Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chuyện làm giàu của một thương binh

Tạp Chí Giáo Dục

Chiến tranh đi qua với nhiều vết thương hằn sâu trên cơ thể, nhưng bằng ý chí vượt khó, ông Sử Công Hầu (64 tuổi, ngụ ở ấp Bình Tốt A, xã Vĩnh Phú Tây, H.Phước Long, Bạc Liêu) đã trở thành triệu phú.
Bôn ba xứ người kiếm sống
Ông Hầu kể sau khi lập gia đình, ông được cha mẹ cho 10 công đất để làm ruộng. “Nói 10 công “cho oai” chứ thực chất đây là lung trũng, bị nhiễm phèn, mặn nặng, cây cỏ mọc um tùm, làm lúa mùa thì cuối vụ chỉ đi lắc từng bông còn nuôi cá cũng không xong”, ông Hầu nói. Sau thời gian sống trên mảnh đất rộng lớn nhưng cuộc sống vẫn cứ nghèo khó, năm 2000, vợ chồng ông Hầu dắt nhau xuống H.Ngọc Hiển (Cà Mau) để thuê đất nuôi tôm với mong ước được đổi đời. Tuy nhiên, kết quả không như ông mong đợi. Sau 2 năm, con tôm đã làm vợ chồng ông hết vốn, lại còn ôm thêm nợ, đành phải đi giữ vuông tôm mướn kiếm sống qua ngày.
Ông Sử Công Hầu (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá bống tượng với bà con - Ảnh: Trần Thanh Phong
Ông Sử Công Hầu (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá bống tượng với bà con – Ảnh: Trần Thanh Phong
Không cam chịu cảnh nghèo khó, sau thời gian làm mướn, vợ chồng ông Hầu quyết định quay về quê tiếp tục bám đất mưu sinh. Những năm tháng bôn ba xứ người tuy thất bại nhưng giúp ông Hầu có thêm kinh nghiệm và dần thay đổi trong suy nghĩ tính toán làm ăn. Ông cần cù, chịu khó tiếp cận học hỏi các mô hình mới để ứng dụng vào sản xuất, nên cuộc sống dần ổn định. Năm 2003, ông Hầu bàn với gia đình cải tạo hơn 4.000 m2 đất vườn tạp quanh nhà đào ao nuôi cá bống tượng. Lúc đầu ông gặp rất nhiều khó khăn do chưa nắm được kỹ thuật nuôi cũng như thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc cá. Sau đó, nhờ chịu khó tham gia các lớp tập huấn khuyến ngư, nghiên cứu thêm tài liệu mà ông Hầu có một vốn kiến thức nhất định để nuôi thành công cá bống tượng.
Đổi đời nhờ cá bống tượng
Theo ông Hầu, nếu hiểu rõ thì cá bống tượng rất dễ nuôi. Nguồn con giống chủ yếu có trong tự nhiên nên tỷ lệ sống khá cao, thức ăn là cá tạp, tép, ốc… mua của người dân địa phương nên giá rất thấp. Sau 18 tháng thả nuôi, cá bống tượng đạt trọng lượng từ 0,5 kg trở lên là có thể thu hoạch. Tuy nhiên, để nuôi đạt hiệu quả, cá ít bị bệnh cần thường xuyên kiểm tra môi trường ao nuôi, cho cá ăn đủ số lượng, kích cỡ mồi phù hợp. Ông Hầu cho biết: “Cá bống tượng sống ở tầng sâu nên phải đảm bảo đáy ao luôn sạch, không ô nhiễm đất, nguồn nước. Định kỳ nên sử dụng một số chế phẩm sinh học phân hủy đáy ao nhằm ổn định môi trường, tăng sức đề kháng, hạn chế dịch bệnh giúp cá phát triển tốt”.
Hiện gia đình ông Hầu có 3 ao cá bống tượng, khi thu hoạch ông chỉ bắt cá lớn bán còn cá nhỏ để lại nuôi tiếp. Tuy vậy, mỗi đợt ông cũng có trên 100 kg cá thương phẩm, bán từ 350.000 – 400.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phi ông lời từ 50 – 70 triệu đồng/vụ. Bên cạnh nuôi cá bống tượng, ông Hầu còn đầu tư xây 2 hầm nuôi lươn, mỗi năm thu hoạch 2 đợt, lời gần 10 triệu đồng/đợt. Để tăng thêm thu nhập, ông Hầu còn tận dụng đất trống quanh nhà trồng rau, cây ăn trái và chăn nuôi heo sinh sản.
Những năm qua, khi Bạc Liêu tổ chức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông cũng cải tạo phần đất trồng lúa kém hiệu quả còn lại sang nuôi tôm. Đặc biệt, việc các ngành chức năng tỉnh thực hiện điều tiết nước phù hợp đã giúp ông liên tục trúng mùa tôm, cho thu nhập mỗi năm hơn trăm triệu đồng. Ngoài ra, ông Hầu còn tận dụng làm lại một vụ lúa trên đất nuôi tôm, thu về hàng trăm giạ lúa mỗi năm. Giờ đây, khi đã có của ăn của để, nhưng nhớ lại một thời gian khó ông Hầu lại tích cực tham gia các phong trào tại địa phương nhất là xây dựng nông thôn mới. Ông luôn sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm đã tích lũy được với bà con xung quanh để cùng làm giàu.

Trần Thanh Phong (TNO)

 

Bình luận (0)