Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chuyện gây sốc về những trẻ khôn trước tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị.“Em muốn có những đứa con giống anh. Anh có thể cho em những đứa con không?”, một cô bé 6 tuổi viết vào vở học của bạn trai cùng lớp.

Những câu nói như “cụ non” của trẻ thường khiến cha mẹ tự hào vì con thông minh. Nhưng cũng có lúc cái khôn trước tuổi của trẻ khiến người lớn choáng váng. 
Chị Nguyễn Thị Thu Minh ở quận 1, TP HCM hoảng hồn khi thấy trong vở của cậu con trai sáu tuổi có dòng chữ: “Anh đẹp trai quá! Rất manly. Em muốn có những đứa con giống anh. Anh có thể cho em những đứa con không?”. Gặng hỏi, chị Thu Minh ngớ ra khi biết tác giả những dòng chữ đó là một cô bé học cùng lớp với con trai mình. “Bạn đó thích con”, cậu bé ấp úng.

Cậu con trai 6 tuổi của anh Hải Tấn ở Thủ Đức thì gây bất ngờ kiểu khác. Vợ anh mới phải cắt bỏ buồng trứng. Trong lúc gia đình trò chuyện, cậu con trai duy nhất vứt bừa đồ chơi ra khắp phòng. “Vợ tôi đùa rằng con quậy quá, mẹ sanh em bé, cho con ra rìa. Nó đáp, mẹ không còn trứng sao có em bé được. Hai chúng tôi sốc luôn” – anh Tấn kể.

Trước nỗi lo lắng đó của bố mẹ, chuyên viên tư vấn Trần Thị Tâm Nhàn, Trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, cho rằng trẻ có cách suy nghĩ riêng, người lớn đừng vội áp đặt cách suy nghĩ của mình cho trẻ rồi suy đoán, hốt hoảng. Trẻ tuổi mầm non thường hay bắt chước mà không nhận thức đầy đủ về hành động của mình.
Theo bà Tâm Nhàn, chuyện bé gái viết thư cho con chị Thu Minh vì thích bạn là bình thường. Tương tự, không có gì đáng lo nếu khi đi học, bé trai chỉ vào một cô bạn xinh xắn trong lớp rồi nói: “Con thích bạn này, mai mốt con sẽ cưới bạn ấy”. Thực ra bé cảm thấy thích ai thì nghĩ sẽ lấy người ấy chứ hoàn toàn không biết vợ chồng là thế nào. Trường hợp con trai của vợ chồng anh Tấn thì có thể do bé tư duy theo kiểu con gà đẻ ra trứng, trứng nở ra con, rồi liên hệ chuyện của mẹ.

Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao trẻ con bây giờ khôn hơn các thế hệ trước? Chuyên gia Tâm Nhàn cho rằng, không loại trừ yếu tố đời sống được nâng cao, trẻ em ngày nay được ăn uống đủ dinh dưỡng hơn nên trưởng thành nhanh hơn. Trẻ con thời nào cũng có xu hướng học hỏi, bắt chước, nhưng do giao tiếp xã hội ngày nay cởi mở hơn nên các em dễ dàng bộc lộ “hiểu biết” hơn, còn trẻ em thời trước không dám thể hiện như vậy. 

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Bình luận (0)