Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Chuyện lương bổng của CEO thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tháng tám vừa qua, trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã gặp nhau, cùng thống nhất đề xuất cắt giảm lương bổng của lãnh đạo cao cấp các ngân hàng, đồng thời siết lại quy định về lương thưởng đối với các CEO.
Ông Sarkozy, người đưa ra sáng kiến, muốn ý định này được lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn của thế giới ủng hộ.
CEO của AIG Edward Liddy điều trần trước quốc hội Mỹ trong sự phản đối của người dân
Nhận hỗ trợ thì thôi lương cao
Tất nhiên muốn người khác ủng hộ thì mình phải đi đầu: Trước khi hai ông bà Sarkozy – Merkel gặp nhau, Pháp thông báo các ngân hàng nước này đã thống nhất với đề xuất của chính phủ cắt giảm lương, thưởng của giám đốc, chủ tịch các ngân hàng. Và bà Merkel đã cam kết hoàn toàn ủng hộ đề xuất của ông Sarkozy.
“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều công ty làm ăn thua lỗ, vậy mà sau khi nhận hỗ trợ, thay vì biết điều xem lại hoạt động của mình, cơ cấu lại tổ chức… thì họ (một số ngân hàng – PV) lại tiếp tục sống như chưa có chuyện gì xảy ra”, bà Merkel nói.
Hiện chính phủ Đức đang giới hạn thu nhập của quan chức các ngân hàng trực tiếp nhận hỗ trợ tài chính của chính phủ. Trong những trường hợp này, mức lương của CEO được quy định ở mức không cao hơn 500 ngàn euro/năm (gần 14 tỷ đồng).
Trong thư gửi các đồng nhiệm G20, Bộ trưởng Tài chính Đức Peer Steinbrueck nói: “Lãnh đạo các ngân hàng phải chịu một phần trách nhiệm về hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính”.
Ông nói thêm: Việc chi trả lương cao ngất cho lãnh đạo các công ty, tập đoàn sử dụng nhiều ngân sách, hay chỉ tồn tại được nhờ hỗ trợ từ chính phủ, là không thể chấp nhận.  
Bộ trưởng Tài chính Đức kêu gọi các nền kinh tế ra quy định chặt chẽ về việc chi trả lương thưởng, công khai lương của lãnh đạo cao cấp cũng như kết quả kinh doanh.     
Lời kêu gọi của lãnh đạo Đức, Pháp diễn ra trong bối cảnh công chúng nhiều nước trên thế giới tỏ ra giận dữ với những khoản lương bổng ngất trời mà các CEO được chi trả trong khi công ty, tập đoàn mà họ lãnh đạo làm ăn bết bát.
Dư luận Mỹ đã sôi sục khi cuối năm 2008 và cả năm 2009, kinh tế nước này hắt hơi sổ mũi liên tục, tỷ lệ thất nghiệp lên gần hai con số, cao nhất từ trước tới nay. Trong khi ấy, hạng đại gia như tập đoàn bảo hiểm AIG trong khi phải ngửa tay nhận 150 tỷ USD tiền hỗ trợ từ Chính phủ Mỹ, nhưng vẫn chi thưởng cho lãnh đạo tập đoàn tới 165 triệu USD.
Công chúng Mỹ nổi giận trước hành động mà họ cho là trơ tráo này. Và kết quả là ban lãnh đạo của AIG đã phải trả lại hầu hết số tiền thưởng đã nhận. Rồi gần đây nhất, Ngân hàng Mỹ (Bank of America) cũng đã quyết định hoàn lại 45 tỷ USD tiền trợ cấp đã nhận từ chính phủ. Chính quyền của Tổng thống Obama cũng phải ra quy định siết lại lương bổng của các CEO.
Tự cắt giảm lương
Trong khi nhiều CEO bị chỉ trích là tham lam vô độ thì nhiều lãnh đạo tập đoàn danh tiếng lại tự cắt giảm lương nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính.
Chủ tịch tập đoàn tài chính khổng lồ Citigroup (Mỹ) Vikram Pandit sẽ nhận lương năm 2009 với mức tượng trưng 1 USD. Ông này cũng không nhận các khoản lợi tức cổ phần trong Citigroup. Quyết định của ban lãnh đạo tập đoàn được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ suy thoái và Citigroup cũng có tên trong danh sách các tập đoàn phải nhận hỗ trợ từ chính phủ Mỹ.
Kể từ khi cuộc suy thoái khởi phát hồi năm ngoái, Citigroup là một trong những tập đoàn nhận tiền hỗ trợ nhiều nhất, đồng thời cũng phải bán 1/3 số cổ phiếu tập đoàn cho chính phủ. Bên cạnh đó, tập đoàn này phải nhượng lại nhiều công ty con và tái cơ cấu các chi nhánh để có qui mô nhỏ hơn và phù hợp với thực tiễn hơn.
Người đứng đầu một “gã khổng lồ” khác, tập đoàn may mặc Gap, Glenn Murphy từ tháng 3-2009 tình nguyện giảm 15% lương năm nay trong nỗ lực giảm chi phí để bù đắp thâm hụt doanh thu của hãng.
Gap, sở hữu các cửa hàng mang thương hiệu Gap cùng các nhãn hiệu Old Navy và Banana Republic, cũng tuyên bố hãng sẽ giảm số thành viên ban lãnh đạo từ 13 xuống còn 10, đồng thời giảm 15% lương và cổ tức của toàn bộ ban lãnh đạo.
Lãnh đạo Gap, Glenn Murphy nói, đây là thời điểm thích hợp để Gap xem xét lại quy mô của hãng và số lượng nhân sự. Trước đó, hồi tháng hai, Gap công bố lợi nhuận quý 4- 2008 của hãng giảm 8,3% còn 243 triệu USD, dù kết quả này vẫn khá hơn mức dự báo của trung tâm tài chính phố Wall.
Các chuyên gia nói rằng trong bối cảnh suy thoái, mức lợi nhuận của Gap đạt được như vậy là do hãng nhanh chóng tập trung giảm chi phí và tái cơ cấu. Trong năm tài chính vừa rồi, Gap giảm tới 475 triệu USD chi phí sản xuất.
TheoTiền Phong(France24, Wall Street Journal, AP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)