thời đại số Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, khi mà lý thuyết và thực tiễn luôn phải song hành thì những người vừa làm báo vừa đứng lớp đang trở thành cầu nối quan trọng để truyền ngọn lửa nghề cho thế hệ tiếp nối, bằng cả đam mê và trách nhiệm. Đó là câu chuyện nghề của những giảng viên – nhà báo nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Từ hiện trường vào giảng đường
Mỗi ngày đứng trên bục giảng, TS. Lê Nguyễn Phương Thảo – giảng viên Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) – thường bắt đầu bằng những câu chuyện từ các chiến dịch truyền thông mà chị từng trực tiếp tham gia. Với chị, từng bài học được viết ra không chỉ bằng phấn trắng bảng đen mà bằng cả trải nghiệm sống giữa vòng xoáy thông tin, giữa những thay đổi khôn lường của thế giới truyền thông số.
Với TS. Phương Thảo, mỗi lần “thực chiến” là một chuyến “thử lửa”. Kinh nghiệm không đến từ sách vở mà đến từ những chiến dịch thật, deadline thật, khủng hoảng thật… Và cũng chính từ đó, những buổi lên lớp không còn khô khan bởi lý thuyết đơn thuần mà là những buổi chia sẻ sống động với sinh viên theo học ngành báo chí.
“Thay vì chỉ giảng lý thuyết, tôi kể cho sinh viên nghe những case study thật. Điều đó giúp các em hiểu và tiếp cận nghề bằng cảm xúc, bằng hình dung cụ thể và bằng nhận thức về trách nhiệm xã hội của người làm báo”, TS. Phương Thảo tâm sự.
Giảng viên thực hành không chỉ mang hơi thở cuộc sống vào lớp học. Chính họ còn là chiếc cầu bắc giữa lý thuyết và chuyển động không ngừng của truyền thông hiện đại. Việc dạy trong môi trường sinh viên Gen Z giúp chị học lại cách tiếp cận nội dung, học cả những công cụ mới. Nhiều phần mềm dựng video, nhiều công nghệ AI hỗ trợ nội dung chị biết được là nhờ chính sinh viên của mình.
“Có những nền tảng số mới, cách sản xuất nội dung mới mà chính tôi học được từ sinh viên. Đó là một quá trình học hai chiều, nơi thầy cô không ngừng làm mới mình”, TS. Phương Thảo nói thêm.

Còn với nhà báo Trần Minh Tây, phóng viên VTV8 tại TP.Đà Nẵng có hơn 15 năm gắn bó với hiện trường, việc đứng lớp không chỉ là sự chuyển giao kiến thức mà còn là hành trình chiêm nghiệm lại nghề báo.
“Tác nghiệp ngoài thực tế cho tôi cảm giác được sống trong từng khoảnh khắc, được lăn xả, được chạm tay vào những lát cắt của cuộc sống. Còn giảng dạy lại mang đến một cảm xúc rất khác. Đó là sự kiên nhẫn, sự truyền lửa và một niềm hạnh phúc thầm lặng khi thấy học trò tiến bộ từng ngày. Giảng dạy giúp tôi nhìn thấy nghề báo không chỉ là những bản tin nóng hổi, mà còn là một “nghề truyền cảm hứng”, nơi tôi có thể gieo mầm đam mê, giúp sinh viên hiểu rằng làm báo không phải chỉ là “viết cho hay” mà là “viết cho đúng, viết cho trúng và viết có trách nhiệm”. Có những hôm tan lớp, sinh viên ở lại hỏi tôi rất nhiều ngoài những điều đã chia sẻ. Những câu hỏi đó khiến tôi nhận ra, nghề báo vẫn đang được tiếp nối, bằng một thế hệ rất đáng hy vọng. Và đó là cảm xúc mà có lẽ dù đi làm hiện trường bao nhiêu năm, tôi cũng chưa từng có được trọn vẹn như khi làm thầy”, nhà báo Minh Tây bộc bạch.
Nhà báo Minh Tây ví việc đứng lớp như một cuộc “đi thực địa lùi”, khi người viết báo quen hành động bằng bản năng phải bước chậm lại, đặt câu hỏi, hệ thống lại hành trình đã qua.
