Để thực hiện thành công chuyển đổi số (CĐS) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), bên cạnh nâng cao nhận thức thì quá trình này cần cả sự nỗ lực từ các cơ sở GDNN, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp.
Theo các nhà quản lý giáo dục, CĐS trong các cơ sở GDNN là một quá trình tất yếu giúp, không chỉ giúp các cơ sở này tồn tại mà còn phát triển bền vững trong thời đại công nghệ số, nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng cạnh tranh của sinh viên trên thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Còn nhiều thách thức
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.Hà Nội, hiện nay Hà Nội có 313 cơ sở cơ sở GDNN, mỗi năm tuyển sinh khoảng 250.000 lượt học sinh, sinh viên các trình độ. Những năm vừa qua, nhiều dự án và nội dung đầu tư của các cơ sở GDNN cũng đã CĐS. Một số các cơ sở đã bắt đầu thực hiện CĐS và xem đây là việc then chốt, thực hiện với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu triển khai đến áp dụng.
Các cơ sở GDNN đã tích cực áp dụng công nghệ thông tin (CNTT), nâng cao năng lực giảng dạy, đẩy mạnh công tác đào tạo cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý về kỹ năng số. Một số cơ sở đã đang triển khai đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng từ đó từng bước xây dựng học liệu số.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì công tác CĐS trong các cơ sở GDNN còn một số hạn chế. “Triển khai hiệu quả CĐS sẽ giúp nâng cao chất lượng GDNN, thu hút học sinh và góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Nhưng thách thức CĐS trong GDNN hiện nay phải kể đến thiếu nguồn lực về tài chính, con người và kỹ thuật để triển khai hiệu quả. Mặt khác, khả năng tiếp cận công nghệ của một số cơ sở GDNN còn hạn chế”, TS. Vũ Nguyên Thức – Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.
Bà Lê Thu Trà – Phó Trưởng phòng GNNN, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.Hà Nội, chia sẻ hiện có rất ít cơ sở GDNN trên địa bàn triển khai được chuẩn đầu ra chương trình đào tạo tích hợp năng lực số. Mặt khác, việc xây dựng phát triển hạ tầng và nền tảng học liệu số triển khai rất chậm, đặc biệt là CĐS trong công tác quản lý và số hóa quá trình đào tạo chưa triển khai được nhiều. Bên cạnh đó, thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, mỗi cơ sở đào tạo cũng là thách thức. “Vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa sẵn sàng kết nối ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Trong khi đó, để CĐS trong GDNN được thành công thì yếu tố quan trọng là đội ngũ giáo viên trực tiếp tham gia đào tạo phải có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ”, bà Trà nói.
Nhấn mạnh thêm, ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho rằng nhận thức là nguyên nhân cơ bản làm cho CĐS trong hệ thống GDNN chưa đạt được như kỳ vọng. Đây là việc khó, bị tác động bởi nhiều yếu tố về thể chế, định mức kinh tế, kỹ thuật, nguồn lực, trình độ nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp. Do đó, cần nâng cao được nhận thức một cách đồng bộ trong hệ thống về CĐS từ quan quản lý, hiệu trưởng, trưởng khoa, nhất là các nhà giáo. “Trước sự phát triển của robot, trí tuệ nhân tạo nếu tận dụng được sẽ thay thế được công sức của giáo viên. Điều này đòi hỏi giáo viên phải thay đổi vai trò từ giảng dạy sang tư vấn, biến người học từ tiếp thu kiến thức sang tự học, tự nghiên cứu”, ông Bình cho hay.
Phó Trưởng phòng GNNN, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.Hà Nội Lê Thu Trà nhấn mạnh đẩy mạnh thực hiện CĐS không chỉ giúp các cơ sở GDNN tồn tại mà còn phát triển bền vững trong thời đại công nghệ số. Để thực hiện thành công quá trình này cần sự nỗ lực đồng bộ từ các cơ sở GDNN, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Bà cho rằng cần hoàn thiện cơ chế chính sách về CĐS trong GDNN, các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức chi trả cho hoạt động phát sinh mới khi thay đổi trên môi trường không gian số. Đồng thời, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu ứng dụng triển khai và yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu của các cơ sở giáo dục. Đầu tư thiết bị số, các thiết bị thực tập, phòng thí nghiệm. Nâng cấp hạ tầng mạng, hệ thống an toàn thông tin thiết bị ngoại vi, tăng cường hỗ trợ thiết bị số và chi phí vận hành cho người học thông qua chương trình giảm giá… |
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là câu chuyện bắt buộc phải làm
Các nhà quản lý giáo dục nhấn mạnh GDNN cần phải nhanh chóng đổi mới để đào tạo gắn với thị trường lao động, đặc biệt với những ngành nghề mới nổi như bán dẫn, kinh tế tuần hoàn. Phải đẩy nhanh CĐS trong tiến trình đào tạo, phát triển các phương thức đào tạo mới, các nền tảng dạy học trực tuyến mở, học liệu mở.
TS.Nguyễn Nhật Quang – Viện trưởng Viện khoa học Công nghệ VINASA cho rằng, CĐS trong GDNN không chỉ là câu chuyện mua sắm máy tính, phần mềm mà phải có hệ sinh thái đổi mới nội dung đào tạo. Ngay cả danh mục các ngành nghề, chuẩn đầu ra các ngành nghề cần phải được cập nhật, bởi hiện nay bán dẫn còn chưa có mã ngành thì không tể đào tạo. Tất cả những câu chuyện này là nội dung đào tạo phải làm và phải thay đổi.
“Trước đây chúng ta nhận thức tầm quan trọng của CĐS nhưng vẫn cho rằng CĐS như phương tiện, phương thức để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo. Còn bây giờ phải hiểu phương thức đào tạo trên môi trường số là một cách làm mới hoàn toàn.
Mặt khác, đi vào những ngành công nghiệp 4.0 phải có nhân lực 4.0. Nguồn nhân lực này không chỉ là câu chuyện của giáo dục đại học, không có một ngành công nghiệp nào chỉ toàn kỹ sư mà phải có các kỹ sư thực hành, kỹ thuật viên, đội ngũ công nhân kỹ thuật. Do đó, CĐS GDNN là cứu cánh, là câu chuyện bắt buộc phải làm, phải nhìn là phương thức mới”, ông Quang nhấn mạnh.
Xác định thể chế vẫn đi trước một bước nên Tổng cục GDNN đang tiếp tục rà soát các thể chế liên quan đến việc làm sao ứng dụng CNTT vào trong GDNN. Ông Phạm Ngọc Vũ – Văn phòng Tổng cục GDNN thông tin thêm, Tổng cục GDNN và các tổ chức, chuyên gia đã triển khai một số hoạt động, trong đó có xây dựng tiêu chuẩn trường học số, trường học thông minh. Tổng cục cũng đã xây dựng những phiên bản sắp tới ban hành để các trường có thể tham khảo, áp dụng.
“Trong nguồn lực hiện nay, từng trường có thể có những cách tiếp cận khác nhau việc CĐS. Cần xem đâu là thế mạnh của từng trường từ đó ưu tiên trong từng giai đoạn để tập trung đẩy mạnh hoạt động CĐS. Tổng cục GDNN cũng đang xây dựng thông tư về quy định cơ sở dữ liệu trong GDNN. Những thể chế hóa hiện nay Tổng cục GDNN đang triển khai để thời gian tới áp dụng, thúc đẩy nhanh hơn nữa hoạt động CĐS trong GDNN, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của đất nước”, ông Vũ nói.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)