20 nông dân giỏi cùng đoàn cán bộ Hội Nông dân, Sở Ngoại vụ TP.HCM chụp hình lưu niệm trong chuyến tham quan, học tập ở Hàn Quốc |
Vừa qua, 20 nông dân giỏi TP.HCM, trong đó không ít người là đại diện các hợp tác xã (HTX) đã có chuyến du học ngắn ngày ở Hàn Quốc. Tuy chỉ vỏn vẹn 6 ngày học tập, lại bị rào cản ngôn ngữ nhưng bằng đôi mắt nhạy bén, tinh tường của một nhà nông, các “hai lúa” đã gom về rất nhiều kiến thức bổ ích, đặc biệt là kinh nghiệm đẩy mạnh sản phẩm ra thị trường để thu được lợi nhuận cao cho các HTX.
Đây là hoạt động đầu tiên trong đề án Đưa nông dân đi học tập ở nước ngoài giai đoạn 2013-2018 do Hội Nông dân TP.HCM tổ chức với tổng kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng, trong đó nông dân được hỗ trợ 70% kinh phí.
Những bài học đắt giá
Mới đầu, ai cũng nghĩ thời gian ngắn chắc chỉ học được một số điều cơ bản trong công nghệ sản xuất nên họ thực sự bất ngờ và học được rất nhiều kinh nghiệm quý báu từ đất nước có nền kinh tế phát triển này.
Ngay khi đặt chân đến thành phố Seoul (Hàn Quốc), đoàn đã di chuyển liên tục để tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số trung tâm giống nông nghiệp, thăm trang trại nấm linh chi, chợ đầu mối nông sản của Hàn Quốc… Ông Trần Văn Hợt, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Ngã Ba Giồng, ở ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn phấn khởi cho biết: Tại đất nước này, chúng tôi được tham quan và học tập 4 nội dung chính là sản xuất trong mô hình nhà kính, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, cách thu mua đem lại lợi nhuận cao cho nông dân và cách xây dựng nông thôn mới. “Tôi đặc biệt chú ý đến cách thu mua đem lại lợi nhuận cao cho nông dân để về áp dụng cho các thành viên trong HTX của mình. Tôi nhận ra rằng, nông dân Việt mình ai muốn gì làm nấy, thu nhập không ổn định, sản phẩm thường bị dư thừa, bỏ đi. Trong khi đó, nông dân Hàn Quốc làm gì cũng có kế hoạch rõ ràng, HTX tính toán kỹ sản lượng sản xuất so với nhu cầu của người tiêu dùng để hạn chế số sản phẩm bị dư thừa, hoang phí và đặc biệt là không có chuyện bán phá giá giữa các hộ nông dân”, ông Hợt đúc kết.
Nếu chẳng may sản phẩm làm ra bị dư thừa, nông dân xứ sở kim chi có cách chế biến để sản phẩm có thể sử dụng lâu dài chứ không phải bán đại giá, thậm chí đổ đi là bài học lớn mà các “hai lúa” Việt Nam đã học được trong chuyến đi này. “Tôi thấy rằng, cách trồng trọt, chăn nuôi của nông dân Hàn Quốc rất bài bản, chặt chẽ, chuẩn hóa. Đặc biệt, trong khi thời gian vừa qua một số bà con nông dân Việt phải đổ thanh long ra ngoài đường thì sản phẩm của họ lại không bao giờ bỏ đi mà có họ tự chế biến để sử dụng lâu dài. Chẳng hạn, cam rất mau hỏng, ở nước họ chỉ thu hoạch mỗi năm được 3 tháng, nếu tính toán kỹ khi sản xuất mà vẫn bị dư thì họ sẽ đem đông lạnh hoặc chế biến ra thành các sản phẩm khô”, bà Lê Hà Mộng Ngọc, Giám đốc HTX Sản xuất thương mại nông sản Nấm Việt, ở ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi – một trong 3 phụ nữ cùng đi trong đoàn cho hay.
Ngoài ra, các bác “hai lúa” Việt còn học lỏm được khá nhiều kinh nghiệm sau thu hoạch để giảm thất thoát trong quá trình vận chuyển đến tay người tiêu dùng. Vừa từ đồng ruộng về, vai còn lấm tấm mồ hôi, ông Nguyễn Quốc Toản, thành viên HTX Rau Phú Lộc, ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi chia sẻ: “Thay vì thu hoạch xong, đem về nhà đóng gói và chuyển đến điểm bán thì nông dân ở đây lại sơ chế ngay tại đồng ruộng. Vì vậy, họ đã giảm được một phần thất thoát do chi phí di chuyển hay bị dập nát. Tuy nhiên khi về áp dụng với các thành viên trong HTX của mình, chúng tôi mới chỉ sơ chế được một phần ngay ở ruộng mà thôi. Hơn nữa, với cách bảo quản tốt, một số rau như cải, rau lang ở Hàn có thể tươi xanh đến 4 ngày trong khi rau ở Việt Nam chỉ giới hạn được 2 ngày. Nguyên do là khi sơ chế cải, họ chỉ cắt gốc 50% và giữ lại 50% vì gốc giống như mạch máu nuôi dưỡng chất dinh dưỡng cho rau. Trong khi đó, các siêu thị ở Việt Nam lại yêu cầu cắt hết gốc vì tâm lý người tiêu dùng Việt là thích rau đã được cắt tỉa sạch sẽ. Ngay sau khi nhận thấy điều này, chúng tôi bắt đầu để lại khoảng 5% đến 10% gốc, khi khách hàng đã thật sự hiểu quy trình này thì chúng tôi có thể để lại 30 đến 50% gốc”.
