Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chuyện một cô bé đồng tính tự sát gần chục lần

Tạp Chí Giáo Dục

"Em nghĩ chỉ có cái chết mới có thể giải thoát được mình và em tìm mọi cách để chết. Em đã có gần chục lần tự sát nhưng không thành. Khi thì thuốc không phát huy tác dụng, lúc kề cận với máu me, em lại thấy quý mạng sống nên tự cứu mình".
Sau lần thứ 6 chết hụt, Đ. mới thấy hành động tự sát của mình quá nông nổi và hèn nhát. Cuộc cách mạng nội tâm đã mang đến cho Đ. sức mạnh mới. Em học cách chấp nhận mọi sự lạnh lùng, khinh miệt từ người thân. Người đời vốn đã ác cảm với những người đồng tính, càng như thế họ càng ác cảm hơn. Em nghĩ cách phản kháng hay nhất là hãy sống tốt, hãy cố vươn lên để thay đổi cách nhìn của xã hội…
Đôi mắt trong vắt, nụ cười trong vắt, không ai nghĩ cô bé có khuôn mặt hồn nhiên, đẹp như trăng rằm kia đã và đang chất chứa trong lòng những nỗi niềm sâu kín. Sau khi cho biết tên là Nguyễn T.Đ., 16 tuổi, ở phường 15, quận 6, cô bé bắt đầu câu chuyện đời mình bằng nụ cười buồn: "Em từng có cha, có mẹ, có ông bà và người thân. Nhưng từ khi em quyết định không che đậy nữa, em muốn sống thật với chính mình thì mọi người xem em như quái dị và xa lánh. Đã có lúc em sống không bằng chết". 
"Bị trời hành"
Sẽ không có sóng gió, sẽ chẳng có nỗi đau nếu như 2 năm trước, Đ. không phát hiện mình có những rung động khác lạ. "Lúc đó cuối năm học lớp 8, em tự dưng không thích mặc những bộ đồ dành cho con gái, không thích để tóc dài, không thích bạn khác phái dù được tụi con trai xếp vào dạng mỹ nhân và hay chọc ghẹo. Khi ấy em thấy thích một nhỏ bạn rất nữ tính ngồi cạnh. Những chuyển biến có phần kỳ lạ ấy lớn dần nhưng em vẫn cố gắng kiềm giữ không cho nó bộc phát".
Niềm vui của Đ. khi được các thành viên Đội lân Phù Đổng yêu thương, sẻ chia.
Năm học lớp 9 trôi qua nặng nề với những ức chế, khát khao được sống thật luôn trong tư thế bùng nổ bất kỳ lúc nào trong Đ. "Đầu năm học lớp 10, không thể kìm nén được nữa nên em quyết định làm điều mình thích. Em thay thế mái tóc dài mà nhiều người khen rất nữ tính bằng tóc tém trông rất "men" (đàn ông). Em vứt mấy bộ đồ con gái màu mè, ẻo lả và thay vào đó là quần jean, áo thun mạnh mẽ". 
Cuộc lột xác đã mang đến cho Đ. nhiều bất hạnh không như mong đợi. "Nhìn thấy em không còn là em nữa, ba mẹ trố mắt, gặng hỏi thì em chống chế bảo "nóng quá, cắt tóc, mặc đồ cơ động cho khỏe". Ba em là chủ đại lý của máy bơm nước, tối ngày rời khỏi nhà lo chuyện làm ăn. Mẹ do bận việc với công ty may xuất khẩu của mình nên cũng túi bụi với công việc. Được là chính mình rồi, em quyết định bày tỏ tình cảm với nhỏ bạn mà lâu nay mình thầm thương. Em viết thư tỏ tình gửi nó. Nhận được thư, nó hoảng sợ không dám nhìn mặt em. Sau đó nó nén lại thăm hỏi, động viên, khuyên nhủ nhưng những nỗ lực đó không thành công. Từ đó em vĩnh viễn mất đi tình bạn với nó". 
Mọi chuyện trở nên tồi tệ đến không ngờ với Đ. vào giữa năm học lớp 10. Khi nhận quá nhiều phản ánh của người thân, xóm làng về sự bất bình thường tính khí và hình dáng của cô con gái khả ái, bố mẹ em suy sụp và quyết định giải cứu sự thật phũ phàng bằng việc mua tặng Đ. bộ váy đầm rất xinh. "Em nhớ hôm đó là lễ mừng thọ bà nội. Mẹ gọi em đến tặng quà, bảo mặc vào. Em cương quyết lắc đầu và bị đuổi về. Từ đó trong mắt ba mẹ, em như một thứ vứt đi, một kiểu quái dị làm tủi nhục gia đình, họ hàng. Ba mẹ, ông bà, các cô chú, cậu dì… xa lánh em từ đó… Sao họ không hiểu em có muốn như vậy đâu? Người ta bảo em bị "trời hành" nên đời mới tăm tối như vậy!". 
Tìm đến cái chết để giải thoát
