Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chuyển hóa 21 địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội ở TPHCM

Tạp Chí Giáo Dục

Năm 2023, TPHCM đã chuyển hóa 21 địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.
Người dân giao nộp vũ khí
Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc TPHCM (Ban Chỉ đạo 138/TP) vừa có báo cáo về tổng kết công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố năm 2023.
Theo đó, năm 2023, cấp ủy và chính quyền kịp thời ban hành các nghị quyết, kế hoạch với mục tiêu cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo; định kỳ sơ kết, đánh giá, kịp thời phát hiện và khắc phục các tồn tại, yếu kém để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phù hợp.
Tính đến ngày 14-12-2023, Công an TPHCM đã bố trí 7.377 công an chính quy tại 312 công an xã, phường, thị trấn… Lực lượng công an phát huy vai trò tham mưu nòng cốt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn, chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa bàn, khu vực; chủ động triển khai mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ở địa bàn trọng điểm.
Súng, công cụ hỗ trợ được giao nộp
Việc lựa chọn địa bàn trọng điểm, phức tạp để tập trung chuyển hóa thực hiện đúng quy trình, bám sát các chỉ tiêu, tiêu chí và không vượt quá 15% so với tổng số xã, phường, thị trấn của TPHCM. Tỷ lệ địa bàn chuyển hóa đạt các chỉ tiêu chiếm gần 45% (21/47 địa bàn chuyển hóa đảm bảo tiêu chí).
Đây là sự cố gắng, nỗ lực trong triển khai chỉ đạo thực hiện của các địa phương; năm 2023, các địa phương tích cực tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm duy trì bền vững kết quả đã đạt được, giữ vững các địa bàn chuyển hóa đạt để đưa ra khỏi diện trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội.
Tại địa bàn chuyển hóa, công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và điều tra khám phá giải quyết nhanh, kịp thời các vụ việc xảy ra đã tạo lòng tin và được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đẩy mạnh với nội dung, hình thức phong phú; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được nâng cao, nhiều mô hình tự phòng, tự quản về an ninh trật tự được phát huy và nhân rộng.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo 138/TP tiếp tục đưa địa bàn chuyển hóa chưa đạt năm 2023 và chọn địa bàn mới để chuyển hóa trong năm 2024. Đối với địa bàn sau 2 năm 2022, 2023 chuyển hóa chưa đạt tùy tính chất, tình hình đề xuất xem xét xử lý trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng đơn vị và cá nhân có liên quan; tiếp tục chỉ đạo các lực lượng thực hiện công tác chuyển hóa đối với địa bàn đó.
Cùng với đó là nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình, rà soát, quản lý đối tượng, băng nhóm hoạt động tội phạm tại địa bàn cơ sở; kịp thời nắm, phối hợp giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân; giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện vay vốn để sản xuất, kinh doanh cho các đối tượng tù tha, đặc xá trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là công tác quản lý cư trú, quản lý đối tượng, người nước ngoài, các cơ sở kinh doanh có điều kiện, khách sạn, nhà trọ, cơ sở cầm đồ, vũ trường, quán bar, karaoke, dịch vụ massage, vùng giáp ranh… để chủ động phát hiện tội phạm, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật; vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng nòng cốt ở cơ sở, duy trì tuần tra ban đêm tại khu vực trọng điểm, phức tạp, địa bàn giáp ranh.
CHÍ THẠCH (theo SGGP)

Bình luận (0)