Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Chuyên gia nói gì về dịch vụ “chăm sóc tận răng” cho sinh viên ở Mỹ?

Tạp Chí Giáo Dục

Theo giảng viên Đại học Boston, những dịch vụ được ví như "cho thuê mẹ" có thể hỗ trợ sinh viên thích nghi với trường đại học, nhưng cũng có nguy cơ cản trở khả năng phát triển của vô số thanh niên.
Chuyen gia noi gi ve dich vu
Ảnh minh họa. (Nguồn: CNN/Ảnh chụp màn hình)

Trong bối cảnh nhiều dịch vụ trợ giúp "tận răng" dành cho sinh viên đang “nở rộ” tại các trường đại học ở Mỹ, một số chuyên gia e ngại chúng có thể cản trở tính tự lập và khả năng phát triển của các sinh viên.

Joelle Renstrom, giảng viên Đại học Boston, bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này trong một bài viết đăng tải mới đây trên CNN. Dưới đây là những nội dung chính trong bài viết của cô:

“Tuần trước, tờ Wall Street Journal đưa tin về những dịch vụ trợ giúp đặc biệt đang ‘nổi lên’ ở các trường đại học trên khắp nước Mỹ: Kết hợp ‘service’ (dịch vụ) của một quầy lễ tân khách sạn với cách chăm sóc trẻ em của những bậc phụ huynh mang phong cách ‘helicopter parent’ (‘helicopter parent’ – tạm dịch: ‘cha mẹ trực thăng’ – là thuật ngữ chỉ những ông bố bà mẹ bao bọc con cái quá mức, luôn ở bên cạnh và hướng con theo ý mình.)

Những dịch vụ được ví như ‘cho thuê mẹ’ ra đời để giúp đỡ sinh viên mọi việc – từ giặt giũ đến đánh thức – có thể hỗ trợ giải quyết các vấn đề của sinh viên trong việc thích nghi với trường đại học, nhưng cũng có nguy cơ cản trở khả năng phát triển của vô số thanh niên.

Đi học đại học – hoặc gửi một đứa trẻ vào đại học – hẳn đã khiến các phụ huynh lo lắng. Điều này đúng đối với những sinh viên đến từ các nền văn hóa và quốc gia khác ngoài Mỹ. Tôi hiểu cảm giác lo lắng khi để con trẻ đi xa nhà, trong một thế giới liên tục ‘nhắc nhở’ chúng ta rằng tất cả chúng ta đều không an toàn.

Sức khỏe tâm thần của sinh viên vốn đã là một vấn đề trước đại dịch COVID-19, và đại dịch đã cho thấy ‘sự tàn phá’ đặc biệt đối với thanh thiếu niên. Nhiều người trẻ đã phải vật lộn với những căng thẳng, lo âu và trầm cảm ở mức độ chưa từng có.

Sẽ là hợp lý nếu cung cấp những nguồn lực như các dịch vụ chuyển tiếp ngành nghề, học thuật hoặc cộng đồng, đặc biệt đối với các sinh viên quốc tế hoặc những ‘lứa mới’ đang gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường đại học. Hầu hết các trường đại học đều cung cấp những dịch vụ này, và tất cả các trường nên cố gắng hết sức để đảm bảo sinh viên của mình có thể tiếp cận được những dịch vụ này.

Nhưng sự xuất hiện của các dịch vụ trợ giúp đặc biệt ở trường đại học là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng không dịch vụ nào nên loại bỏ tất cả những thách thức và cả ‘nỗi sợ hãi’ trong trải nghiệm học đại học. Nếu làm như vậy, họ cũng sẽ kìm hãm sự phát triển của sinh viên và làm suy yếu mục đích của việc đi học ngay từ đầu.

Khi trường chúng tôi mở lại hoàn toàn các lớp học trực tiếp vào năm 2022, các sinh viên đã phải ‘chật vật’ để có thể đến đúng giờ. Các bạn trẻ đã quen với việc ‘mất 10 giây’ đi từ giường đến bàn học, nên giờ đây việc đợi xe buýt hoặc đi bộ trong thời tiết lạnh giá dường như là điều không thể tưởng tượng được. Sinh viên liên tục đến muộn, đôi khi chỉ kịp đến để nghe được năm phút cuối của bài giảng.

