Thầy Trần Duyên Hải là người cứu vớt những số phận không may mắn để đưa họ trở lại với cuộc đời. |
Lặng lẽ đi gom những mảnh đời
Đó là vào năm 1988, khi ấy, thầy Trần Duyên Hải đang là giáo viên của công ty bông, vải, sợi Hà Nội. Ngày ngày, thầy phải đi qua khu hồ Hoàn Kiếm để đến nơi làm việc. Vào những năm cuối của thập niên tám mươi, đất nước đang có những chuyển biến dữ dội. Với đồng lương giáo viên “ba cọc ba đồng”, cuộc sống của thầy cũng muôn vàn khó khăn.
Thế nhưng điều ám ảnh thầy nhất, nỗi day dứt trong lương tâm của một người thầy, lại là hình ảnh những đứa bé lang thang, vật vờ bên những vỉa hè, góc phố trên con đường ngày ngày thầy phải đi qua.
Những hình ảnh ấy chẳng phải là nỗi đau của riêng ai. Nhưng thầy lại nhận làm nỗi đau cho riêng mình. Để rồi “tình riêng bỏ chợ – tình người đa đoan”. Thầy đã thao thức nhiều đêm lắm. Thầy đã trăn trở nhiều đêm lắm. Tôi biết chắc như thế khi nhìn vào đôi mắt sâu của thầy. Với nụ cười hiền hậu của một nhà giáo luôn đọng trên môi, thầy cứ cuốn tôi vào câu chuyện mà khiến tôi giật mình nghĩ rằng nếu chỉ một hai tiếng trước đây không bao giờ tôi dám tin lại có trong cuộc đời.
Thế là thầy dành tất cả những khoảng thời gian trống mình có, miệt mài lặn lội đến từng góc phố để chia sẻ với những em bé lang thang, cơ nhỡ. “Tiếp xúc với các em khó lắm. Đứa bé nào cũng mang những mặc cảm, tự ti đầy mình. Mà đa phần các em đều thuộc nhóm trộm cắp, cướp giật. Quan trọng nhất là các em đã mất niềm tin vào cuộc đời. Các em không còn tin có người tốt trên đời này nữa. Đó là lỗi của người lớn chúng ta. Những khi ấy, tôi xót xa biết nhường nào!”.
Hàng chục năm nay, thầy vẫn đều đặn chỉ dạy học trò từng đường kim mũi chỉ vào đời. (Ảnh: TA) |
Đó là những khoảng thời gian rất eo hẹp vì thầy còn phải lên lớp, còn phải mưu sinh, còn vợ con và gia đình thầy. Những ngày đầu ấy, thầy không dám chia sẻ với vợ. Vì có thể lắm chứ một người đàn bà trong thời khắc dành dụm từng chút một mới mong đủ “vắt mũi bỏ miệng” thì làm sao thông cảm với việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của thầy được. Và thầy cứ một mình lặng lẽ như thế.
Lớp học đầu tiên ra đời. “Cho các em cơm ăn không bằng dạy cho các em một nghề để đi giữa cuộc đời”, thầy tâm sự như vậy. Ban đầu lớp chỉ có ba em. Thầy nhớ như in – em Hoàng Trung Mậu là trẻ lang thang, em Hoàng Lệ Mai, liệt cả hai chân và em Ngọc sương gió quê Vĩnh Phúc thuộc hàng trẻ bụi đời.
Thầy thuê một phòng nhỏ tại số nhà 33 Hàng Đào làm chỗ cho các em ăn ở và học. Đây là cái nơi khởi nghiệp “đa đoan” của thầy. Nó bắt đầu cho những lần dắt đàn con đi tìm một tổ ấm giữa chông chênh dòng đời nghiệt ngã của người cha, người thầy Trần Duyên Hải.
Bốn lần dắt đàn con bơ vơ tìm một mái nhà
Thầy và ba đứa học trò đặc biệt ấy ở căn nhà số 33 Hàng Đào được đúng tròn sáu tháng. Biết làm sao giúp các em mưu sinh? Câu hỏi thật khó khi chính cuộc sống của thầy cũng chưa biết ra sao. Thầy đi xem khắp nơi rồi ngẫm. Và thầy nhận ra rằng nghề may là nhanh học nhất.
Những đứa trẻ lang thang như con ngựa hoang chưa thuần. Rồi còn một đứa bị liệt hai chân. Thầy phải tìm một người về dạy nghề may cho các em, hàng ngày tranh thủ đến tắm rửa, dọn vệ sinh phòng ở và kiếm đủ cơm cho ba đứa. Đôi vai thầy oằn xuống. Nhưng trái tim thầy chưa bao giờ mỏi mệt.
Sáu tháng trôi qua, lớp học “bí mật” của thầy Trần Duyên Hải lên đến bảy em. Một tay thầy vệ sinh không xuể, rồi chúng hò hét, nghịch ngợm. Chủ nhà không chịu nổi. Và họ quyết định đuổi luôn cả tám thầy trò.