Nhiều ý tưởng kinh doanh từ chuyến đi
Không chỉ học hỏi quy trình sản xuất, thu hoạch mà ngay sau chuyến đi này, đại diện các doanh nghiệp còn mạnh dạn đưa ra nhiều ý tưởng, kế hoạch kinh doanh táo bạo để lập thêm công ty, xí nghiệp sản xuất, thu mua.
Nói về kinh nghiệm sau chuyến đi và kế hoạch sắp tới của mình, ông Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ sản xuất chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) bật mí: “Sản phẩm của mình làm ra và giao cho nhà máy, công ty chế biến thì tức là phải qua một khâu trung gian, lại làm giàu cho người khác. Vì vậy, sau chuyến đi tôi thấy cần phải xây dựng nhà máy sản xuất sữa ngay trên chính HTX của mình. Chúng tôi đã phối hợp với một công ty về giống cây trồng vật nuôi xin giấy phép kinh doanh, xin Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại TP.HCM cho vay hơn 15 tỷ đồng để thành lập nhà máy sản xuất sữa bò với diện tích 1.600m2. Dự kiến trong năm nay nhà máy sẽ được khởi công. Đây sẽ là tín hiệu mừng cho các thành viên trong HTX ở huyện nhà Củ Chi”.
Trong khi đó, HTX Sản xuất thương mại nông sản Nấm Việt thì lại có kế hoạch phối hợp với một công ty đông y ở Hà Nội để chiết xuất ra một sản phẩm làm đẹp từ nấm bào ngư. Bà Lê Hà Mộng Ngọc tiết lộ: “Trước chuyến đi này, HTX chúng tôi đã liên hệ với một công ty ở Nhật để xuất khẩu nấm sang nước này nhưng phía Nhật đòi hỏi chúng tôi phải cắt hết phần cộm ở phía sau để nhìn cho sạch sẽ. Nếu cắt như vậy thì cứ 140kg nấm chúng tôi sẽ mất 40kg, một thất thoát không hề nhỏ nên chúng tôi khá băn khoăn. Cũng may, sau chuyến đi này chúng tôi đã giải quyết được mọi vấn đề vì 40kg phần cộm chúng tôi sẽ phối hợp với một công ty chuyên về đông y để chiết xuất ra một sản phẩm làm đẹp da, chống đông máu”. Bà Ngọc còn chia sẻ thêm: Nếu vụ mùa thất bại, nấm bào ngư có thể chỉ bán được 8.000 đồng/kg trong khi giá thực của sản phẩm này là 20.000 đồng/kg. Vì vậy, sau chuyến đi này, tôi thấy phải chế biến sản phẩm sau nấm. Hiện tôi cũng đang tìm hiểu một số công ty chuyên sản xuất khô bò, khô nai để học hỏi kinh nghiệm, từ đó về sản xuất khô bò nấm, khô nai nấm…
HTX Nông nghiệp dịch vụ Ngã Ba Giồng cũng đang mở rộng sản xuất thêm những sản phẩm chế biến từ rau củ quả để bán ra thị trường. Ông Trần Văn Hợt cho hay: “Trở về sau chuyến đi, tôi đã họp lại với các thành viên trong HTX và lên ngay ý tưởng chế biến dưa leo muối, khổ qua muối có thể sử dụng lâu ngày. Chúng tôi đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố và Trung tâm Hỗ trợ nông nghiệp để thực hiện kế hoạch này, đưa ra những sản phẩm an toàn, bổ ích cho người tiêu dùng”.
Nếu không có những chuyến đi để mở mang tầm nhìn, sẽ còn bao nhiêu nông sản của bà con nông dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung chịu thất thoát do áp dụng chưa tốt quy trình công nghệ vào sản xuất, quá trình phân phối sản phẩm dư thừa…. Người xưa có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, và chỉ 6 ngày ngắn ngủi ở Hàn Quốc nhưng những nông dân giỏi này đã cất giữ cho mình nhiều kinh nghiệm quý báu để về áp dụng ngay trên mảnh vườn, đồng ruộng của mình. Những kế hoạch này tuy chỉ mới sơ khai nhưng với bản chất chịu khó, ham học hỏi, tôi tin rằng chắc chắn họ sẽ thành công…
Dương Bình
Bình luận (0)