Khởi nghiệp không đơn giản là có vốn, thành lập công ty để bán được sản phẩm mà ở đó người khởi nghiệp phải tạo ra được giá trị cho xã hội và dám chấp nhận thất bại để hướng đến thành công.
GS. Phan Văn Trường (Cố vấn cấp cao của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, diễn giả về khởi nghiệp – thứ 2 bên phải) chia sẻ với các bạn trẻ về bí quyết khởi nghiệp tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM mới đây
Phải tạo giá trị cho xã hội
GS. Phan Văn Trường (Cố vấn cấp cao của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, diễn giả về khởi nghiệp) cho biết những bạn trẻ đang độ tuổi 20, 30, thậm chí lớn hơn đều có mong muốn khởi nghiệp hay lập nghiệp với một tinh thần tự lập, mạnh dạn dấn thân. “Khởi nghiệp, hiểu đúng nghĩa là tạo những giá trị bền vững từ những đam mê thực tế có khả năng được toàn xã hội hưởng ứng dài lâu”, GS. Trường nói.
Theo GS. Trường, người khởi nghiệp với niềm đam mê, với ý tưởng mang lợi ích cho xã hội từ nghề của mình sẽ không bao giờ nhàm chán, vì họ sẽ làm cho việc của mình thêm giá trị mỗi ngày. Họ sẽ chuyển hóa theo gu của khách hàng, theo công nghệ hiện đại nhất và họ sẽ hạnh phúc lâu dài trong việc làm. “Những vĩ nhân đã từng có sự nghiệp vĩ đại đều khuyên chúng ta đừng nghĩ đến tiền mà tập trung vào giá trị chúng ta tạo nên. Khi tạo được giá trị chắc chắn tiền sẽ tự tìm đến”, GS. Trường chia sẻ.
Bên cạnh đó, GS. Trường cho biết yếu tố may mắn cũng đóng góp một phần lớn trong hành trình xây dựng sự nghiệp nói chung. Tuy vậy, nếu mỗi chúng ta muốn luôn may mắn thì phải có khả năng khiêm tốn, biết nhìn và xử lý một cách thật công bằng sự đóng góp của người khác, biết nhịn nhục, chấp nhận điều phải, biết san sẻ. Ngoài ra, người khởi nghiệp thành công còn phải có văn hóa, mạnh dạn đón nhận mọi chỉ trích, phản biện với tinh thần thẳng thắn học hỏi, biết lắng nghe điều hay lẽ phải. Và hãy luôn luôn tích cực, bỏ qua những nỗi nhọc nhằn, tiêu cực để tiến bước. Chính những nét đẹp đó sẽ tạo cho chúng ta sự khác biệt và thành công.
Là người khởi nghiệp thành công từ cây Hoàn Ngọc, bà Bùi Kim Nga (người sáng lập và điều hành Công ty TNHH Hoàn Ngọc) cho hay, mỗi người đều có sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, khi khởi nghiệp chúng ta phải nghĩ đến sản phẩm, dịch vụ xem nó có mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội không. Việc mình làm có nguy hại gì đến người khác, nguy hại đến cộng đồng và môi trường không. Nếu có thì chúng ta nên chậm lại một bước vì cái gì bền vững mới tồn tại dài lâu.
Muốn khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ phải có ý tưởng mang lợi ích cho xã hội. Trong ảnh: Một bạn trẻ khởi nghiệp từ dòng gốm Bát Tràng
Theo bà Nga, đối với các bạn trẻ, muốn khởi nghiệp phải chuẩn bị thật kỹ, xem đủ nguồn lực chưa, có phương án dự phòng nào. Cùng với đó, các bạn phải tìm hiểu và nắm bắt công nghệ, kỹ thuật để cạnh tranh với thị trường. Nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ, không nắm vững quy trình ngay từ đầu sẽ bị luống cuống khi gặp vấn đề. “Cái mà tôi chú trọng nhất là sự lựa chọn và sự cầu toàn. Tôi mong các bạn trẻ cũng làm điều gì đó để tạo sự độc đáo và khác biệt. Nếu các bạn chọn sản xuất sản phẩm về nông nghiệp, thực phẩm thì bao giờ cũng đặt yếu tố khoa học, nhân văn và bền vững lên hàng đầu. Các bạn phải chịu trách nhiệm cho sản phẩm của mình”, bà Nga chia sẻ.
Nâng cao tinh thần học tập suốt đời
Khởi nghiệp thành công với chuỗi giá trị sinh thái Hana, bà Nguyễn Ngọc Hoàng Anh (cựu sinh viên Trường ĐH Văn Lang) chia sẻ, xuyên suốt hành trình khởi nghiệp chính là sự bứt phá, vượt qua giới hạn của bản thân. “Trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, chúng ta phải biết mình là ai, mạnh về điều gì, đang yếu mảng nào, cần làm gì lúc này… Tiếp theo, chúng ta phải tìm cho mình những người thầy, phải tự học để có kiến thức, có bản đồ rồi mới khởi nghiệp”, bà Hoàng Anh nói.
Theo bà Hoàng Anh, một trong những yếu tố để khởi nghiệp thành công không thể bỏ qua đó là xây dựng cho mình đội nhóm mạnh, học cách tin tưởng để làm việc online và nâng cao tinh thần học tập suốt đời. “Sau khi đã có bản đồ, có thầy chỉ bảo, có cộng đồng hỗ trợ rồi bắt tay xây dựng đội nhóm mơ ước. Mỗi cá nhân trong nhóm phải xuất sắc trong vai trò của mình và chọn người cùng chung tần số thay vì chỉ chọn người chịu làm là đủ”, bà Hoàng Anh nêu “bí kíp” khởi nghiệp.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Bạch Yến (cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, khởi nghiệp với ngành cơ điện) cho biết bà khởi nghiệp thành công là nhờ biết hoạch định dự án. “Năm 2020, cơn sốt điện năng lượng mặt trời hòa lưới điện quốc gia diễn ra khắp cả nước. Nhờ sự chuẩn bị về nhân lực, cho nhân viên đi học kỹ thuật từ nhà cung cấp về điện mặt trời, tạo mối quan hệ với các công ty điện lực…, chúng tôi đã đón cơn sốt khủng khiếp ấy, đơn hàng về liên tục với doanh thu gần 40 tỷ đồng”, bà Yến nói.
Theo bà Yến, dù thành công nhưng những người khởi nghiệp không được ngủ quên trên chiến thắng. Bởi chỉ một chút sai sót nhỏ cũng khiến chúng ta thất bại. Ngoài tập trung cho công việc, chúng ta cũng nên chăm lo cho bản thân và những người xung quanh, bởi chính những người xung quanh cũng sẽ cho chúng ta năng lượng tích cực để vượt qua thời điểm khó khăn nhất. “Trong cuộc sống hay kinh doanh cũng vậy, có thành có bại, ai cũng có thể mắc sai lầm. Do đó, chúng ta phải tự trải nghiệm và đúc kết những bài học cho mình. Tôi cũng may mắn nhận được những bài học rút ra từ thất bại của người khác. Từ những điều đó, tôi mong đất nước có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công để mỗi chúng ta có thể đóng góp vào sự phát triển của toàn dân tộc Việt Nam”, bà Yến bày tỏ.
Bài, ảnh: Kiều Khánh
Bình luận (0)