Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chuyện học ở cù lao

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Bài 1: Cháy bỏng ước mơ đến trường

Anh Dương Văn Thanh một ngày 5-6 lần đưa đón con đến trường như thế này

Chúng tôi hỏi đường về Xóm Gò (tổ 16, 17 và 18, ấp 1, xã Phong Phú, Bình Chánh, TP.HCM) nhưng nhiều người nói làm gì mà có đường để đi về nơi đó. Quả thật đúng như vậy, sau mươi phút ngồi trên chiếc đò ngang thì Xóm Gò cũng hiện ra trước mắt chúng tôi. Đó là một ốc đảo bị cô lập với thế giới bên ngoài vì những nhánh sông (trong hệ thống sông Chợ Đệm) chia ngang cắt dọc. Xóm Gò tuy là một ấp thuộc địa bàn TP.HCM nhưng chẳng khác gì một vùng quê hẻo lánh, không điện, nước… còn chuyện học hành ở đây là cả một câu chuyện dài…
Nhọc nhằn theo “con chữ”
Trong ngôi nhà lá, chị Huỳnh Thị Bảy, tổ 17 nói về chuyện học của hai đứa con xen lẫn trong tiếng thở dài: “Ngày nào tôi cũng phải chạy ghe 5-6 bận ra vào để đón đưa hai đứa con đi học. Những ngày nước lên thì đỡ, còn vào những ngày nước xuống phải cõng các cháu gần cây số dưới bùn thì mới thấy trần ai”. Nhà chị Bảy có hai người con, đứa lớn đang học lớp 3, còn đứa nhỏ đang học mẫu giáo. Chồng chị, anh Dương Văn Cường làm nghề ươm cá giống, còn chị việc đưa đón con đi học đã gần hết ngày, nên cũng chẳng làm được gì thêm. Kinh tế gia đình vốn khó khăn nay lo cho hai đứa con đi học lại càng túng thiếu hơn. Dọn bữa cơm trưa trên nền đất với ít thịt luộc, rau sống theo chị là đã “thịnh soạn” hơn mọi ngày.
Chị Bảy đang trò chuyện với chúng tôi, thì anh Thanh (Dương Văn Thanh – anh chồng chị Bảy) đến góp chuyện. Anh Thanh vừa đi đón hai đứa con là Dương Thanh Tùng, học lớp 4, Trường Tiểu học Phong Phú và Dương Thanh Vũ học lớp lá Trường MN Hướng Dương về. Phải lội dưới bùn, bồng đứa con từ ghe lên bờ, gặp chúng tôi anh Thanh vẫn còn thở dốc: “Cả đêm qua tôi phải đi thả lưới, sáng ra mang vào chợ bán rồi về đón hai tụi nhỏ đi học; trưa đón đứa nhỏ về vì trường chỉ học một buổi, chiều lại ra đón đứa lớn. Cả tháng nay bị bệnh, nhưng cũng phải ráng, nếu không tụi nhỏ thất học mất”.
Trên con đường đất ngoằn ngoèo, chúng tôi đến nhà anh Hai Khoa khi anh đang lúi húi sửa chiếc đèn dầu chuẩn bị cho buổi tối. “Tôi bảo cháu, nếu có bài vở thì cứ học ở lớp hết đi, tối về chỉ xem sơ qua thôi chứ không hư mắt vì thiếu ánh sáng. Nhiều hôm tôi phải thắp đèn cho cháu học trong mùng, nhưng sợ cháu đánh đổ đèn dẫn tới cháy nhà. Vì vậy phần lớn cháu phải học ở bên ngoài, nhiều hôm cháu bị muỗi đốt sưng cả người. Nhìn con cái học hành khổ sở, tôi thấy tội lắm nhưng không biết làm gì”, anh Khoa phân trần. Phải sống trong bốn bề là sông nước, việc đi lại, học hành của học sinh Xóm Gò càng cơ cực hơn khi mùa mưa về. “Những hôm rước các cháu đi học về gặp phải trời mưa to, gió lớn qua sông mà lòng cứ hồi hộp, miệng luôn niệm phật để cầu mong chiếc xuồng mong manh của cha con chúng tôi được cặp bờ an toàn”, anh Khoa tâm sự.