“Tôi học được cách hỏi ngược lại chính mình: vì sao mình đặt câu hỏi đó, vì sao mình cắt cảnh như thế, vì sao chọn nhịp điệu câu chữ như vậy? Từ đó, tôi biết mình đang tác nghiệp có trách nhiệm hơn”, anh nói.
Theo nhà báo Minh Tây, khó khăn nhất là việc cân bằng giữa sự thật sinh động của nghề và mô phạm của ngành sư phạm. Những gì diễn ra ngoài đời, đôi khi gai góc, trần trụi cần được chắt lọc để đưa vào lớp học sao cho vừa truyền cảm hứng, vừa không vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nhưng anh cũng tin rằng chính quá trình ấy đã giúp mình “giỏi nghề hơn khi làm thầy”.
Từ hiện trường vào bục giảng, cả TS. Phương Thảo và nhà báo Minh Tây buộc phải nhìn lại toàn bộ quá trình làm nghề của mình, hệ thống hóa kiến thức, diễn giải các kỹ năng từng xử lý theo bản năng thành những quy trình rõ ràng. Ở chiều ngược lại, việc giảng dạy cũng buộc người làm nghề phải tự vấn lại cách làm báo của chính mình.
Hai vai trò, một mục tiêu chung
Cả TS. Phương Thảo lẫn nhà báo Trần Minh Tây đều thống nhất quan điểm muốn đào tạo nên những người làm báo giỏi, không thể thiếu sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn. Trong kỷ nguyên truyền thông số, khi một sinh viên ra trường có thể trở thành nhà báo, người sản xuất nội dung, biên tập viên truyền thông số hay chuyên viên marketing thì năng lực nghề nghiệp đòi hỏi không chỉ là kỹ thuật viết mà còn là khả năng tư duy, phản biện và thích ứng.
Thực tế hiện nay, nhiều sinh viên báo chí rất năng động, sáng tạo và thành thạo công nghệ. Nhưng nếu chỉ được tiếp cận một chiều, hoặc chỉ lý thuyết suông, hoặc quá chú trọng thực hành mà thiếu nền tảng tư duy thì khó có thể trở thành những người làm báo thực thụ.
TS.Phương Thảo cho rằng: “Sự kết hợp giữa giảng viên lý luận và nhà báo thực hành là chìa khóa. Giảng viên lý luận đặt nền tảng cho sinh viên về đạo đức nghề nghiệp, tư duy phản biện, kỹ năng phân tích. Nhà báo thực hành thì đưa “đời sống thật” của nghề vào lớp học, giúp sinh viên rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế. Cái khó và cũng là cái cần là sự kết hợp ấy phải được tổ chức một cách hài hòa. Không đưa thực tiễn vào lớp học một cách thô ráp nhưng cũng không để bài giảng rơi vào khuôn sáo, xa rời chuyển động của đời sống báo chí. Điều thú vị là ở chỗ khi giảng viên làm nghề để hỗ trợ giảng dạy thì chính việc giảng dạy cũng nuôi dưỡng lại cảm xúc nghề nghiệp của người làm báo”.
Còn nhà báo Minh Tây tin rằng, trong bối cảnh truyền thông đang thay đổi chóng mặt như hiện nay, khi những yêu cầu về sự đa năng, sáng tạo và khả năng thích ứng ngày càng cao thì mô hình đào tạo kết hợp này không chỉ giúp nâng chất lượng đào tạo mà còn truyền cảm hứng cho sinh viên, giúp các bạn hiểu được rằng làm báo không chỉ là kỹ thuật mà còn là một hành trình sáng tạo có trách nhiệm với xã hội.
Chọn đứng lớp hay ra hiện trường, chọn viết báo hay dạy học, cả TS. Phương Thảo và nhà báo Minh Tây đều hướng đến mục tiêu chung đó là tiếp tục hành trình làm nghề báo một cách trọn vẹn, có lý tưởng, có nền tảng và có khả năng nuôi dưỡng thế hệ tiếp nối.
Hàn Giang
Bình luận (0)