh học sinh, giáo viên, phần mềm quản lý nhân sự; phần mềm quản lý thi THPT; phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên; truyền đạt thông tin đến cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh qua web trường, Zalo…
Việc giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh chỉ dừng ở mức ứng dụng một số công cụ CNTT để giảng dạy thông qua máy chiếu; ứng dụng một số phần mềm miễn phí để giao bài, nhiệm vụ học tập cho học sinh như Facebook, Zalo, Azota, Vietschool, giáo viên chủ động các ứng dụng bản thân quen thuộc hoàn thiện nhiệm vụ học tập.
Đại diện nhà trường nêu rõ, có 3 vấn đề lớn cần tập trung đầu tư trong chuyển đổi số giáo dục, đó là: trang bị cơ sở vật chất phù hợp cho nhà trường, hệ thống giáo dục; chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi số cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh; phương pháp, cách thức chuyển đổi số trong quản lý nhà trường, chuyển đổi số trong dạy học, kiểm tra, đánh giá.
Từ thực tiễn từ năm 2019 trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 buộc ngành giáo dục phải chuyển đổi trạng thái dạy và học trên môi trường internet, các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận 1 đã mạnh dạn xây dựng các giải pháp chuyển đổi số trong dạy học và kiểm tra đánh giá cho học sinh trên địa bàn quận.
Bà Lê Thị Bình – Trưởng phòng GD-ĐT quận 1 thông tin, đến nay, các trường được trang bị tương đối đầy đủ gồm cả nền tảng về công nghệ và học liệu. Ngành GD-ĐT quận đã triển khai số hóa, số hóa và định danh dữ liệu của 42 trường trên toàn quận, trên 2.440 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và 32.556 học sinh. 100% các trường sử dụng phần mềm quản lý trường học, sổ điểm điện tử, phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm quản lý tài chính, nhận được sự quan tâm và phối hợp đồng hành của phụ huynh trong giáo dục học sinh.
Theo bà Bình, để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong dạy học và kiểm tra đánh giá, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục, tạo sự đồng thuận, phối hợp gia đình – nhà trường – xã hội. Song song, thực hiện bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện chuyển đổi số trong dạy và học cho cán bộ quản lý, giáo viên. Xây dựng kho học liệu số. Kiểm tra đánh giá học sinh trong dạy học trên môi trường internet. Kiểm tra, hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong tổ chức dạy học trực tuyến. Đặc biệt là thiết kế các hội thi để đội ngũ ứng dụng, nâng cao chuyên môn và khen thưởng động viên kịp thời…
Bà Bình nêu dẫn chứng, nếu như năm 2019-2020, cấp tiểu học thực hiện 13.659 tiết dạy trực tuyến với 1.247.245 lượt phụ huynh và 1.554.436 lượt học sinh tương tác; THCS thực hiện 32.761 tiết học trực tuyến, thu hút 27.536 lượt học sinh tham gia thì đến năm học 2021-2022, bậc tiểu học đã thực hiện 165.499 tiết dạy trực tuyến, 1.429 tiết học tốt online, 389 tiết ghi hình dạy học trên truyền hình đối với lớp 1, 2; THCS thực hiện 96.464 tiết dạy online. 100% các trường đã xây dựng và sử dụng kho học liệu số toàn ngàn, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung của Sở GD-ĐT…
Dù vậy, ngành giáo dục đào tạo quận 1 kiến nghị việc thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số cần hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin. Việc triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất, tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, gia đình, giáo viên, học sinh. Phát triển các khóa học trực tuyến mở, triển khai hệ thống học trực tuyến dùng chung toàn ngành phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên…
Chuyển đổi số là động lực nâng cao chất lượng giáo dục
TS. Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp quan trọng hàng đầu trong đổi mới cải cách hành chính, tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố.
Những năm qua, công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục mạnh mẽ và đem lại những thành tựu bước đầu. Một trong những thành tựu lớn của việc chuyển đổi số là tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp, việc học tập trên nền tảng số giúp giáo viên và học sinh tương tác và trao đổi với nhau dễ dàng, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 xảy ra. Tính đến hết năm học 2021-2022, ngành giáo dục TP.HCM đã xây dựng hoàn thành cơ sở dữ liệu dùng chung, quản lý 2.387/2.387 đơn vị, bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Trong năm học vừa qua, ngành giáo dục TP.HCM đã sử dụng thí điểm 12 phần mềm dạy học trực tuyến đáp ứng theo yêu cầu dạy học và sử dụng dữ liệu dùng chung của thành phố, phối hợp với Trung tâm CNTT tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM để xây dựng bản đồ địa lý thông minh…
“Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại, là giải pháp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng ngành giáo dục, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, ngành giáo dục xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đào tạo kỹ năng số, nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên; tập trung các nguồn lực đầu tư hạ tầng đáp ứng nhu cầu quản lý CNTT tại các cơ sở. Chuyển đổi số giúp giảm áp lực cho cả giáo viên, học sinh, hỗ trợ quản lý giáo dục tốt hơn” – TS. Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
ThS. Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận, khó khăn và thách thức lớn nhất của TP.HCM khi thực hiện chuyển đổi số giáo dục là số lượng học sinh trên 1,7 triệu, khoảng 100.000 giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý nên việc triển khai các hệ thống, phần mềm rất phức tạp; nguồn lực CNTT của trường học còn rất hạn chế. Trong năm học 2021-2022, dù sở đã xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành giáo dục song để khai thác dữ liệu vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Dữ liệu chưa thật sự đầy đủ, mức độ chuẩn hóa dữ liệu đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến 2030, ngành giáo dục TP.HCM đặt ra 3 mục tiêu lớn về chuyển đổi số: Xây dựng hệ thống học tập bất đồng bộ và kho học liệu mở làm nền tảng cho xây dựng xã hội học tập; Sử dụng AI để phân tích trên nền Big Data cho những đánh giá, định hướng tổng quát, chính xác hơn; Ứng dụng blockchain trong quản lý, xác thực và liên thông điểm số, văn bằng. “TP.HCM sẽ tập trung các giải pháp nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu gốc – Master Data của toàn ngành trên cơ sở đồng bộ cơ sở dữ liệu của các hệ thống nhằm khắc phục tình trạng cơ sở dữ liệu rời rạc, thiếu tập trung. Từng bước liên thông kết nối, chuyển giao dữ liệu giữa các cấp học, đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, an toàn….” – ThS. Nguyễn Bảo Quốc thông tin.
Khương Yến
Bình luận (0)