Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Chuyện một người tỉnh nuôi nhiều người điên

Tạp Chí Giáo Dục

Vợ chồng ông Nhẫn, bà Lan
Giữa cái nắng chói chang của tháng 5, chúng tôi tìm đường về nhà ông Phạm Văn Nhẫn ở thôn Chi Ngôn, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam – một cựu chiến binh, trong 30 năm qua đã “nhặt” hàng trăm người điên về nhà chăm sóc.
Đường làng vắng hoe, không phải ngày mùa nên mọi người ở hết trong nhà trốn nắng, chỉ có tiếng chó sủa dông dài. Thấy có ông lão đạp xe trên đường, chúng tôi vội vàng đến hỏi đường vào nhà ông Nhẫn. Lập tức ông lão hỏi: “Nhẫn gàn phải không? Nhẫn nuôi người điên đấy phỏng? Nhà nó ở đằng kia, tôi vừa vào nhà nó về đấy”. Chúng tôi quay xe theo hướng chỉ của ông lão, tìm đến nhà ông Nhẫn gàn.
30 năm viết một chuyện đời
Nằm trên quốc lộ 1A, quán nước nhỏ với vài cái ghế của vợ chồng ông Nhẫn chỉ rộng chừng 10m2. Gọi là quán cho oai chứ thực ra chỉ là cái chòi, có một khoảnh sân nho nhỏ để khách qua đường có thể dựng xe vào uống chén trà tránh nắng hay ngồi đợi bơm hơi bánh xe. Căn nhà cấp 4 của hai vợ chồng ông ở phía sau quán, rộng khoảng 30m2 được xây từ năm 1986. Ngày xưa chắc nhà cũng ngang tầm với mặt đường. Nhưng qua năm tháng, sau mỗi lần làm mới, đường nâng lên và nhà cứ hạ dần xuống. Đến giờ, để leo lên được mặt đường, gia đình ông phải đi trên con dốc 300.
Chúng tôi đến quán, chỉ thấy một người đàn ông trạc 50 tuổi, dáng thấp đậm, khi nghe khách nói muốn gặp ông Nhẫn, người đàn ông liền chạy vào trong gọi chủ nhà. Ông Nhẫn đi đám cưới, tiếp chúng tôi là bà Đào Thị Lan, vợ ông. Bà Lan cho biết, cách đây 30 năm, cũng một ngày giữa cái nắng mùa hè, đang vào vụ gặt, rơm phơi đầy đường, ông bà bỗng bắt gặp một cậu bé trạc 3-4 tuổi đang khóc tìm mẹ. Biết cậu bé đi lạc, ông cùng vợ đưa về nhà tắm rửa, cho ăn và cho đi chơi với mục đích để cháu bé bình tĩnh lại nhớ được địa chỉ nhà mình. Không những thế, mấy ngày trời ông còn đạp xe, lặn lội đi tìm người thân cho cháu bé ở các xã lân cận. Tình cờ, một buổi sáng sớm, ông đang đạp xe đi tìm thì gặp một ông lão chỉ cách nhà vài cây số đang khóc tìm cháu. Cháu bé đã tìm được người thân. Sau hôm đó, gia đình đã cho cháu xuống làm con nuôi vợ chồng ông Nhẫn. Sự việc tình cờ đã trở thành cơ duyên khi ông thấy đây là việc làm có ý nghĩa. Không chỉ giúp trẻ lạc tìm được người thân mà ông bà còn giúp người điên tìm lại được gia đình của mình.
Bà Lan đưa tay chỉ người đàn ông đang ở nhà mình rồi cho biết, cách đây 6 năm, chồng bà thấy ông ta người bê bết máu nằm ở vệ đường nên mang về nhà. Hỏi mãi cũng chỉ biết ông tên là Trần Văn Cường, quê ở Bắc Giang. Nhưng khi ông Nhẫn gọi điện thoại về Bắc Giang thì được biết gia đình ông Cường không còn ai ở đó nữa, chỉ còn một người em gái đang ở TP.HCM. Người em gái đó cũng nhận đấy là anh trai mình nhưng vì hoàn cảnh nên nhờ gia đình ông Nhẫn nuôi giúp. Thế là 6 năm nay, ông Cường ở lại nhà ông Nhẫn và công việc duy nhất ông làm được đó là trông nhà những hôm ông bà ra đồng. Bà Lan kể tiếp, có hôm ông Nhẫn xuôi ngược lên tận vùng Hạ Hòa, Phú Thọ để tìm người nhà cho một chàng trai bị thần kinh bỏ nhà đi xuống tận Hà Nội. Hay một lần sau khi nuôi và chăm sóc một người ở Thái Bình, tìm được người nhà nhưng vì gia đình họ nghèo quá không đến đón được, ông lại chở người đó về tận nhà. Mà có lẽ, bà Lan nhớ nhất lần đầu khi ông Nhẫn đưa về một người đàn bà rách rưới, đói khát gần như sắp xỉu. Bà tá hỏa vì tưởng chồng mình chạy xe tông phải. Chăm sóc được một thời gian thì ông bà phải tìm một trại tâm thần nhờ nuôi hộ vì bệnh người này quá nặng, suốt ngày lên cơn, chửi bới, đập phá lung tung. Gửi người đàn bà ấy đi hôm trước thì hôm sau lại thấy ông đón về một người khác rồi thêm người khác nữa. Có người ở tận Đắk Nông, đi lạc 14 năm nay cũng được ông rước về nhà rồi gọi gia đình ra đón. Với bà Lan, những ngày làm vợ ông Nhẫn là những ngày cùng ông chăm sóc người điên. Bà không nhớ đến nay, vợ chồng bà đã rước nuôi bao nhiêu người, có thể là 100 hoặc có thể là 200.
