- 1 Chuyên gia chỉ cách lấy lại bình tĩnh trong phòng thi
Do tâm lý căng thẳng, lo lắng nên nhiều học sinh bị lúng túng, không còn nhớ kiến thức khi bước vào phòng thi dù đã ôn tập kỹ trước đó. Nếu rơi vào trường hợp này, các em cần bình tĩnh, lấy lại tinh thần bằng cách uống nước, ăn kẹo sôcôla…

Đây là lời khuyên của TS. Đào Lê Hòa An (chuyên gia tâm lý) dành cho các em học sinh lớp 9 chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm 2025.
1. Theo TS. Đào Lê Hòa An, hồi hộp, căng thẳng trong phòng thi là điều mà đa số học sinh đều gặp phải. Có những em hồi hộp, đổ mồ hôi đến nỗi quên luôn kiến thức, không thể tiếp tục làm bài. Những em biết mình có điểm yếu này thì khi đi thi nên mang theo chai nước, kẹo sôcôla. Theo đó, nước giúp quá trình dẫn truyền các chất trong cơ thể, thiếu nước khiến chúng ta có cảm giác lo lắng, hồi hộp. Khi uống vài ngụm nước, chúng ta sẽ thấy đầu óc được giãn ra, giảm lo lắng, hồi hộp. Trong khi đó, kẹo sôcôla có vị ngọt và có chất cà phê nên giúp tinh thần tỉnh táo, bình tĩnh nhớ lại kiến thức làm bài. “Khi mang vào phòng thi, các em nên tháo nhãn chai nước lẫn kẹo sôcôla cho đúng quy định. Tốt nhất các em nên nắm kỹ những quy định phòng thi, tránh mang các vật dụng cấm vào ảnh hưởng đến kết quả thi”, TS. Đào Lê Hòa An lưu ý.
Ngoài ra, giải nhiều đề thi thử cũng giúp học sinh vững tâm lý trong quá trình làm bài. Bởi khi giải nhiều đề, các em sẽ nắm được cấu trúc đề thi, được tiếp cận nhiều dạng câu hỏi khác nhau. Khi vào phòng thi, nhận đề xong các em chỉ có việc là lấy-kiến-thức ra áp dụng vào câu hỏi đó, không cần mất nhiều thời gian suy nghĩ. “Do đó, các em nên siêng năng luyện đề thi thử, khoảng 5 bộ đề. Mỗi bộ giải 3 lần; 5 bộ giải 15 lần. Làm được điều này, khi làm bài thi các em sẽ thấy rất bình thường, không có gì khiến chúng ta hồi hộp, lo lắng”, TS. Đào Lê Hòa An khuyên.
Theo TS. Đào Lê Hòa An, kết quả trúng tuyển vào lớp 10 công lập dựa vào tổng điểm 3 môn thi: toán, ngữ văn, tiếng Anh. Nếu học sinh không may làm bài thi thứ nhất không được (chắc chắn không bị điểm 0) thì cũng đừng nản chí vì các em vẫn còn cơ hội để lấy điểm 2 môn còn lại. Cho dù môn thứ nhất bị 2-3 điểm nhưng 2 môn sau điểm cao sẽ kéo điểm lên, còn cơ hội để trúng tuyển. Ngược lại, nếu các em nản chí, bài thi đầu đã làm không được nhưng không còn tinh thần, động lực để làm bài tiếp, dẫn đến cả 2 môn còn lại đều bị thấp điểm thì coi như chúng ta đã thất bại trong kỳ thi này. “Các em nhớ rằng, cơ hội luôn chờ chúng ta. Lỡ mất cơ hội lần đầu, chúng ta vẫn còn những cơ hội khác. Vì vậy, các em nên học hành chăm chỉ, ôn tập nghiêm túc”, TS. Đào Lê Hòa An nhấn mạnh.

2. Về cách đặt nguyện vọng, một học sinh lớp 9 bày tỏ: “Nhà em ở Q.Tân Phú nhưng em có ý định chọn nguyện vọng 1 vào Trường Trung học Thực hành Sài Gòn; nguyện vọng 2 vào Trường THPT Hùng Vương; nguyện vọng 3 vào Trường THPT Trần Hữu Trang. Em có thể chọn nguyện vọng như vậy được không?”.
