Chỉ còn hai ngày nữa sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt II, khối B, C, D. Các chuyên gia tư vấn cho thí sinh làm bài thi đạt hiệu quả cùng những lưu ý khi làm bài.
TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết hai vấn đề khi làm bài thi trắc nghiệm môn Tiếng Anh. Đó là, ngay khi nhận đề thi, thí sinh nên dành 3-5 phút để nhìn lại toàn bộ đề thi, điền các thông tin vào đề thi (họ và tên, số báo danh) để tránh sự nhầm lẫn.
Thứ hai, thí sinh dành 10 phút đọc từ đầu đến cuối đề thi xem các câu hỏi trong đề thi yêu cầu trắc nghiệm về ngữ pháp, chức năng hay ngôn ngữ.
Thí sinh phải biết phân bổ thời gian làm bài thi (Ảnh: Minh họa)
Khi bắt đầu vào làm bài thi, thí sinh cần đọc kỹ từ đầu đến cuối các câu hỏi. Câu nào thí sinh thấy chắc chắn thì khoanh trong vào đáp án và coi như đã làm xong.
Sau đó, đối với những câu hỏi cần phải suy nghĩ, thí sinh nên làm theo trật tự từ đầu đến cuối. Thí sinh nên suy nghĩ theo cách: nhìn vào câu hỏi đó và hiểu được nghĩa của câu hỏi chính. Bởi vì nếu thí sinh không hiểu thì sẽ không thể chọn được đúng từ để khoanh tròn. Nếu câu hỏi chính nào, thí sinh không hiểu tí gì, thì bỏ qua câu đó và chuyển sang làm câu hỏi khác.
Thầy Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, trong mỗi câu hỏi có 4 đáp án, thí sinh chỉ cần nhìn vào từng câu và có thể bỏ được hai đáp án. 2 đáp án còn lại của câu hỏi, thí sinh cần phải bình tĩnh suy nghĩ và phân tích theo 3 hướng: Thứ nhất, là về từ vựng. Bởi vì, hai đáp án đó thông thường đồng nghĩa với nhau. Thí sinh chọn đáp án nào thì phải đúng tình huống. Bởi vì, chỉ có 1 đáp án khớp tình huống thôi. Ví dụ: Trong hội nghị, ông ấy cho rằng…thể nói ra điều bí mật được. Với câu này, thí sinh chọn 1 trong 2 từ (đếch, không), từ đúng tình huống là “không”.
Thứ hai, là về ngữ pháp có khớp với câu hỏi không. Cụ thể, thành phần ngữ pháp trong câu đó đã đủ chưa. Ví dụ: Anh ta…đi thăm ngôi làng đó cách đây một tháng/ Trong câu này thiếu hụt một yếu tố ngữ pháp. Và, từ phải khoanh tròn là đã. Tất nhiên, thí sinh phải chọn dạng thức ngữ pháp thích hợp. Thứ ba, xem chỗ trống đó có phải là thành ngữ hay không. Nếu là thành ngữ, thí sinh phải thuộc câu thành ngữ đó thì mới khoanh tròn đúng được.
Những nhầm lẫn thí sinh hay mắc phải, đó là về từ, do không hiểu được hai dạng từ đồng nghĩa. Vì, về lý thuyết nghĩa gốc của từ giống nhau, nghĩa sắc thái lại khác nhau.
Bài tiếp: Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi môn Lịch sử
Theo Phan Chính
(Nguoiduatin.vn)
Bình luận (0)