Cà phê khi kết hợp cùng sữa chua sẽ tạo ra hương vị đặc biệt, hạn chế được những nhược điểm và tăng công dụng.
Sữa chua là thực phẩm cung cấp nhiều vi khuẩn có lợi tốt cho đường ruột và hệ tiêu hoá. Trong khi đó, cà phê là thức uống giúp cho chúng ta tỉnh táo hơn. Vậy, khi hết hợp hai thực phẩm này với nhau sẽ mang lại những lợi ích gì cho sức khoẻ? Dưới đây, là những chia sẻ của chuyên gia dinh dưỡng.
Sữa chua kết hợp cà phê
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ, sữa chua có thể ăn trực tiếp. Ngoài ra, chúng ta còn có thể kết hợp sữa chua với hoa quả, ngũ cốc, các loại hạt,… giúp đa dạng dinh dưỡng. Sữa chua khi kết hợp với các loại thức uống như cà phê cũng tạo ra những hương vị rất tuyệt vời.
Việc kết hợp sữa chua với cà phê giúp giảm đi tính kích thích của cà phê. Bản chất sữa chua có nhiều chất chống oxy hóa tốt cho dân văn phòng. Do những người làm công việc văn phòng cần sự tỉnh táo, minh mẫn để làm việc hiệu quả nên khi kết hợp cà phê với sữa chua sẽ cung cấp thêm các chất chống oxy hóa tốt cho sức khoẻ.
Trước câu hỏi "Ngày nào cũng uống sữa chua cà phê có được không?", PGS.TS Lâm cho hay, bản chất cà phê không phải là nước uống gây hại và sữa chua cũng vậy. Tuy nhiên, đối với cà phê nếu dùng quá nhiều, đặc biệt là dùng vào thời điểm chiều, tối có thể gây mất ngủ và làm ảnh hưởng tới công việc ngày hôm sau. Còn nếu uống cà phê vào buổi sáng, buổi trưa và ngày chỉ uống 1-2 ly thì không hại gì cho sức khoẻ.
"Uống cà phê có thêm sữa chua sẽ bổ sung được lợi khuẩn cho cơ thể, rất tốt cho sức khỏe. Vì người uống cà phê đặc hay bị táo bón do có nhiều chất tanin (là một loại hợp chất hóa học nằm trong một nhóm lớn hơn các hợp chất gọi là polyphenol) sẽ làm săn niêm mạc ruột gây lên tình trạng táo bón. Khi kết hợp cà phê với sữa chua sẽ giúp giảm được tình trạng táo bón", bác sĩ Lâm nói.
Đối với trẻ nhỏ bác sĩ Lâm gợi ý có thể phối hợp sữa chua với các loại hoa quả như: dâu tây, chuối, xoài, mít, thăng long… hoặc kết hợp với sinh tố sẽ giúp kích thích vị giác của trẻ.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng phân tích thêm, để chế biến cà phê thường phải rang đen hạt. Cũng có một số thông tin cho rằng khi rang hạt cà phê cháy đen có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ, gây ung thư. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết đã có nghiên cứu khẳng định hạt cà phê có chứa nhiều polyphenol khi rang đen không sinh ra chất gây ung thư. Ngược lại việc uống cà phê còn giúp phòng ngừa ung thư dạ dày và ung thư đại tràng.
PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho hay, cà phê có chứa caffeine là chất kích thích thần kinh giúp mọi người tỉnh táo và làm việc hiệu quả hơn. Caffeine có trong cà phê không xếp vào nhóm các chất gây nghiện. Chưa có cơ sở khoa học chứng minh uống cà phê gây hại cho sức khoẻ.
Tuy nhiên, bác sĩ Niên cũng lưu ý:
– Đối với người lớn một ngày không nên uống quá 400mg caffeine (tương đương 2 ly nhỏ).
– Trẻ nhỏ không nên uống các loại nước có chứa caffeine vì có chứa chất kích thích.
– Phụ nữ mang thai, cho con bú khi uống cà phê nên hỏi ý khiến của bác sĩ, bởi caffein trong cà phê sẽ thông qua máu và ngấm vào sữa.
Một số bệnh lý như người cường giáp, rối loạn dây truyền thần kinh giao cảm, người đã bị viêm loét dạ dày, người bị rối loạn tâm thần… cần phải cẩn trọng khi uống cà phê.
NT (theo khoahoc.tv)
Bình luận (0)