Trong nỗi đau bị ruồng rẫy, Đ. xác xơ đến thảm hại. "Nhiều đêm liền em khóc hết nước mắt rồi tự lên gân cho mình bằng sự an ủi ảo tưởng, cố gắng chịu đựng rồi sẽ có lúc ba mẹ hiểu và cảm thông. Em cảm thấy vững tin hơn khi đọc được câu nói trên một bài báo "Chỉ có con bỏ cha mẹ chứ không cha mẹ nào xa lánh con". Nhưng thật không ngờ, từ sau lần em bất tuân tại nhà nội, trong ba mẹ, em còn sống mà như đã chết rồi.
Từ đó đến nay em chưa nhận được bất kỳ một lời thăm hỏi, động viên nào từ đấng sinh thành. Mọi người mặc em muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi, mặc em sống sao cũng được. Em như một người thừa trong gia đình. Mái nhà thân thương, tổ ấm gia đình ngày nào với em nay trở thành căn nhà trọ. Nó chỉ là nơi trú ẩn, chẳng có yêu thương, chẳng còn tình người".
Buồn chán, khổ đau, Đ. bắt đầu bê trễ việc học. Từ nhỏ đến năm lớp 9, cô bé luôn đứng trong "top 3" những học sinh có học lực khá của lớp nhưng đến năm lớp 10 thì đảo ngược hoàn toàn. "Sáng sáng em vẫn cắp cặp đến trường nhưng túa đi chơi với nhóm bạn 8 đứa có cùng nỗi đau bị trời hành như em, bị mẹ cha hắt hủi như em. Được chia sẻ với nhau những điều thầm kín, bức xúc, tụi em thấy nhẹ nhàng, dễ thở hơn. Do nghỉ học liên tục và học hành sa sút nên cuối năm học lớp 10 em bị thi lại. Khi ấy việc học đối với em chẳng quan trọng nữa nên em bỏ thi, bỏ học. Lẽ ra niên học 2010-2011 này em học lớp 11 đấy".
Đ. tâm sự em bỏ thi, nghỉ học nhưng bố mẹ cũng chẳng hề hỏi thăm, động viên. Sự thờ ơ đến lạnh lùng của những người thân trong gia đình càng khiến cô bé cảm thấy sự sống trở nên vô nghĩa. "Em nghĩ chỉ có cái chết mới có thể giải thoát được mình và em tìm mọi cách để chết. Em đã có gần chục lần tự sát nhưng không thành. Khi thì thuốc không phát huy tác dụng, lúc kề cận với máu me, em lại thấy quý mạng sống nên tự cứu mình".
"Con vẫn là con người như mọi người"
Đ. chia sẻ, sau lần thứ 6 chết hụt, em mới thấy hành động tự sát của mình quá nông nổi và hèn nhát. "Em còn sống chẳng ai xót thương thì chết cũng thế thôi. Với lại chết như thế ba mẹ càng có cơ sở để khẳng định em đúng là thứ gì đó dị biệt chứ không còn là con người. Em nung nấu quyết tâm sẽ cố sống, cố học tập tốt trở lại để chứng minh cho bố mẹ thấy em vẫn là người như mọi người".
Cuộc cách mạng nội tâm đã mang đến cho Đ. sức mạnh mới. "Em học cách chấp nhận mọi sự lạnh lùng, khinh miệt từ người thân. Lúc này nhiều đứa bạn cùng cảnh ngộ rủ em lập nhóm, sống bất cần nhưng em không thể như tụi nó. Người đời vốn đã ác cảm với mình, càng như thế họ càng ác cảm hơn. Em nghĩ cách phản kháng hay nhất là hãy sống tốt, hãy cố vươn lên để thay đổi cách nhìn của xã hội. Năm sau em sẽ tiếp tục việc học". 
Nguyễn T.Đ. hiện đang gắn bó với Đoàn lân sư rồng Phù Đổng do võ sư Lê Đình Phước (Phó Giám đốc Nhà văn hóa thiếu nhi quận 6) sáng lập. Nói về cô bé, võ sư Phước tha thiết nhờ chuyển lời đến bố mẹ em lời nhắn "chuyển biến tâm sinh lý bất thường không phải do bản thân Đ. muốn mà là sự run rủi của số phận". Anh tâm tình: "Tôi đã gặp nhiều trường hợp các em do thiếu sự cảm thông của gia đình mà sống buông thả, lao vào ma túy, những cuộc chơi để rồi kết thúc tuổi trẻ tươi đẹp bằng án tù, cái chết. Cũng may Đ. là cô bé bản lĩnh, biết suy nghĩ nên tự hướng thiện, tự tìm đến đoàn lân để được vỗ về và ấp ủ lộ trình cho một ngày mai tươi sáng. Các em trong đoàn lân tuy chẳng máu mủ gì nhưng vẫn chấp nhận, yêu thương Đ. thì hà cớ gì những người thân lại xa lánh em như vậy?!".
Theo CAND

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)