Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chuyển đổi từ trường ĐH dân lập sang ĐH tư thục: Người học được duy trì mức học phí đến hết học kỳ

Tạp Chí Giáo Dục

Mức học phí, như trường dân lập đã quy định, được duy trì tính từ thời điểm chuyển đổi đến kết thúc học kỳ. Trong học kỳ tiếp theo, nhà trường quy định mức đóng học phí của người học trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí đào tạo và được xã hội chấp nhận.

Quyền lợi của người học sẽ được bảo đảm khi trường dân lập chuyển sang tư thục

Đó là một trong những quy định để bảo đảm quyền lợi người học trong Dự thảo Thông tư Ban hành Quy định trình tự, thủ tụcchuyển đổi trường ĐH dân lập sang tr­ường ĐH t­­­ư thục được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 20/3 nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị hữu quan, mọi tầng lớp nhân dân và xã hội trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Dự thảo quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi về nhân sự và tổ chức; tài chính, tài sản; hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển đổi.  "Sau khi chuyển đổi, trường ĐH tư thục có trách nhiệm kế thừa và tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của trường ĐH dân lập về các khoản công nợ, về tài chính, tài sản, hợp đồng đối với người lao động và trách nhiệm đối với người học" – văn bản nêu rõ.
Bảo tồn và phát triển các giá trị tài sản, tiền vốn
Trước khi chuyển đổi, trường dân lập phải tiến hành kiểm kê, phân loại và định giá tài sản để xác định tổng giá trị tài sản, tiền vốn thực tế của trường quy về mặt bằng giá trị tại thời điểm chuyển đổi cũng như phân loại tổng giá trị tài sản, tiền vốn thực tế theo nguồn gốc hình thành.
Cụ thể, đối với phần giá trị tài sản, tiền vốn được xác định thuộc vốn đóng góp (hoặc vay, mượn, thuê) của các tổ chức, cá nhân vào trường dân lập sẽ được bảo toàn giá trị theo kết quả đánh giá lại tại thời điểm chuyển đổi và kế thừa quyền và nghĩa vụ khi chuyển sang trường tư thục.
Với phần giá trị tài sản, tiền vốn được hình thành do được biếu, tặng hoặc được hình thành do mua sắm tích luỹ trong quá trình hoạt động của trường dân lập được coi là tài sản không chia, thuộc sở hữu tập thể của trường, sẽ giao cho Hội đồng quản trị trường tư thục sử dụng, quản lý theo nguyên tắc bảo tồn và phát triển.
Không thay đổi mục đích sử dụng đất
Trường đại học dân lập được Nhà nước giao đất theo nhiều hình thức: không thu tiền sử dụng đất, miễn thu tiền sử dụng đất, có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất nhưng miễn thu tiền thuê đất, cho thuê đất phải thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật đất đai.
Trường dân lập có trách nhiệm bàn giao toàn bộ diện tích đất đang sử dụng và giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất cho trường tư thục. Trường tư thục có trách nhiệm sử dụng đất đúng mục đích, không được thay đổi mục đích sử dụng.
Quá trình chuyển đổi phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng đất đai đối với các cơ sở giảng dạy theo quy định của Luật đất đai và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giảng dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường.

Không gây gián đoạn cho quá trình học tập của người học

Để bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, giảng viên và nhân viên của trường, sau khi có quyết định chuyển đổi, hiệu trưởng trường tư thục ký lại hợp đồng lao động với các điều kiện được hai bên thoả thuận theo hướng đảm bảo tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác không thấp hơn trước khi chuyển đổi.
Còn với người học, khi có kế hoạch chuyển đổi, trường dân lập phải thông báo cho người học và cha mẹ người học biết để đảm bảo sự chủ động trong việc tổ chức học tập; Việc chuyển đổi không được gây gián đoạn cho quá trình học tập của người học.
Từ thời điểm chuyển đổi trường tư thục duy trì mức đóng học phí của người học như trường dân lập đó quy định cho đến kết thúc học kỳ. Trong học kỳ tiếp theo nhà trường quy định mức đóng học phí của người học trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí đào tạo và được xã hội chấp nhận.
Trường tư thục cũng phải thực hiện các chế độ cho người học thuộc diện chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước.
T.Hoa (Hà Nội mới)

Bình luận (0)