Nhằm nâng cao năng lực y tế xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ), tháng 11-2022, Sở Y tế TP.HCM đã “khởi động” bằng việc trang bị máy chụp X-quang tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và đưa bác sĩ trẻ tình nguyện luân phiên chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi đây. Theo đó, dù cách trung tâm TP.HCM khoảng 60km, gần 5.000 người dân xã đảo vẫn được chăm sóc y tế một cách tốt nhất…
Bác sĩ Nguyễn Văn Chiến sử dụng máy X-quang kỹ thuật số chụp X-quang phổi cho người bệnh
Người dân bớt vất vả vào đất liền khám bệnh
Chúng tôi có mặt tại Trạm y tế xã đảo Thạnh An vào một ngày cuối năm 2022. Tuy đã gần hết giờ làm buổi sáng nhưng ở đây vẫn có một số người dân đến khám bệnh và lấy thuốc. Trong lúc chờ bác sĩ, chị Nguyễn Thị Thủy (người dân xã đảo) cho biết: “Nhân viên y tế, bác sĩ ở trạm tận tình trong thăm khám, hỏi han bệnh nhân nên bà con rất yên tâm khi ốm đau bệnh tật. Từ khi nghe tin trạm được trang bị một máy chụp X-quang hiện đại, ai cũng vui mừng và đến khám bệnh nhiều hơn. Bà con cũng hạn chế vào đất liền khám chữa bệnh, bớt vất vả phần nào. Trước đây, mỗi lần vào đất liền khám bệnh mất 1 đến 2 ngày. Chúng tôi phải tranh thủ đi chuyến tàu sớm nhất lúc 6 giờ 30 sáng, đón thêm 2 chuyến xe buýt mới tới bệnh viện. Không ít lần chờ đợi đến lượt khám mất nhiều thời gian khiến chúng tôi không kịp chuyến tàu cuối cùng trở về đảo vào lúc 5 giờ chiều buộc phải thuê phòng trọ ngủ lại đất liền. Những ngày mưa gió, giông bão mà chẳng may bệnh nặng thì còn vất vả nhiều. Giờ đây, trạm y tế đã được trang bị máy móc hiện đại, có nhiều bác sĩ ở thành phố về, chúng tôi bớt lo cảnh tất tả rời đảo vào đất liền khám bệnh”.
Trạm y tế xã đảo Thạnh An có 7 người, trong đó có 1 bác sĩ là trạm trưởng. Thời gian đầu, các phương tiện khám chữa bệnh tại đây rất đơn sơ, chỉ có mấy cái ống nghe huyết áp, nhiệt kế. Theo thời gian, trang thiết bị ở đây ngày càng hiện đại hơn, có máy đo điện tim, máy siêu âm, máy huyết học giúp bác sĩ chẩn đoán, tiên lượng bệnh tốt hơn. Đặc biệt, tháng 11-2022, trạm y tế đã được trang bị máy X-quang kỹ thuật số tích hợp ứng dụng AI hỗ trợ chẩn đoán X-quang lồng ngực. Đây là một bước nâng cao năng lực y tế ở nơi xa nhất của TP. Đáng nói, đây là lần đầu ở Việt Nam triển khai máy chụp di động tích hợp AI đang chiếm lĩnh trên thị trường thế giới.
“Ngay sau chụp khoảng 10 giây, chúng tôi sẽ nhận được kết quả chi tiết các tổn thương phổi trên phim X-quang nhờ AI. Qua kết nối hệ thống PACs, chúng tôi chuyển tiếp hình ảnh X-quang phổi vừa chụp để xin ý kiến tư vấn của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại các bệnh viện tuyến cuối của TP; từ đó nhận được các tư vấn chuyên môn phù hợp nhất cho từng trường hợp có bệnh lý phức tạp để đưa ra hướng chăm sóc, điều trị phù hợp”, bác sĩ trẻ tình nguyện Nguyễn Văn Chiến chia sẻ.
Cụ thể như trường hợp bà cụ 94 tuổi (cư dân xã đảo), nhờ chụp X-quang kỹ thuật số, các bác sĩ trẻ đã phát hiện phổi trái bệnh nhân tràn dịch, phổi phải tổn thương. Qua hội chẩn, bệnh nhân được đưa vào đất liền điều trị kịp thời nên giữ được mạng sống.
