Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chuyển đổi số trong báo chí là kế hoạch chung của cả thành phố

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 25-6, Sở Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức sự kiện Kết nối sáng tạo tháng 6 với chủ đề “Nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số phục vụ ngành báo chí”.


Ông Nguyễn Minh Hải (Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM)

Trong giai đoạn hiện nay, báo chí TP đang gặp rất nhiều khó khăn do nhiều tác động. Đó là việc cạnh tranh quyết liệt giữa báo chí và mạng xã hội khi thông tin trên mạng xã hội ngày càng đa dạng, phong phú, nhanh chóng. Xu hướng sụt giảm của báo in và thay đổi cách đọc truyền thống gần như không thể thay đổi được và có chiều hướng ngày càng bị ảnh hưởng sâu rộng. Các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động báo chí đến nay vẫn còn rõ nét ở nhiều mặt, trong đó có một số mặt báo chí bị ảnh hưởng gián tiếp do tình hình kinh tế – xã hội nói chung.

Chuyển đổi số báo chí là xu hướng tất yếu của hoạt động báo chí trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, báo chí TP.HCM nói riêng và báo chí cả nước nói chung đã từng bước chuyển đổi số, đã tạo nên nét sáng tạo và dần thích nghi với bối cảnh mới. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế do thiếu một sự định hướng, dẫn dắt và hỗ trợ mang tính quốc gia, để có thể thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả.


Ông Nguyễn Văn Khanh (Phó Giám Đốc Trung Tâm Báo chí TP.HCM)

Ông Nguyễn Văn Khanh (Phó Giám đốc Trung Tâm Báo chí TP) cho biết: “Các nền tảng nội dung xuyên biên giới (Facebook, Google, Youtube…) hiện nay đang làm cho báo chí trong nước mất dần nguồn thu và giảm tầm ảnh hưởng của báo chí về mặt thông tin, mất nguồn thu cũng chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều cơ quan báo chí phải chạy theo lượng truy cập (view), khiến cho chất lượng nội dung sa sút”.

Các cơ quan báo chí cần tiếp tục nâng cao nhận thức và sự am hiểu về công nghệ số trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số báo chí đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh những tổ chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong quá trình chuyển đổi số báo chí để chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa, nhân rộng.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật. Đối với những vấn đề có thể chủ động ở địa phương, trên tinh thần Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, TP sẽ chủ động điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới. TP cũng đề xuất Trung ương và Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về báo chí nói chung và vấn đề chuyển đổi số báo chí nói riêng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí.


Quang cảnh sự kiện

Các cơ quan báo chí phải tiếp tục chủ động phát triển các sản phẩm số theo xu hướng hiện đại, bám sát nhu cầu thực tiễn của công chúng, quan tâm thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với công chúng, nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn; tiếp tục phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của công chúng; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng công chúng.

Các cơ quan báo chí cần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thông tin, truyền thông, lãnh đạo các cơ quan báo chí về kỹ năng cơ bản cho chuyển đổi số nói chung và đối với báo chí; tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, an toàn, an ninh mạng, thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ đổi mới sản xuất, phân phối nội dung và giám sát, đánh giá chất lượng thông tin. Việc tăng cường nghiên cứu, đúc kết các kinh nghiệm về chuyển đổi số cũng sẽ giúp cho cơ quan báo chí định hình các mô hình hoạt động tối ưu.

Ngoài ra, cần tăng cường học hỏi kinh nghiệm, hợp tác trong nước và quốc tế có nền báo chí số phát triển mạnh. Đồng thời, thực hiện việc hợp tác, trao đổi, học tập kinh nghiệm các cơ quan báo chí đã chuyển đổi số thành công của các tỉnh, TP  trong nước và quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh. Song song đó, thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số báo chí.

Trong điều kiện cụ thể của TP.HCM cần thiết phải có chủ trương và kế hoạch cụ thể của cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí – truyền thông TP  cùng sự hỗ trợ về mặt tài chính. Hiện thành phố đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM trực thuộc Ủy ban nhân dân TP trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông. Trung tâm này trực thuộc UBND TP sẽ tham gia tích cực vào việc hỗ trợ Sở Thông tin và Truyền thông thành phố trong công tác chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí. Đồng thời, để công tác chuyển đổi số được thực hiện một cách chủ động và đồng bộ cần thành lập một thiết chế có vai trò như ban chỉ đạo chuyển đổi số báo chí để định hướng, quản lý, thúc đẩy và kiểm soát quá trình chuyển đổi số của cơ quan báo chí TP.

Cần có giải pháp xây dựng các “hệ thống dùng chung” hoặc “giải pháp dùng chung” cho các cơ quan báo chí, như cơ sở hạ tầng kỹ thật, cơ sở dữ liệu, nguồn lực con người, nguồn vốn…, thay vì để từng cơ quan thực hiện rời rạc, manh mún vừa khó thực hiện do không đủ nguồn lực vừa lãng phí.

Thủy Phạm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)