Trường hợp này, TS. Đào Lê Hòa An đưa ra lời khuyên, học sinh nên cân nhắc kỹ khi đặt nguyện vọng. Các em có quyền chọn nguyện vọng nhưng phải dựa theo tiêu chí. Cụ thể, các em có thể dựa vào sở thích, định hướng nghề nghiệp để chọn nguyện vọng. “Có một học sinh lớp 9 đã xác định trong tương lai sẽ học ngành y tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM nên khi lên THPT, em không chọn vào trường THPT công lập vì phải học nhiều môn, áp lực. Thay vào đó, em chọn học tại trung tâm GDNN-GDTX để được học ít môn, có thời gian tập trung vào 3 môn: toán, hóa học, sinh học thi vào ngành y. Kết quả là em đã thi đậu vào trường theo mong muốn. Hiện tại em này đang làm bác sĩ, chuẩn bị bảo vệ luận văn tiến sĩ y khoa”, TS. Đào Lê Hòa An cho biết.
Dẫn chứng rõ hơn, TS. Đào Lê Hòa An kể về trường hợp của mình: “Trước đây tôi đã chọn nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (theo sở thích); nguyện vọng 2 vào Trường THPT Võ Thị Sáu (trường gần nhà). Tuy nhiên, năm đó tôi không trúng tuyển nguyện vọng 1, chỉ trúng tuyển nguyện vọng 2. Trường THPT Võ Thị Sáu cách nhà tôi chỉ 5 phút đi xe gắn máy nên không tốn nhiều thời gian để đến trường, thời gian còn lại tôi tham gia hoạt động ngoại khóa, tôi còn được làm Bí thư Đoàn trường. Nếu bây giờ chọn lại, tôi sẽ đưa Trường THPT Võ Thị Sáu lên thành nguyện vọng 1”.
Qua hai minh chứng này, TS. Đào Lê Hòa An muốn nhắn nhủ các em học sinh rằng, dù chọn nguyện vọng phù hợp với mong muốn nhưng nếu chẳng may không đậu trường THPT công lập thì chúng ta vẫn còn những hướng đi khác. Học trường nào cũng được, quan trọng là các em có chịu phấn đấu trong quá trình học tập ở trường đó hay không.
Đối với những học sinh chọn nguyện vọng vào trường chuyên, TS. Đào Lê Hòa An cũng nhắc nhở: Các em cần phải xem lại sau này môn chuyên có bổ trợ cho nghề nghiệp của mình hay không. Chẳng hạn, các em chọn môn chuyên địa lý tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hay Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, các em vừa học môn chuyên, vừa phải học thêm một số môn khác. Nếu chúng ta xác định tương lai làm những công việc buộc phải có kiến thức địa lý thì nên chọn môn chuyên địa lý, còn không các em không cần học môn chuyên cho đỡ áp lực.
3. Về phía phụ huynh, các bậc cha mẹ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng lên con cái vì dễ khiến con áp lực, căng thẳng. Ngược lại, cha mẹ nên đồng hành, hỗ trợ nấu cho con những bữa ăn ngon, cho con những lời động viên nhẹ nhàng để con an tâm thi cử. Đặc biệt, các bậc cha mẹ phải biết rõ sức học của con – con có năng lực như thế nào thì nên chấp nhận như thế đó, không nên bắt con phải cố gắng để cha mẹ “nở mày nở mặt”. Có nhiều trường hợp vì cha mẹ kỳ vọng quá nhiều vào con khiến cho con làm bài thi không tốt, kết quả thấp, thậm chí gây ra những vấn đề về tâm lý ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. “Việc cha mẹ thấu hiểu, đồng hành cùng con sẽ là động lực để con thi cử tốt, đạt được kết quả cao”, TS. Đào Lê Hòa An chia sẻ.
Bài, ảnh: Thúy Kiều
Bình luận (0)