Ông Phan Văn Thất, Trưởng ấp 1 kể, trước kia thấy tụi nhỏ ở Xóm Gò thất học, năm 2003, ấp đã tổ chức một lớp học tình thương. Cô Nguyễn Thị Ngọc Yến tình nguyện hàng ngày ra Xóm Gò dạy học. Nhưng rồi, năm 2005 cô lập gia đình theo về gia đình chồng nên nhiều trẻ em Xóm Gò phải nghỉ học. Từ đây những gia đình có điều kiện hơn một chút, ý thức được chuyện học nên gửi con sang xã khác học tiếp, còn phần lớn các cháu phải nghỉ học”. Trong những gia đình chúng tôi gặp, nhiều gia đình có tới 7, 8 người con đều “lỗi hẹn” với trường lớp như gia đình ông Trần Văn Phơi, Trần Văn Giái…
“Ông cử” ở ốc đảo
Giữa trưa, trời nắng như đổ lửa, chị Hai vẫn cặm cụi dưới sông để thả lưới kiếm sống. Tôi hỏi, sao chị không nghỉ trưa? Chị đứng dậy vén chiếc mũ, nói với giọng trầm buồn: “Mấy ngày nữa phải đóng tiền học cho cháu, nhưng giờ gia đình chẳng còn đồng nào. Tôi tranh thủ kiếm chút đỉnh cá, bán lo cuộc sống và dành dụm cho cháu đóng tiền học”. Gia đình chị Hai thuộc diện nghèo nhất nhì ở tổ 17, chồng chị lại vừa mới mất. Nhưng nói đến chuyện học hành của hai đứa con, chị rất tự hào: “Coi cực khổ, thiếu thốn vậy chứ đứa lớn nhà chị là em Lê Hiếu Hạnh hiện đang học tại Trường Cao đẳng Nghiệp vụ Phú Lâm, đứa thứ hai đang học tiểu học. Nghèo thì nghèo, bữa đói bữa no nhưng phải bấm bụng cho bọn trẻ học hành đến nơi đến chốn. Thời buổi này không học hành chắc là không làm ăn được gì đâu” – chị Hai nói vọng lên từ mé sông.
Cái ăn, cái mặc, điện nước thiếu thốn đã đành, các em học sinh ở đây còn phải đối mặt với những hiểm nguy đến tính mạng mỗi khi mùa mưa, hay nước lên. Chuyện học ở Xóm Gò vẫn còn trăm bề khó khăn như thế, nhưng có nhiều người con ở Xóm Gò vẫn gượng dậy để đến trường mong thoát khỏi đói nghèo. Và nhiều người trong số đó vào được đại học, cao đẳng, trung cấp như: cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Linh (hiện là Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Phú), Nguyễn Thị Hoài Linh (làm việc tại UBND huyện Bình Chánh), hay gia đình anh Tô Văn Chờ, vừa làm kinh tế giỏi vừa có 5 người con được học hành đàng hoàng. 
Ông Võ Đình Thâm, Phó chủ tịch xã Phong Phú cho biết: Đến thời điểm này, tổ 16, 17, 18 (thuộc ấp 1) là nơi khó khăn nhất của huyện Bình Chánh và của TP.HCM. Ấp 1 có ba tổ gồm 120 hộ dân với gần 200 nhân khẩu, trong đó có 74 em còn đi học từ mầm non tới cao đẳng. Tuy khó khăn nhưng xã luôn hỗ trợ học bổng, sách vở để các em có thể đến trường. Còn ông Nguyễn Văn Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định, theo kế hoạch của huyện, vào cuối tháng 5 này tất cả ba tổ 16, 17, 18 sẽ có điện, còn nước đang được khảo sát để khoan giếng. Song song đó huyện đang có kế hoạch làm cầu Cống Lớn và con đường ven theo sông Bà Lào để thông tổ 16, 17 và 18 với nhau.
Bài, ảnh: Văn Mạnh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)