Hội nhậpThế giới 24h

Chuyện học ở ngôi trường lớn nhất thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Với 52.000 học sinh và 1.050 lớp học, Trường City Montessori ở Ấn Độ gây chú ý khi một nửa 
số học sinh của trường đạt kết quả từ 90% trở lên trong các kỳ thi quốc gia.

Trường City Montessori ở Ấn Độ với 52.000 học sinh và 1.050 lớp học - Ảnh: Barcroft India
Trường City Montessori ở Ấn Độ với 52.000 học sinh và 1.050 lớp học – Ảnh: Barcroft India

Khởi đầu khiêm tốn chỉ với một tòa nhà và năm học sinh, Trường City Montessori (CMS) hiện nay đã trở thành ngôi trường lớn nhất thế giới được sách Guinness công nhận, với khoảng 52.000 học sinh các bậc: mầm non, tiểu học và trung học đang học tập tại 20 cơ sở, theo tờ Guardian.

Tọa lạc tại thành phố Lucknow, Uttar Pradesh, CMS được thành lập bởi tiến sĩ 75 tuổi Jagdish Gandi và vợ của ông Bharti vào năm 1959. Số phòng học lên đến 1.050 với trung bình 45 học sinh/lớp, vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu gửi con em của các bậc phụ huynh trong thành phố. Các lớp học hầu như luôn trong 
tình trạng kín chỗ.

Tuy khá rộng lớn và thu hút lượng lớn học sinh, nhưng CMS lại có mức học phí thấp hơn 25% mặt bằng chung của các trường ưu tú khác ở Lucknow, học sinh chỉ phải trả từ 450 – 1.050 USD/năm. Ngoài ra, 1/4 số học sinh thuộc diện khó khăn còn được giảm 40% học phí.

CMS đặc biệt chú trọng vào chính sách khuyến khích và hỗ trợ giáo viên. Các giáo viên được phát huy hết khả năng sáng tạo, với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học hiện đại. Lương giáo viên cũng được trả xứng đáng theo năng lực và công sức cống hiến. Hằng tháng, giáo viên còn được thưởng thêm 1% tiền lương/học sinh nếu lớp phụ trách có số học sinh vượt quá 45.

Để hỗ trợ công tác quản lý, cứ mỗi 35 lớp học sẽ có hai điều phối viên phụ trách. Trong các lớp học có sĩ số đông, giáo viên đứng lớp luôn có kèm thêm trợ giảng vào mỗi buổi học. Các trợ giảng có nhiệm vụ chấm điểm, giám sát và trả lời thắc mắc của 
học sinh trong giờ học.

Để tạo động lực học tập cho học sinh, hằng năm trường đều dành khoảng 150.000 USD làm phần thưởng khuyến khích cho những cá nhân đạt thành tích cao khi tham gia các kỳ thi quốc gia. Ngoài các cuộc họp phụ huynh thường xuyên, mỗi tháng giáo viên chủ nhiệm sẽ thăm nhà năm học sinh trong lớp. Giáo viên có nhiệm vụ tìm hiểu môi trường học tập của trẻ và tạo mối liên kết chặt 
chẽ với phụ huynh.

Không chỉ dừng lại ở giảng dạy kiến thức, nhà trường còn chú trọng rèn luyện đạo đức cho học sinh. Lễ hội văn hóa và tôn giáo được tổ chức thường niên để học sinh có cơ hội giao lưu và học hỏi.

Mục tiêu giáo dục mà tiến sĩ Jagdish Gandi hướng tới cho CMS ngay từ khi thành lập là: đào tạo nên những công dân toàn diện có kiến thức, kỹ năng và đạo đức để đáp ứng nhu cầu xã hội 
trong tương lai.

 

HUYỀN TRANG/TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)