Tháng 6-2023 UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là giải pháp để nâng cao chất lượng GDNN, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Văn Thinh kỳ vọng chuyển đổi số sẽ tạo ra lực lượng nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp đáp ứng thị trường lao động
Bên thềm xuân Giáp Thìn 2024, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Văn Thinh cho biết, thời gian qua, sở đã nỗ lực triển khai chương trình CĐS trong GDNN trên địa bàn TP.HCM qua nhiều hành động. Cụ thể, đã xây dựng Cổng thông tin điện tử GDNN TP.HCM tại địa chỉ: https://gdnn.tphcm.gov.vn nhằm kịp thời đăng tải các thông tin hoạt động GDNN trên môi trường internet, thông tin về hoạt động gắn kết với doanh nghiệp, chính sách gắn kết với doanh nghiệp, hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan Trung ương, cung cấp dữ liệu về nhu cầu lao động của doanh nghiệp và năng lực các cơ sở GDNN chất lượng cao… Ngoài ra, còn xây dựng hệ thống thông tin, tạo lập cơ sở dữ liệu các cơ sở GDNN tại địa chỉ https://gdnn.tphcm.gov.vn/admin theo dõi, quản lý thống kê số liệu đội ngũ nhà giáo, công tác phân tích số liệu tuyển sinh, tốt nghiệp theo từng ngành nghề của các cơ sở góp phần thực hiện tốt công tác báo cáo số liệu GDNN, giảm thời gian tổng hợp báo cáo số liệu hàng tháng, quý, năm để báo cáo Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH. Sở cũng chỉ đạo các cơ sở GDNN ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tuyển sinh, dạy học, thông tin người học, thông tin đội ngũ…
+ Phóng viên: Thưa ông, yếu tố quan trọng trong CĐS là đội ngũ nhà giáo. Vậy đội ngũ nhà giáo phải thay đổi như thế nào mới có thể ứng dụng tốt công nghệ số?
Các cơ sở GDNN cần nâng cao năng lực kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo. Cùng với đó, tự bản thân mỗi thầy cô giáo cần phải thay đổi nhận thức, xem CĐS là yếu tố then chốt, tiên quyết trong công tác nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Từ đó, thay đổi thói quen sử dụng các phương pháp sư phạm truyền thống sang tổ chức giảng dạy có áp dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh việc được các cơ sở GDNN tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về năng lực kỹ năng số, mỗi thầy cô cũng cần phải luôn tìm hiểu, cập nhật các thành tựu của sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nghiên cứu, sử dụng các phần mềm mới để làm sinh động bài giảng, đồng thời đăng tải trực tuyến các bài giảng, tài liệu nghiên cứu để người học có thể nghiên cứu, học tập mọi lúc, mọi nơi. Cuối cùng, ngoài các kỹ năng về sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy, các thầy cô giáo cũng cần tìm hiểu thêm các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ thực tế ảo (VR) để thiết kế, chế tạo đồ dùng dạy học, làm phong phú hơn các thiết bị đào tạo của đơn vị, qua đó cũng giúp cho người học tiếp cận các thành tựu khoa học kỹ thuật, không bỡ ngỡ khi tham gia thị trường lao động.
+ Ngày nay, thị trường lao động không chỉ cần nguồn lao động có tri thức mà còn đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Vậy các cơ sở GDNN phải đào tạo như thế nào để đáp ứng nhu cầu này, tránh tình trạng người học ra trường bị thất nghiệp, thưa ông?
Để giúp người học GDNN sau tốt nghiệp có việc làm và không bị thất nghiệp thì cần phải có sự chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN, chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm, đổi mới công tác giới thiệu việc làm với nhiều hình thức để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu việc làm. Bên cạnh đó, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng thường xuyên công bố thông tin về tình hình lao động, nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu tìm việc ở các ngành nghề, trình độ đào tạo. Đây là thông tin hữu ích để các cơ sở GDNN tham khảo và xây dựng kế hoạch đào tạo tại đơn vị. Đối với các cơ sở GDNN, ngoài việc đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề thì việc gắn kết thường xuyên với các doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo cũng tạo cho các đơn vị có điều kiện nghiên cứu, cập nhật, bổ sung chương trình đào tạo, qua đó, lực lượng học sinh, sinh viên sau đào tạo GDNN sẽ đáp ứng được các yêu cầu tuyển dụng.
