Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chuyển khó khăn thành tích cực

Tạp Chí Giáo Dục

GV hướng dẫn HS cách luyện từ và câu. Ảnh: N.Trinh
Hiện nay, các thầy cô giáo thường gặp khó khăn khi giảng dạy, đó là sự chênh lệch lớn về kiến thức của học sinh (HS) trong lớp.
Khi giảng bài mới, khá nhiều HS đã biết rồi nhưng sự hiểu biết của mỗi em lại không cùng một trình độ. Những HS còn lại thì chưa biết gì về kiến thức sắp học. Chính điều này đã là một trở ngại lớn cho giáo viên (GV) khi thiết kế bài giảng và ngay trong thực tế khi giảng dạy ở lớp.
Trình độ, kiến thức của HS trong cùng một lớp khác biệt nhau rất lớn cũng là điều dễ hiểu. Bởi thực tế hiện nay, nhiều HS đã được cha mẹ cho học trước bài ở nhà. Việc học trước này cũng nhiều kiểu, do chính cha mẹ hay anh chị dạy, do học ở trung tâm, do học thêm từ các thầy cô giáo… Vì thế, có em được tiếp nhận các kiến thức mới rất bài bản như chính thầy cô dạy ở lớp nhưng cũng có em học như “con vẹt” (biết như thế, làm như thế nhưng không hiểu tại sao) và có em đã học nhưng hiểu “lơ mơ”, thậm chí hiểu sai, biết sai… Thế nhưng, do tâm lý đã biết, đã được học rồi, nên khi vào lớp, các em này không tập trung nghe GV giảng bài mà thường trả lời thật lớn khi thầy cô chưa gọi phát biểu hay giơ tay thật cao “tranh nhau” phát biểu để khoe sự “hiểu biết” của bản thân so với bạn bè chưa được học. Những em chưa được học cảm thấy kém cỏi hơn bạn, càng rụt rè, thụ động hơn. Khá nhiều GV đã chọn giải pháp là bảo các em đã được học phải im lặng, không gọi những em này phát biểu, xem như cả lớp chưa ai biết qua kiến thức mới này và tiến hành các bước lên lớp. Việc giảng dạy như thế đối với HS chưa được học trước là điều bình thường nhưng với những em đã được học thì thật chán ngán; ngồi im lặng nhưng các em không tập trung vì luôn nghĩ mình biết rồi, tại sao phải học lại và các em bị buộc phải thụ động học tập.
Theo tôi, trước khó khăn này, GV cần nhanh chóng thiết kế bài dạy, tổ chức tiết học theo hướng phát triển năng lực học tập của từng em, tăng cường dạy học theo hướng cá thể hóa. Chẳng hạn, ở lớp 1 hiện nay, nhiều em đã đọc thông viết thạo như HS lớp 2. Vậy khi dạy, nếu các em đã đọc viết xong các âm, vần đã học trong ngày thì yêu cầu tất cả HS ở nhóm học trước này đọc các truyện tranh. Thời gian đó, GV dành rèn HS còn đọc, viết chậm. Sau đó, GV cho các em ở nhóm đã học trước đọc các truyện tranh trước lớp và sửa chữa các âm, vần mà các em phát âm chưa chính xác. Như thế, các em không có cảm giác chán mà còn phát huy được năng lực học tập của mình. Ngoài ra, GV cũng có thể nhờ những HS đọc thông, tính thạo cùng mình giúp đỡ những bạn còn chậm, yếu của lớp. Hay ở lớp 5, khi dạy các phép tính về số thập phân, ngay từ đầu, GV hãy gọi những HS đã học trước ở nhà lên bảng làm, nếu các em làm đúng thì yêu cầu nêu cách làm cho cả lớp cùng nghe. Chắc chắn các em ấy không thể diễn đạt mạch lạc, chính xác như thầy cô được. Lúc này, GV có thể nhận xét: “Em đã thực hiện phép tính rất đúng, thật đáng khen! Nhưng em chưa nắm vững thuật tính vì thế không thể hướng dẫn được cho các bạn. Vì vậy, em hãy chú ý lắng nghe để có thể giúp thầy (cô) chỉ cho các bạn chưa vững sau này”. Vừa được phát huy việc học tập của mình, vừa thấy mình còn thiếu sót, các em ấy sẽ tập trung học tập hơn. Khi luyện tập, GV cũng cần cho nhóm HS học trước những bài tập đòi hỏi tư duy cao hơn thay vì chỉ là những bài tập đơn giản như HS mới vừa học ở lớp. Cách thực hiện trên còn làm cho HS được học trước nhận ra việc học là vô tận, bản thân mình chỉ mới “biết 1 chưa biết 10”, từ đó các em sẽ tránh được sự tự kiêu là mình giỏi hơn các bạn.
Lê Phương Trí
Hiện nay, mong muốn một lớp học có mặt bằng kiến thức như nhau để GV dễ dàng trong dạy học là điều không thể. Lớp học với nhiều trình độ rất khó trong giảng dạy. Nếu GV nắm được trình độ của từng HS trong lớp, đầu tư cho việc tổ chức tiết học thì chắc chắn rằng, HS sẽ tích cực học tập vì các em được thể hiện mình và thấy rằng thầy cô luôn đem đến những điều mới mẻ từ những bài học mà mình đã từng học qua.
 

Bình luận (0)