Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Chuyển giá: Quản lý hay cấm đoán?

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện tượng chuyển giá xảy ra ngày càng nhiều và gây tổn thất không nhỏ đối với nền kinh tế các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh các ý kiến phê phán gay gắt, có ý kiến lại cho rằng đây là hiện tượng phổ biến ở nhiều nước và nên tìm cách quản lý hơn là cấm đoán, bởi có cấm cũng… không được. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã phỏng vấn ông Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) về hoạt động chuyển giá trong doanh nghiệp (DN) FDI.

Lắp ráp ô tô tại Công ty Mercedes-Benz Việt Nam. Ảnh: PHẠM CAO MINH

– Phóng viên: Có ý kiến cho rằng nên coi việc chuyển giá là “chuyện bình thường” đối với các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

>> Ông EDMUND MALESKY: Theo quan điểm của tôi, chuyển giá là hoạt động thường thấy của các DN FDI. Mọi DN đều phải tìm ra cách thu phí của chính mình cho các giao dịch nội bộ, đó là đặc trưng của DN. Và trong xu thế toàn cầu hóa, các giao dịch như thế này ngày càng quan trọng đối với các DN. Họ kinh doanh ở nhiều quốc gia, có những mã số thuế khác nhau, có những chuỗi sản phẩm toàn cầu – lấy ví dụ như xe ô tô – các chi tiết thành phần có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Chính vì thế DN cần tìm ra cách định giá phù hợp cho những sản phẩm như vậy. Một vấn đề khác là rất nhiều sản phẩm và dịch vụ đã được đăng ký độc quyền, thuộc về sở hữu trí tuệ của DN. Không thể nói rằng “Cũng tương tự thôi, đó chỉ là những sản phẩm, dịch vụ cơ bản”, bởi lẽ DN đã tốn rất nhiều tiền để nghiên cứu và phát triển. Nên tránh nói rằng việc chuyển giá không thể xảy ra. Mặt khác, từ quan điểm của quốc gia, khi hành động chuyển giá bị lạm dụng, cần có sự can thiệp của Chính phủ để phân tích vấn đề và tìm ra cách giải quyết phù hợp.

– Để hạn chế hành vi chuyển giá, theo ông phía các cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì? Ông có thể cho biết kinh nghiệm quản lý vấn đề này tại các quốc gia khác?

Tôi không nghĩ các nước sẽ có một giải pháp đúng đắn chung cho vấn đề này bởi lẽ nó xảy ra ở khắp nơi. Chúng tôi đang nghiên cứu, thu thập dữ liệu từ các thị trường mới nổi ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh; cũng như các cường quốc như Mỹ, Anh, tất cả đều đang đối mặt với vấn đề này. Làm thế nào để tạo ra doanh thu một cách đúng đắn mà vẫn giữ được một môi trường kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Có một vài điều chúng ta có thể xem xét, một trong những giải pháp tốt đó là giảm thuế thu nhập DN xuống mức thấp hơn hoặc xóa bỏ thuế thu nhập DN và đánh thuế thu nhập cá nhân cao hơn. Đấy là chiến lược mà các quốc gia như Ireland và Singapore đã thử nghiệm. Một chiến lược khác là làm việc riêng với từng DN, ví dụ như Việt Nam, dự đoán lợi nhuận trong tương lai và đánh thuế dựa vào những dự đoán đó hơn là dựa vào sổ sách kế toán. Việc đưa ra dự đoán có thể sẽ khó khăn, nhưng Việt Nam vẫn cố gắng thử nghiệm. Việc đơn giản nhất mà Việt Nam nên làm là duy trì luật thuế ổn định.

– Bên ngoài câu chuyện chuyển giá, theo ông Việt Nam có những lợi thế gì để thu hút DN đầu tư?

Các nhà đầu tư nhận thấy Việt Nam khác với các đối thủ ở những điểm sau: một là họ cảm thấy đầu tư ở Việt Nam an toàn hơn so với các nước trong khu vực (ít rủi ro về các vấn đề liên quan đến hợp đồng, sở hữu trí tuệ); hai là họ cảm thấy Chính phủ Việt Nam đang trò chuyện, làm việc cùng DN để giải quyết vấn đề; ba là có sự tiến bộ trong chất lượng lao động.

Đối với các DN trong nước, chúng tôi nhìn thấy sự tiến bộ trong những điều sau: Thứ nhất, về chi phí gia nhập thị trường: rất đơn giản để cho một doanh nhân có ý tưởng tốt khởi nghiệp ở Việt Nam, một vài nơi đăng ký kinh doanh trong vòng một tuần, một vài nơi khác có thể đăng ký trực tuyến và hoàn tất trong vòng 1 ngày, trung bình thời gian từ lúc lên ý tưởng đến bắt đầu từ 15 đến 20 ngày. Thủ tục một cửa cũng giúp giảm bớt rất nhiều gánh nặng. Thứ hai, về các chi phí không chính thức: một khoản phí nhỏ mà các DN phải trả, về cơ bản là để hoàn tất các thủ tục. DN muốn quy trình cấp phép thuận lợi hay các giao dịch cụ thể nào đó. Các loại phí này thường ở mức cao và thường khó lường trước. Theo thời gian những vấn đề này đã được cải thiện. Các DN có thể biết được họ sẽ phải trả bao nhiêu cho các chi phí không chính thức này và dự đoán được trong tương lai sẽ phải chi bao nhiêu, họ coi đây là một hoạt động kinh doanh bình thường. Trên hết, nếu DN trả các loại phí này, họ sẽ biết mình nhận được gì và thuận lợi hơn trong việc xin cấp phép.

– Cảm ơn ông!

THANH THANH (SGGP)

Bình luận (0)