Để không bị thất nghiệp mỗi cá nhân người học phải luôn hoàn thiện chính mình
+ Nhiều lao động sau khi tốt nghiệp GDNN có xu hướng dịch chuyển lao động sang nước ngoài để hội nhập toàn cầu. Vậy các cơ sở GDNN cũng như sinh viên cần phải thay đổi như thế nào để đáp ứng thị trường lao động mang tính quốc tế, thưa ông?
Hội nhập quốc tế là điều tất yếu trong tất cả hoạt động của xã hội và trong đó không thể thiếu lĩnh vực GDNN. Để nguồn nhân lực sau tốt nghiệp các trình độ GDNN có thể hội nhập vào thị trường lao động quốc tế, đòi hỏi các cơ sở GDNN phải quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Một là, các cơ sở cần chủ động tìm hiểu các chuẩn kỹ năng nghề mới, các yêu cầu kỹ thuật đối với từng kỹ năng nghề được tổ chức World Skill công bố. Đây là những kỹ năng nghề được các nước trên thế giới công nhận nên khi nghiên cứu, vận dụng đưa vào các chương trình đào tạo nghề tại đơn vị sẽ giúp cho người học sau tốt nghiệp có khả năng cạnh tranh với nguồn nhân lực của các nước khác tại thị trường lao động trong nước hoặc tham gia lao động tại nước ngoài. Hai là, công tác hợp tác, giao lưu quốc tế cũng cần các cơ sở GDNN tăng cường thực hiện. Thông qua các hoạt động như giao lưu văn hóa, trao đổi sinh viên, trải nghiệm thực tế giữa cơ sở GDNN trong nước với các cơ sở GDNN quốc tế cũng là điều kiện của người học tại các đơn vị có cơ hội làm quen, trải nghiệm và mạnh dạn hơn trong giao tiếp, làm việc với người nước ngoài. Ba là, sinh viên học sinh vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong công tác này, các em phải rèn luyện năng lực ngoại ngữ thật tốt bên cạnh học tập và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp…
+ Cuối cùng, ông kỳ vọng gì đối với lĩnh vực GDNN thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai?
Trong lĩnh vực GDNN của TP.HCM trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tham mưu cho Thành ủy, UBND TP các giải pháp đồng bộ để đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra và các chỉ tiêu thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, đến năm 2025, tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo có chứng chỉ, chứng nhận đạt 87%; thu hút 45-50% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống GDNN; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 35% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng đặt mục tiêu có khoảng 60% lực lượng lao động được đào tạo lại, đào tạo thường xuyên; khoảng 70% các cơ sở GDNN đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; khoảng 10 trường chất lượng cao; 100% nhà giáo đạt chuẩn; 100% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý – quản trị hiện đại; 100% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia; và 100% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm được kiểm định chất lượng. Việc hoàn thành các chỉ tiêu trên, đòi hỏi các cơ sở GDNN phải thật sự năng động, sáng tạo, phát huy tối đa lợi thế mang lại từ công tác CĐS, tích cực thực hiện việc hợp tác với doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo. Ngoài ra, công tác kiểm định chất lượng nhất là kiểm định chất lượng do các tổ chức quốc tế thực hiện cần phải được các cơ sở GDNN tăng cường thực hiện. Sự thừa nhận của các tổ chức kiểm định quốc tế và sự chấp nhận của thị trường lao động đối với nguồn nhân lực sau đào tạo GDNN sẽ là những minh chứng hữu hiệu nhất đối với thành công của lĩnh vực GDNN TP.HCM nói chung và sự khẳng định giá trị thương hiệu của các cơ sở GDNN nói riêng.
+ Xin chân thành cảm ơn ông!
Hồ Trinh thực hiện
Bình luận (0)