Cứu con người, con mình lại ra đi
Cuốn sổ ghi thông tin về những người điên 30 năm qua của ông bà đã dày cả trăm trang và nó sẽ vẫn còn tiếp tục dày thêm nữa.
Ở cái tuổi 55, bà Lan già hơn so với những người đồng trang lứa. Hai ông bà có một mẫu ruộng cùng với công việc hàng ngày chăm sóc người điên, lúc nào bà cũng xắn quần đến gối, săng sái luôn chân luôn tay. Nhà chưa xây được, nợ ngân hàng để mua máy bơm hơi chưa trả hết. Những cái chưa làm được cho cuộc sống của mình cứ dồn lên. Rồi bà nghĩ, đến mùa mưa, trong nhà như ngoài sân, chỗ khô cho người điên nằm, chỗ ướt hai vợ chồng “hưởng”, chỉ thấy buồn buồn cho gia cảnh của mình. Sinh được 4 đứa con, nhà nghèo, hai đứa lớn chỉ được học đến lớp 4, lớp 5, hai đứa sau được học hết THCS. Trong số những gia đình tìm được người thân của mình, đâu có mấy ai một lần quay lại cảm ơn ông bà?
Trong lòng bà Lan hình như vẫn còn điều gì đó uẩn ức. Với giọng trầm buồn, bà kể năm 2005, ông Nhẫn cưu mang một cậu bé chỉ mới 11 tuổi quê ở Quảng Ngãi. Sau khi tìm hiểu và liên lạc, gia đình cậu bé ra đón về, vợ chồng ông làm bữa cơm để chia tay. Trong khi ăn cơm, cậu con trai thứ 3 của ông bà là Phạm Văn Kiên lúc đó 19 tuổi (vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về được 6 tháng) đi mua đồ về cách nhà 300m thì bị tai nạn. Cú va quẹt với xe ô tô ngược chiều đã khiến cậu con trai không bao giờ trở về với ông bà nữa. Sự ra đi của con đã gần 10 năm trôi qua nhưng bà vẫn ân hận là chưa lần nào may được cho con một bộ quần áo đẹp. Nhớ con, mỗi lần đi làm qua mộ, bà lại ngẩn người đứng lại.
Đi đám cưới về, chia sẻ với chúng tôi, ông Nhẫn bảo bây giờ vợ chồng ông có đến 50 đứa con nuôi ở khắp nơi. Ông sẽ vẫn tiếp tục công việc vừa chạy xe ôm, vừa “nhặt” người điên về chăm sóc. Thậm chí, đến số điện thoại của ông cũng trở thành đường dây nóng của mọi người. Ông bảo mấy anh chị ở cây xăng gần đấy, bất kể đêm hôm, cứ thấy người điên đi lang thang là gọi cho ông. Thậm chí mọi người ở trong thôn cũng thế. Nhìn vào gia cảnh ông bà, chúng tôi thấy chạnh lòng và hoài nghi về khả năng của họ. Thu nhập chỉ ở mức đủ sống qua ngày, tiền bạc tích cóp hầu như không có, trong khi mỗi một người đưa về chăm sóc, ngoài tiền ăn uống còn phải chi phí điện thoại, xăng xe đi lại để dò la tin tức… Tốn kém không phải là ít nhưng dường như vợ chồng ông chưa bao giờ tính toán.
Cuốn sổ ghi thông tin về những người điên 30 năm qua của ông bà đã dày cả trăm trang và nó sẽ vẫn còn tiếp tục dày thêm nữa. Vì theo ông Nhẫn, đó là việc làm để lấy phúc cho con cháu mai sau.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Những câu chuyện mà bà Đào Thị Lan kể giống như những thước phim quay chậm. Đi trên đường, thấy người điên đi lang thang, ông Nhẫn liền dẫn về nhà. Bà có nhiệm vụ tắm rửa, cơm nước, chăm sóc. Ông bà lại cùng nhau dỗ dành để lần tìm ký ức trong mớ trí nhớ hỗn độn lúc nhớ lúc quên của những người điên. Có hôm, ông phải mất đến cả trăm ngàn tiền điện thoại mới tìm được địa chỉ người nhà của họ…
 

Bình luận (0)