Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chuyện “kỳ lạ” ở buôn làng

Tạp Chí Giáo Dục

Góc học tập của Nguyễn Thành Nhân- Ảnh: Lê Bình“Suốt ngày thấy H’Wer ngoài đồng, trên rẫy và cái tay dắt bò… vậy mà vào ĐH à, không tin đâu!” – bà con buôn Kam (xã Dak Liêng, huyện Lak, tỉnh Đắc Lắc) ngớ người với cái tin lần đầu tiên một cô gái trong buôn vào ĐH.

Không chỉ ở buôn Kam, bà con làng Kon Srệk, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy (Kontum) cũng có tâm trạng đó khi biết “thằng A Răn” nghèo rớt trở thành tân SV đầu tiên của cái làng người Xê Đrá (một nhánh của người Xê Đăng). Bà con làng Pleimơnú, xã Chư Á, TP Pleiku (Gia Lai) khi biết chuyện cô học trò nhỏ Siu H’Ma Na Tha của làng Jrai mình vào ĐH tận TPHCM đã hào hứng thật sự với niềm tin: “Làng mình rồi sẽ có thêm nhiều Ma Na Tha nữa đấy!”.

Trong nhiều buôn làng vùng sâu, vùng xa Tây nguyên hôm nay, không chỉ với bà con dân tộc ít người, việc một bạn trẻ vào ĐH là cả một điều kỳ lạ. Mấy ngày nay, bà con thôn Suối Tre, thôn đặc biệt khó khăn của xã Ea Pô, huyện Cư Jut (Đắc Nông) cứ ngồi với nhau là kể chuyện Nhân “ròm” như một cổ tích mới của thôn.

Cổ tích mới từ măng rừng, ngô bãi…

Ông Sáng, thôn phó thôn Suối Tre, bảo: học trò ở đây học đến cấp III đã hiếm, nói chi chuyện cháu Nguyễn Thành Nhân đỗ hai trường ĐH. Đường từ làng đến trường hơn 12km, toàn lối mòn với lổn nhổn ổ trâu, ổ voi. Bụi, sình lầy… Học trò đi học mặc áo quần đi làm rẫy; gần đến trường mới dám thay đồng phục.

Một bạn bảo: quãng đường Nhân đạp xe trong một năm lớp 12 đã gấp mấy lần đường từ Đắc Nông về quê cũ của Nhân ở Hải Dương. Vậy mà sau giờ học bà con lại thấy Nhân cặm cụi trồng ngô trên một bãi trống gần nhà kiếm tiền mua tập vở. Chúng tôi đã sững sờ khi biết góc học tập của người học trò này là những thùng giấy đựng bột giặt, sữa, mì tôm xếp lại. “Quán tạp hóa đầu xã cho đấy” – Nhân khoe.

Hôm nay tiếp sức 150 tân SV Tây nguyên

19g30 tối nay 17-9, tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng, chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần 224 – học bổng “Tiếp sức đến trường” 2008 sẽ tổ chức trao suất học bổng cho 150 tân sinh viên vượt khó, học giỏi thuộc khu vực năm tỉnh Tây nguyên (Đắc Nông, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai, Kontum). Học bổng trị giá 4.000.000 đồng/suất, tổng trị giá là 600 triệu đồng.

Dịp này, chương trình cũng trao phần thưởng cho hai thủ khoa Nguyễn Trọng Nghĩa và Nguyễn Tử Mạnh Cường, tỉnh Đắc Lắc, đạt điểm tuyệt đối 30/30. Phần thưởng trị giá 5.000.000 đồng/phần do Công ty TNHH Acer Việt Nam tài trợ.

T.O.

Già Buynh Kra, buôn Kam, bên niềm vui “có đứa học trò nhiều chữ nhất buôn” vào ĐH đã kể chuyện H’Wer đi học từ 3-4g sáng vì nhà cách trường 15km. Không chỉ đi bộ mà trong gùi đựng tập vở còn có bầu, bí, rau, măng le… “Tiện đường đến trường mang đỡ cho mẹ ra chợ một chút ấy mà” – H’Wer bảo.