Các bác sĩ trẻ khám bệnh cho người dân xã đảo Thạnh An
Cũng theo bác sĩ Chiến, ngoài hội chẩn chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ tại trạm có thể hội chẩn với bác sĩ chuyên môn ở TP về lâm sàng và điều trị.
Luồng sinh khí mới cho xã đảo
Tham gia Chương trình nâng cao năng lực y tế xã đảo Thạnh An lần này, ngoài bác sĩ Nguyễn Văn Chiến, còn có bác sĩ Hoàng Thị Phượng. Cả hai bác sĩ đều đang công tác tại Bệnh viện Nhân Ái (trực thuộc Sở Y tế TP).
Tình nguyện ra đảo, hai bác sĩ trẻ xem đây là cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc mới, muốn đóng góp chuyên môn và sức trẻ vào việc chăm sóc sức khỏe cho người dân nên tâm trạng rất hào hứng.
“Làm việc tại xã đảo, bên cạnh tiếp cận máy móc hiện đại, chúng tôi còn học được nhiều kỹ năng xử lý các tình huống chuyên môn. Đặc biệt, người dân xã đảo rất mến khách, có món ăn ngon đều mang đến trạm cho. Điều này khiến chúng tôi rất cảm động và không còn cảm giác đang ở một nơi xa lạ”, bác sĩ Chiến chia sẻ.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết, trang bị máy chụp X-quang tích hợp AI tại Trạm y tế xã đảo Thạnh An – trạm y tế xa nhất, khó khăn nhất của TP là một trong những minh chứng sống động cho thấy ngành y tế TP đang ra sức và nỗ lực hiện thực thông điệp “Chuyển đổi số để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn”. Chuyển đổi số giúp người dân thuận lợi hơn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; thầy thuốc dễ dàng tiếp cận được các kiến thức khoa học mới, kỹ thuật mới, giảm thiểu được các nguy cơ sai sót ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn người bệnh; nhà quản lý y tế triển khai hiệu quả công tác điều phối, giám sát, cảnh báo, dự báo đối với các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân. |
Bác sĩ Phượng cũng cho biết: “Mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân đến khám tại đây. Qua trao đổi trực tiếp giúp chúng tôi phát triển các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, hiểu rõ hơn các nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân”.
Ngoài những giờ trực tại trạm, các bác sĩ còn chủ động đến nhà bệnh nhân thăm khám. Đều đặn mỗi tuần một lần, các bác sĩ đón tàu ra ấp Thiềng Liềng (thuộc xã đảo Thạnh An) khám bệnh cho người dân.
Bác sĩ Luân Thanh Trường – Trưởng trạm y tế xã đảo Thạnh An – cho biết: “Nếu trong đất liền, người bệnh đến với bác sĩ thì ở đây, các bác sĩ, nhân viên y tế chủ động đi tới nhà người bệnh. Ấp Thiềng Liềng, mỗi ngày chỉ có hai chuyến đò sáng – chiều. Nhiều trường hợp người dân phải thuê phương tiện đi – về mất 300 ngàn đồng, bằng cả một ngày công của họ. Các bác sĩ trẻ vào tận ấp khám bệnh, người dân không chỉ bớt khó khăn vất vả khi đi lại, tiết kiệm chi phí tàu ghe mà còn được sử dụng bảo hiểm y tế”.
Theo bác sĩ Trường, đội ngũ bác sĩ trẻ đến Thạnh An không chỉ có kỹ năng chuyên môn mà còn mang đến một luồng sinh khí mới. Sức trẻ, sự lăn xả, những giá trị các bác sĩ mang lại đã khiến người dân nơi đây rất quý mến và tin tưởng. Nhờ vậy, sau hơn một tháng triển khai hoạt động nâng cao năng lực y tế cho xã đảo Thạnh An, tỷ lệ người dân đến khám chữa bệnh tại trạm y tế tăng mạnh so với những tháng trước – hơn 500 trường hợp đã được khám chữa bệnh. Trong có hơn 100 bệnh nhân được chụp X-quang phổi có tích hợp AI.
Minh Phương
Bình luận (0)