Số nhà 18 Trần Quý Cáp vào những năm đầu thập niên chín mươi nổi tiếng một thời với vụ án tên cướp bắn chết một đôi vợ chồng và người khách. Họ đồn rằng ở đó còn những hồn ma oan khuất. Chẳng có ai dám thuê ngôi nhà ấy. Nhưng thầy đã thuê ngôi nhà cho những đứa học trò của mình với tâm niệm “mình làm việc thiện, các oan hồn chắc cũng chẳng bắt làm gì”.
Tại căn nhà 18 Trần Quý Cáp ấy, thầy và những đứa học trò nhận được những may mắn bất ngờ. Một đoàn khách người Anh đến thăm trung tâm của thầy. Trung tâm bây giờ đã đông đến 15 em. Thấy những chiếc ghế thiếu chân, những chiếc bảng là một mảnh gỗ tạm, họ thấy thương những em bé mồ côi tật nguyền, lang thang cơ nhỡ và muốn chia sẻ với người thầy có tấm lòng vàng cho bớt chút khó khăn.
Đáng giá nhất lúc đó là mấy chục chiếc máy khâu họ hỗ trợ cho trung tâm. Khi ấy, đó là cả một gia tài. Và chính gia tài ấy lại là nguyên nhân khiến những đứa học trò thầy cưu mang một lần nữa trở thành những đứa trẻ vô gia cư. Người chủ nhà đòi được cùng sở hữu số máy móc ấy. Thầy đồng ý nhưng với điều kiện thầy và các học trò của thầy sẽ không phải đóng tiền nhà nữa. Lần thứ ba, thầy Hải dắt những đứa học trò đi kiếm một mái che.
Khi đến số nhà 110, ngõ Linh Quang, cũng là giai đoạn khó khăn nhất. Không có đơn đặt hàng, không có việc làm, không có tiền nhiều em đã bỏ trung tâm đi. Thầy lại lặn lội đến từng cửa hàng may xin nhận hàng gia công về cho các em làm. Rồi thầy đi đến từng góc phố tìm các em đã bỏ đi. “Thấy các em co ro ngồi trên vỉa hè, tôi chảy nước mắt”. Thầy Hải tâm sự.
Rồi chỗ ở thứ ba cũng chỉ ở được một năm. Lần này, thầy cảm thấy tuyệt vọng. Một mình thầy không đủ sức để chèo lái con thuyền mỏng manh này. Không có một mảnh đất cắm dùi sẽ chẳng làm được việc gì. Sau bao nhiêu do dự, thầy mang tất cả câu chuyện của mình kể cho vợ nghe. Chẳng những cô không phản đối mà càng thêm yêu chồng, muốn chung vai gánh vác một phần công việc với thầy.
Gom góp tất cả số tiền trong gia đình, vay mượn họ hàng, bạn bè thân thích, thầy và cô mua lại căn nhà số 25/48, ngách Linh Quang, ngõ Văn Chương. Đó chính thức trở thành trụ sở chính của Trung tâm dạy nghề nhân đạo, tạo việc làm cho trẻ em tàn tật.
Thầy rạng rỡ khi đón quà chúc mừng từ nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa. (Ảnh: TA) |
“Tôi muốn làm được nhiều hơn thế nữa!”
Hiện tại trung tâm của thầy Trần Duyên Hải đã có 4 cơ sở với hai nghề chính là may và thêu, chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu. Đến nay, thầy đã cưu mang, cho nghề gần 2.000 mảnh đời bất hạnh.
Thầy thường về tận các xã để tìm kiếm những em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em tật nguyền đưa về trung tâm dạy dỗ. Các em được bao cấp hoàn toàn tiền nhà ở, tiền học việc, chỉ phải đóng khoản tiền ăn của mình. Nhiều em quá khó khăn, thầy bao cấp luôn cả tiền ăn.
Chúng tôi lên thăm chỗ ăn nghỉ của các em mà thấy lòng xót xa. Chỉ là những tấm gỗ ghép tạm trên tầng xép tối tăm. Dù chỉ có thế nhưng cũng cảm ơn lắm, cũng tri ân lắm vói tấm lòng vàng của thầy. Không có thầy, những mảnh đời kia làm sao có một chỗ nằm.
Tâm sự với chúng tôi, thầy trầm ngâm: “Ước mơ lớn nhất của tôi bây giờ là có sự hỗ trợ của nhà nước. Tôi cần một mảnh đất chừng 10ha. Dĩ nhiên không phải cho tôi mà cho những em bé tật nguyền bất hạnh. Chỗ chúng tôi, nhiều em yêu thương nhau, lập gia đình với nhau.
Nhưng chỉ vì không có chỗ ở nên họ đành phải chia tay với trung tâm. Khi về quê, họ chỉ hòa mà không nhập được. Đôi tay vàng của các em lại một lần bỏ phí. Họ sẽ lại trở thành gánh nặng của gia đình. Không có môi trường làm việc thích hợp, xã hội sẽ mất đi những sản phẩm có giá trị của họ. Nếu có đất, tôi sẽ xây khu tổ ấm cho các em ấy, tôi sẽ mở rộng trung tâm, mở rộng các xưởng nghề…”.
Thầy vẫn đang trông chờ, hy vọng nhận được sự giúp đỡ từ những tấm lòng bao dung…
Anh Thế – Đô Quốc (Dân trí)
Bình luận (0)