Món tiền lớn nhất mà H’Wer – cô học trò Mnông này – có được có lẽ là 100.000 đồng mẹ giúi cho khi lên TP Buôn Ma Thuột thi ĐH. Nhưng mẹ còn cho H’Wer tài sản khác quý hơn nhiều khi bảo con: “Cái chân khỏe thì cố đi. Cái bụng đừng nghĩ đến chuyện buồn phiền mà quên cái chữ trong đầu”. Mẹ nói thế thì H’Wer nghe thế, chứ đi học mà nặng gánh gia đình quá. Lo đến mức khi nhận được giấy báo nhập học khoa văn Trường ĐH Tây nguyên, H’Wer không

dám đưa mẹ xem và vẫn chưa dám nghĩ chuyện đi học. Mãi đến đầu tháng chín khi thấy bạn bè bà con đến chúc mừng, người mẹ mới biết. Bà chảy nước mắt vì hạnh phúc và chạy tìm người bán luôn một sào lúa non, dù không biết sau này sẽ sống bằng gì…

Còn tài sản mà Ma Na Tha nhận được từ người cha, ông Siu Mơ: “Làng mình trước nghèo lắm, đến muối còn không đủ ăn nên không ai đi học. Bây giờ cuộc sống đỡ nhiều rồi. Con phải học, không có tiền thì đi vay, cả nhà cùng làm để trả”. “Nghe cha nói mà rớt nước mắt”, suốt quãng đường hơn 10km đạp xe mỗi ngày, Ma Na Tha cặm cụi đến trường cố học.

Thật khó ai có thể nghĩ Ma Na Tha 12 năm liền học phổ thông đều là học sinh giỏi toàn diện; tốt nghiệp phổ thông với 50,5 điểm. Hơn thế, cô nữ sinh Jrai từ làng Pleimơnú xa xôi ấy đã bước vào giảng đường ngành quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM với 18,75 điểm. “Học xa như thế, học ngành rộng như thế chỉ để về gần hơn với buôn làng mình thôi” – Ma Na Tha bặm môi nói về ước mơ của mình.

Hồi ức của 2 mẹ con

* Mẹ (bà Vũ Thị Ngần – thôn 9, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc): Chồng bỏ đi khi con chưa đầy 5 tháng tuổi. Tôi làm đủ mọi việc: từ chạy chợ với mớ rau, quả cà… cho đến làm thuê kiếm tiền nuôi con ăn học. Đã thế tôi còn mắc bệnh gai cột sống và viêm xoang mãn tính. Vài năm trở lại đây, trong nhà không bao giờ đủ tiền đong một lần 5kg gạo, chạy ăn từng bữa.

Con gái (Ngô Thị Anh Phương), có giấy báo đậu ĐH, CĐ càng làm tôi lo lắng cho con. Hơn năm năm qua, mọi việc lớn nhỏ đều đổ lên vai cháu. Hằng ngày cứ 4-5g sáng, đứa con gái đang học lớp 12 phải dậy phụ giúp mẹ hái rau đưa ra chợ bán, sau đó mới đến trường với vài củ khoai lang, chuối xanh luộc. Nếu không có những tấm lòng của bà con, bạn bè giúp đỡ, cháu đã nghỉ học giữa chừng rồi.

* Con gái (Ngô Thị Anh Phương – vừa đậu hai trường ĐH Tây nguyên và Học viện Công nghệ bưu chính – viễn thông TP.HCM): Đời mẹ khổ nhiều lắm; nhịn đói để lo cho em. Bà con trong thôn cũng giúp đỡ: khi tấm áo, khi ký gạo…

Bây giờ không tiếp tục đến được với giảng đường thì có lỗi và phụ lòng yêu thương ấy. Em sẽ cố gắng, cực thì em cũng quen rồi. Những năm học cấp III ở Trường chuyên Nguyễn Du, Buôn Ma Thuột, cách nhà hơn 10km, đi về bằng xe đạp, lót dạ bữa ăn trưa bằng khúc bánh mì không hoặc vài củ khoai nhưng em vẫn đến trường được mà.

ĐÌNH ĐỐI

 

 

ĐÌNH ĐỐI – TẤN HÒA – LÊ BÌNH (tuoitre.com.vn)

 

Bình luận (0)