Nhiều sinh viên dường như không rõ về việc họ phải làm gì hay làm theo các hướng dẫn như thế nào trên lớp. Tôi nhận được nhiều email hỏi liệu tôi có cho lớp nghỉ học khi trời mưa không, liệu sinh viên đến từ miền Nam có được phép nghỉ khi có tuyết rơi hay không, hay liệu tôi có thể giảng lại một bài học mà họ đã bỏ lỡ trong giờ chính khóa hay không…

Giống như quá trình trưởng thành nói chung, vào đại học có nghĩa là thử nghiệm những điều mới và trở nên độc lập. Bản thân sự trưởng thành đôi khi đồng nghĩa với nỗi sợ hãi và sự thất bại. Nó thường không thoải mái. Sinh viên không cần ai đó đến giúp họ giặt quần áo hay đi mua sắm. Thay vào đó, họ nên tìm cách kiếm tiền để giặt đồ, nấu nướng, hay biết đặt nhiều loạt chuông báo thức nếu có giờ học sớm.

Đây là một vài trong số những kỹ năng mềm mà sinh viên cần có khi đi học đại học… Những kỹ năng này sẽ không được ‘chấm điểm’ trong một kỳ thi, nhưng nếu thiếu chúng, sinh viên sẽ không thể thành công trong trường đại học và cả trong cuộc sống.

Các kỹ năng mềm bao gồm khả năng tổ chức, trí tuệ cảm xúc, ý chí, tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề. Rèn luyện những kỹ năng này có thể sẽ ‘đau đớn.’ Nhưng không phải đó chính là cuộc sống sao? Chẳng phải đó là những điều sinh viên cần học ở trường hay sao?

Độc lập nghĩa là có thể tự thức dậy, tự ăn uống, mặc quần áo và đi làm, đi học đúng giờ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mỗi người biết tất cả các câu trả lời và có thể tự giải quyết mọi vấn đề của mình ngay từ những nỗ lực đầu tiên.

Sự độc lập và trưởng thành cũng có thể là khi một người cần sự giúp đỡ và biết mình cần đến đâu để nhận được sự giúp đỡ đó. Việc gọi những dịch vụ như ‘cho thuê mẹ’ sẽ làm suy yếu quá trình này.

Chuyen gia noi gi ve dich vu
Ảnh minh họa. (Nguồn: The Japan Times)

Những dịch vụ như thế này – có mức giá dao động từ  49 USD mỗi tháng cho đến 10.000 USD mỗi năm – cung cấp mọi thứ, từ việc cùng đi đến một cuộc hẹn bác sỹ để giúp đặt các buổi spa, cho đến giúp nhận bánh sinh nhật tuổi 21…

Một số chương trình trợ giúp đặc biệt cung cấp các dịch vụ tương tự những gì các trường đại học cung cấp, chẳng hạn như dạy kèm, hướng dẫn viết bài và hỗ trợ lựa chọn khóa học. Nhưng sinh viên có thể sử dụng các dịch vụ chính thức – và thường là miễn phí – tại trường đại học. Điều quan trọng là sinh viên cần tìm ra cho mình thời điểm và cách thức [thích hợp] để tiếp cận các nguồn tài nguyên của trường. Phụ huynh nên khuyến khích con em mình làm như vậy, thay vì trả tiền cho ai đó để giúp con.

Trong khi vẫn hỗ trợ con cái, phụ huynh nên ‘dành không gian’ để con thích nghi với những kỳ vọng ở trường đại học, điều này sẽ giúp các em phát triển các kỹ năng cần thiết để thích nghi với những tình huống mới. 

Tìm ai đó để nhờ giúp đỡ, khi nào và như thế nào không chỉ là một kỹ năng mềm – đó là một kỹ năng sống. Và nó không liên quan đến việc trả tiền cho ai đó để một thiếu niên không bao giờ phải tự tìm cách [giải quyết vấn đề cho chính mình]”./.

Theo Ngọc Duy/Vietnam+

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)