Nhiều cán bộ quản lý GD nhận định, chuyển đổi số (CĐS) trong GD là việc rất cần thiết trong bối cảnh cách mạng công nghệ lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đây được xem là giải pháp ứng dụng công nghệ vào GD-ĐT, đáp ứng nhu cầu học mọi lúc, mọi nơi và công tác quản lý.
Học sinh Trường THCS Lương Định Của (Q.2) học âm nhạc qua thiết bị công nghệ
Hiệu trưởng là người quyết định
Theo ông Trương Minh Huy Vũ – Giám đốc Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM, yếu tố quyết định thành công nhất của CĐS chính là giáo viên (GV). Công nghệ thông tin (CNTT) là công cụ, từng GV sẽ thấy cái hay, cái dở trong bài giảng, quản lý, trong cách tương tác với HS, phụ huynh để định hình phong cách giảng dạy.
Còn cô Vũ Thị Minh Hiếu – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của (Q.2) – thì cho rằng, thực hiện CĐS quan trọng là lãnh đạo nhà trường phải đi đầu để GV tiếp nối. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, lãnh đạo nhà trường quyết tâm làm, có định hướng thì GV sẽ cố gắng làm tốt ứng dụng công nghệ vào dạy học, quản lý.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT – cũng cho biết, CĐS trong GD phải từ hiệu trưởng nhà trường. Hiệu trưởng là người quyết định về việc trường mình thực hiện như thế nào. Nếu có sự đổi thay, chuyển đổi từ các nhà quản lý thì trường học mới thay đổi được.
“Các cơ sở GD đang hưởng lợi rất nhiều từ sự nỗ lực nghiên cứu, phát triển công nghệ của các doanh nghiệp, đơn vị. GD đã chuyển đổi nhưng chưa đạt được các yêu cầu như mong đợi. Vì thế mỗi cán bộ quản lý, hiệu trưởng cần bắt tay ngay vào xây dựng nền tảng công nghệ tại đơn vị mình. Không được phép cản trở sự phát triển này. Chúng ta mong đợi công nghệ phát triển đến mức nào thì phải sử dụng công nghệ ở mức đó. Nhà trường có thể hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị công nghệ có giải pháp hay, phù hợp, miễn sao đáp ứng yêu cầu của Sở GD-ĐT phải có hệ thống ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học là được”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Nên làm từng bước
Thầy Ngô Thành Nam – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Nguyên (Q.9) – chia sẻ, điều kiện phải có để thực hiện CĐS là cơ sở vật chất và đội ngũ. Hiện nay, nhiều trường học có cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại; GV được tiếp cận công nghệ khá nhiều nhưng mặt bằng chung lại chưa đồng đều. Vẫn còn trường nhỏ, trường vùng ven chưa có nhiều điều kiện cơ sở vật chất. Nhiều GV chưa tiếp cận được, chưa tập huấn CNTT, đặc biệt những GV lớn tuổi thực hiện CĐS sẽ gặp khó khăn.
“Cơ sở vật chất là yếu tố gần như cốt lõi để CĐS thành công. Nếu trường học không có điều kiện thì GV cũng khó thực hiện chuyển đổi. Cần có sự quan tâm trang bị, nâng cấp cơ sở vật chất cho những nơi chưa đủ điều kiện; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV để họ sẵn sàng thực hiện. Mặt khác, GV vẫn đang trong tâm thế làm theo những gì có sẵn nhiều hơn, chưa bước ra khỏi vùng an toàn cho nên cần có khuyến khích, thậm chí chế tài để GV phải nhận định cho dù có khó cũng phải làm được”, thầy Nam nói.
Cũng theo thầy Nam, nên thí điểm CĐS ở đơn vị đã sẵn sàng, họ sẽ làm thành công hơn. Từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm để các trường khác học hỏi. CĐS bắt buộc phải qua ba bước. Đầu tiên là số hóa các tài liệu dạy học, quản lý. Thứ hai là vận dụng số hóa sau đó mới làm một cách toàn diện. Làm từng bước sẽ giúp cho quá trình CĐS dễ dàng thành công. Cách làm này cũng phù hợp với những trường còn một số khó khăn nhất định.
CHUYỂN ĐỔI SỐ GIÚP HS NGÀY CÀNG TỰ CHỦ HƠN Thầy Cao Đức Khoa – Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1) – cho biết: “Từ một số giải pháp dạy học trực tuyến cho thấy HS có thể tự truy cập, tìm hiểu những kiến thức mà các em học trong bài học. Từ những kiến thức có sẵn trên các phần mềm, HS tự nghiên cứu, mở rộng kiến thức. Như vậy, CĐS sẽ giúp HS ngày càng tự chủ hơn trong học tập”. |
CĐS còn liên quan đến HS, phụ huynh HS. HS là đối tượng hưởng lợi, không đáng lo vì lớp 3 các em đã được học tin học. Tuy nhiên, những phụ huynh ở trường CĐS mức độ cao, đòi hỏi con em phải có thiết bị công nghệ thì có thể gặp khó khăn khi mua sắm, cho nên cũng phải tính cả đối tượng này.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM – cho rằng, thuận lợi của TP.HCM chính là GV và HS đều có thể đáp ứng được yêu cầu ứng dụng CNTT trong CĐS. Về quản lý ngành, đã xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung, giúp cho việc CĐS thời gian tới đạt hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn phải nói đến hạn chế lớn nhất chính là đội ngũ. Công việc thầy cô còn nhiều, năng lực ứng dụng CNTT để đáp ứng yêu cầu CĐS chưa đồng đều.
“Sắp tới, Sở GD-ĐT sẽ có những chương trình tập huấn, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT trong dạy học cho GV. Việc triển khai CĐS sẽ thực hiện đại trà nhưng trên tinh thần tự nguyện. Sở GD-ĐT luôn mở rộng cánh cửa và giao quyền tự chủ cho các đơn vị trong lựa chọn giải pháp sao cho phù hợp nhất với nhu cầu quản lý cũng như dạy học”, ông Tuấn nói.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Bình luận (0)